Từ lâu rồi trong các phong trào đấu tranh đòi hỏi thay đổi xã hội ở Việt Nam có một kiểu chửi bới rất phổ biến thế này: "Đồ Bake...", "Đồ Bắc kỳ chó..." Kiểu chửi bới đó càng đậm màu trong những ngày bước vào tháng tư hàng năm. Nếu ai là người đấu tranh gốc Bắc lần đầu tiên bị nghe những câu chửi ấy thì kể ra cũng hơi bị sốc và buồn, nhất là lại phải nghe từ chính mồm những người có chung thái độ muốn thay đổi xã hội.
Buồn thì có buồn thật đấy, nhưng hầu như là những người có hiểu biết đều không chửi lại, không nói lại... vì thực ra những người hay chửi bới dân Bắc Kỳ như vậy chẳng qua cũng là nạn nhân trong lịch sử rất đau thương của đất nước này.
Nhưng tôi muốn tập trung vào một lý lẽ khác. Đó là lý lẽ thế hệ hiện tại không nên - thực ra không thể - xin lỗi cho những sai trái của tổ tiên. Xin lỗi vì sự bất công nghĩa là nhận mức độ trách nhiệm nào đó. Bạn không thể xin lỗi vì điều mình không làm. Vì vậy, bạn làm thế nào xin lỗi cho một điều xảy ra trước khi bạn sinh ra?
Thủ tướng Úc John Howard dùng nguyên nhân này để bác bỏ việc xin lỗi chính thức thổ dân: “Tôi không tin thế hệ người Úc hiện nay phải chính thức xin lỗi và chịu trách nhiệm về hành động của thế hệ trước”.
Lập luận tương tự được đưa ra trong cuộc tranh luận ở Mỹ về bồi thường cho chế độ nô lệ. Henry Hyde, nghị sĩ đảng Cộng hòa, chỉ trích ý tưởng bồi thường trên căn cứ: “Tôi không bao giờ sở hữu một nô lệ, không bao giờ áp bức bất cứ ai. Tôi không biết có nên trả bồi thường hộ một ai đó [đã sở hữu nô lệ] ở các thế hệ trước khi tôi sinh ra”.
Walter E. Williams, nhà kinh tế người Mỹ gốc Phi phản đối việc bồi thường, bày tỏ quan điểm tương tự: “Quá tuyệt nếu chính phủ nhận tiền từ truyện cổ tích hay từ ông già Noel. Nhưng chính phủ lấy tiền từ người dân, và không người dân nào còn sống bây giờ phải chịu trách nhiệm về chế độ nô lệ”.
Đánh thuế người dân thời nay để lấy tiền bồi thường cho sai lầm trong quá khứ có vẻ như làm nảy sinh một vấn đề đặc biệt. Nhưng vấn đề tương tự thế cũng phát sinh trong các tranh luận về việc xin lỗi nhưng không đi kèm bồi thường tài chính. Với lời xin lỗi, phải tính đến ý tưởng đằng sau: sự ghi nhận về trách nhiệm. Bất cứ ai cũng có thể phàn nàn về sự bất công. Nhưng chỉ người có liên quan mới có thể nói lời xin lỗi cho sự bất công đó. Phe chỉ trích việc xin lỗi nắm chính xác tinh thần đó. Và họ bác bỏ ý kiến cho rằng thế hệ hiện tại phải chịu trách nhiệm đạo đức về tội lỗi của cha ông mình.
Khi quốc hội tiểu bang New Jersey tranh luận vấn đề xin lỗi trong năm 2008, một vị nghị sĩ đảng Cộng hòa hỏi: “Ai sống ở thời này phạm tội sử dụng nô lệ và vì thế có khả năng xin lỗi vì hành vi phạm tội này?”. Câu trả lời rõ ràng, ông nghĩ, là không có ai cả: “Những cư dân hiện tại của New Jersey, ngay cả những người có tổ tiên là chủ nô, không có tội lỗi hay trách nhiệm tập thể cho những sự kiện bất công mà cá nhân họ không đóng vai trò gì”.
Khi Hạ viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu cho việc xin lỗi chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc, một nghị sỹ Cộng hòa đã so sánh việc này với xin lỗi về những hành động do “cụ của cụ của cụ” tôi thực hiện...
Tôi phải nhắc lại những câu chuyện này bởi hai ngày hôm nay, chị tôi - một người nhiệt thành đấu tranh cho sự thay đổi của đất nước - một người hi sinh cuộc sống của mình cho gia đình các tù nhân chính trị - đang bị một số người ở bên ngoài chửi rủa vì tấm ảnh ôm lá cờ đỏ sao vàng. Tôi là người chụp bức ảnh đó, vào ngày 8/7/2012, trên đường phố Hà Nội. Đó là bức ảnh thật, không phải là ảnh chỉnh sửa cắt ghép.
Thật đáng thương cho những ai có đầu mà không biết suy nghĩ, có chữ mà chẳng hiểu sự đời, có miệng mà chẳng biết nói lời yêu thương. Xin được mượn lời răn của người Công Giáo để nói với những ai chưa hiểu đúng câu chuyện này: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Yêu thương tất cả!
Bài bình luận gần đây