Cổng thông tin điện tử Công an Tp. Hà Nội công bố, cơ quan điều tra CA Hà Nội đã bắt tạm giam chị Nguyễn Thúy Hạnh vào ngày 7 tháng Ba với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán/ tuyên truyền thông tin, tài liệu, nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 BLHS.
Nếu theo dõi tình hình các nhân vật tranh đấu trong nước người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận được cái tin chị Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt. Không giống với những người đấu tranh khác, chị Hạnh được đông đảo người trong cũng như ngoài nước yêu mến. Không phải vì khuôn mặt khả ái, lời nói hiền lành hay cử chỉ luôn nhẹ nhàng thanh lịch... mà chị được yêu mến vì việc làm cụ thể sau nhiều năm tham gia vào mặt trận đấu tranh.
Nguyễn Thúy Hạnh xuất hiện từ nhiều năm trước khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu tại Hà Nội cũng như các phong trào bảo vệ cây xanh, tranh đấu vì môi trường Formosa hay ngay cả các dự luật về đặc khu cũng có tên chị tham gia phản đối. Những việc làm bình thường đó không làm chị nổi bật cho tới khi chị thành lập "Quỹ 50 ngàn" dành riêng cho tù nhân lương tâm thì khi ấy tên của chị được chú ý và hưởng ứng.
Vào tháng 4 năm 2018, “Quỹ 50 ngàn” được chị Thúy Hạnh thành lập với mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả luật sư phí cho các nhà hoạt động xã hội. Sau đó Quỹ tiếp tục duy trì để giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Quỹ 50 ngàn từng gây tiếng vang khi được trao Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng.
Chỉ 50 ngàn đóng góp, số tiền nhỏ nhoi tương đương một tô phở ấy sẽ tạo điều kiện cho những người bị bắt vì tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ sẽ ấm lòng hơn và chí ít nó cũng giúp cho họ qua cơn khốn khó vì suy sụp kinh tế. Quỹ 50 ngàn vừa thiết thực vừa kịp thời trong hoàn cảnh người đấu tranh ngày càng bị cô lập với xã hội, quần chúng. Quỹ 50 ngàn ngày một lớn rộng và lan tỏa không những tại Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới có người Việt sinh sống đã mạnh dạn gừi tiền về cho Thúy Hạnh, người chịu trách nhiệm điều hành từ mỗi đồng bạc được quyên góp.
Số tiền của Quỹ ngày một nhiều và từ đó con số trợ giúp cho người tù lương tâm ngày một khấm khá hơn. Nhiều gia đình tù nhân lương tâm mỗi tháng đều nhận được từ quỹ ít nhất 2-3 triệu đến 4-5 triệu tuỳ hoàn cảnh. Đó là nguồn tài chính vô cùng đáng quý cho thân nhân tù nhân lương tâm trong hoàn cảnh hiện nay.
Người này đồn đến tai người kia, sự thực ấy đã như một tín chỉ lòng tin giúp cho Quỹ ngày một uy tín hơn. Công lao này không ai có thể phủ nhận từ mồ hôi, thời gian và cả lao tâm khổ tứ của Thúy Hạnh, một người đàn bà bé nhỏ nhưng tâm hồn và nghị lực không nhỏ tí nào.
Quỹ 50 ngàn những tưởng sẽ im ắng và âm thầm…cho tới khi vụ án Lê Đình Kình nổ ra và cái chết thương tâm của cụ đã làm cho người giữ Quỹ đau xót. Quyết định quyên góp cấp tốc để giúp gia đình cụ lo tang chế và nuôi ba người con, cháu của cụ cũng như người dân Đồng Tâm trong tù đã lay động hàng ngàn trái tim khắp thế giới…rất nhanh chông, số tiền mà Quỹ 50 ngàn nhận được đã vượt hơn 500 triệu và sự yễm trợ đầy tình yêu thương đã nói lên tất cả tấm lòng của mọi người đối với vụ án Lê Đình Kình.
Và người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhà nước chính thức thò tay vào Quỹ 50K bằng cách không cho chị Thúy Hạnh rút số tiền đã quyên góp. Số tiền ấy tuy không lớn đến nỗi làm nguy cấp thêm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước nhưng nó có nguy cơ làm cho làn sóng căm phẫn ngày một lớn hơn qua hành động giết người của Công an Hà Nội.
Nguyễn Thúy Hạnh bị gọi tên, bị truy vấn và gây áp lực liên tục trong nhiều tháng trước khi công an quyết định bắt giam chị.
Nhưng lý do bắt chị thì không thể nói thẳng là quyên tiền cho gia đình cụ Kình, vì nói như thế khác gì vô nhân đạo, bất lương và nhỏ mọn của một nhà nước có đầy đủ mọi nhánh quyền lực. Tìm một lý do nào đó cho việc bắt giữ chị Thúy Hạnh cho ra vẻ đúng pháp luật vẫn hay hơn. Nhưng dù có biện hộ cách nào người dân vẫn khinh bỉ xen lẫn căm phẫn vì hành vi bắt người tùy tiện của công an.
Bộ tứ mới toanh của nhà nước Việt Nam chào ra mắt người dân bằng chiếc còng số 8 tra vào tay Thúy Hạnh, một người đàn bà bé nhỏ và âm thầm như hàng triệu người dân khác đang âm thầm sống, âm thầm quan sát từng động thái và hành vi của nhà nước này. Mặc dù họ không có tiếng nói nhưng sự uất ức nào cũng có giới hạn, đừng xem thường những lổ hổng nho nhỏ, lổ hổng làm đắm tàu là lẽ thường của cuộc sống này.
Bài bình luận gần đây