You are here

LỜI TIÊN TRI CỦA ALVIN TOFFLER

Ảnh của nguyenlanthang

Thế giới đang lửng lơ đâu đó trong một một thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, về kinh tế và bệnh dịch. Có nhiều người khá chán nản khi quan sát thấy mọi sự đi xuống của xã hội, nhất là sau thời kỳ bầu cử Mỹ vừa rồi. Nhưng thực ra, đã từ khá lâu rồi, rất nhiều người cảm thấy mơ hồ, không còn tin vào tính chính đáng của hệ thống tổ chức xã hội mà họ đang sống. Điều đó không chỉ đúng trong hình thái các nhà nước độc tài toàn trị, mà còn dần trở nên đúng trong các xã hội vốn được coi là dân chủ tiến bộ nhất hành tinh.

Cách đây nửa thế kỷ, một nhà tương lai học người Mỹ tên là Alvin Toffler bắt đầu xuất hiện trong giới tinh hoa học thuật thế giới. Dự báo về tương lai, không như những dự báo mơ hồ kiểu của bà già mù Vanga, Alvin Toffler đã gây ra cú sốc trong giới học giả khi đó bằng việc ra hàng loạt đầu sách nghiên cứu khoa học đồ sộ. Đó là những tác phẩm kinh điển như: Cú sốc tương lai (future shock); Làn sóng thứ 3 (the third way); Thăng trầm quyền lực (power shift)... và hàng loạt các bài báo gây chấn động xã hội phương Tây.

Không chỉ ở phương Tây, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đã xếp Alvin Toffler vào danh sách 50 người nước ngoài có ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc hiện đại. 

Có được điều đó là do các tác phẩm của Alvin Toffler ngay từ cuối thập kỷ 70 dù chỉ bắt đầu bằng việc nghiên cứu đánh giá sự phát triển của công nghệ thuần tuý, nhưng sự ảnh hưởng của công nghệ, của tiến bộ khoa học đã được ông bắt mạch, phân tích và chỉ ra những xu hướng chính trị xã hội đầy kinh ngạc. Những xu hướng đó theo năm tháng đã và đang xảy ra, ngày càng rõ nét hơn, như sự tan rã của các tập đoàn công nghiệp khổng lồ hoạt động dựa trên năng lượng hoá thạch, quá trình toàn cầu hoá, phong trào chống biến đổi khí hậu, chống phân biệt chủng tộc, cuộc chiến tranh sinh học, công nghệ biến đổi gen... Và nhất là ông đã sớm lo lắng cho sự lạc hậu của nền dân chủ Mỹ, ngay từ khi nước Mỹ còn đang hùng mạnh nhất thế giới.

Lý luận của Alvin Toffler chia lịch sử tiến bộ nhân loại ra làm 3 thời kỳ, gồm: Cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra trong hàng ngàn năm, Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong khoảng 300 năm, và bây giờ (năm 197x) là Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang chớm nở, với sức mạnh của máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và hệ thống xa lộ thông tin toàn cầu.

Nghiên cứu các tác phẩm của Alvin Toffler, phải nhìn nhận nó trong bối cảnh những năm cuối 1970, đầu 1980. Lúc ấy mấy ai đã hình dung ra nổi hình hài của xa lộ thông tin, của big data, của trí tuệ nhân tạo, ngôi nhà thông minh, năng lượng sạch, phong trào DIY... Có lẽ khi đó hầu hết nhận thức của nhân loại chỉ đang tập trung vào ngưỡng mộ các quốc gia siêu cường công nghiệp, những lò luyện thép cao sừng sững, những giếng dầu khổng lồ ngoài khơi, những thành phố công nghiệp sáng rực hoạt động suốt ngày đêm với hàng triệu công nhân.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, đọc lại những trang sách của Alvin Toffler, chúng ta không khỏi kinh ngạc trước những dự báo vô cùng chính xác về kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật và cả những biến đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trong các dự báo của ông, tôi đặc biệt quan tâm đến các chủ đề về quốc gia - dân tộc, về nền dân chủ và bộ máy chính trị tương lai. 

Ông viết: "Làm việc với công nghệ chính trị lỗi thời, khả năng đưa ra quyết định hiệu quả của chính phủ đang xuống dốc không phanh... Trên thực tế, Nhà Trắng đang kiệt sức với cả đống quyết định - về đủ thứ từ ô nhiễm không khí, viện phí, và năng lượng hạt nhân cho đến việc loại bỏ đồ chơi độc hại... Các cơ quan thực thi cũng không khá hơn là bao. Mỗi bộ ngành đều bị đè bẹp dưới cả núi quyết định... Chẳng có phi công điên rồ nào lại cố lái một chiếc phản lực siêu âm với các thiết bị điều hướng và kiểm soát cổ xưa... Song điều đó là gần đúng như những gì chúng ta đang cố làm trong chính trị..." (Trích từ: Làn sóng thứ ba - trang 550-554).

Tất cả những khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay theo ông đều bắt nguồn từ sự dịch chuyển của nền văn minh nhân loại. Mọi mô hình nhà nước, các định chế toàn cầu hiện nay đã được phác thảo và xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức từ khi nhân loại mới chỉ có bút lông. Xã hội công nghiệp khi mới ra đời tuy tạo ra một năng lực sản xuất mạnh mẽ, nhưng nó cũng tạo ra nền văn hoá đại chúng, nơi con người trở nên quá giống nhau. Tất cả dậy ăn sáng cùng một giờ, đưa con cái đến trường đi học cùng một chương trình, lên cùng một chuyến tầu để đi làm, đọc cùng một tờ báo lúc nghỉ giải lao, ăn cùng một suất ăn lúc buổi trưa... rồi về nhà bật cùng một chương trình truyền hình lúc buổi tối. Đó là kịch bản chung của xã hội loài người trước những năm 1980.

Nếu trước kia xã hội công nghiệp làm cho nhu cầu của con người khá giống nhau, thì ngày nay tiến bộ khoa học đã làm cuộc sống của chúng ta trở nên cực kỳ phong phú và khác biệt. Khác biệt này rất sâu sắc trên mọi mặt, từ cách chúng ta học hành, nơi chúng ta làm việc, kiểu chúng ta nuôi dạy con cái... cho đến trò mà chúng ta giải trí. Điều đó tự thân nó đã thúc đẩy việc hình thành nên một nền văn hoá phi đại chúng trên toàn thế giới, đối lập với cái thứ văn hoá đại chúng trước đây. Mọi người không ai còn giống nhau, làm việc và hưởng thụ theo cách khác nhau, ước mơ cũng khác nhau. 

Tầng lớp tinh hoa của thời đại công nghiệp luôn dựa vào số đông, nhân danh số đông để xây dựng nên ảnh hưởng quyền lực trong xã hội cho mình. Khẩu hiệu "nhà nước của dân, do dân, vì dân" thực ra bắt đầu xuất phát từ nước Mỹ, chứ không phải là từ các nước cộng sản. Vì khẩu hiệu đó quá hay nên nhiều kẻ độc tài đã vác nó về ứng dụng trong các quốc gia toàn trị. Cứ gắn chữ "nhân dân" vào tên gọi bất cứ thứ gì là quần chúng sẽ yên tâm tưởng rằng thứ đó đúng là của mình.

Khi thế giới bị tác động bởi làn sóng tiến bộ khoa học, con người dần dần có khả năng sống và làm việc theo cách rất khác nhau. Từ đó những quyết định và phán xét của số đông, dựa vào số đông trở nên thiếu đi tính chính danh, tính đại diện cho bất kỳ ai trong xã hội. Vì thế, nền dân chủ đại diện trở nên lạc hậu, trì trệ, quá tải... không đáp ứng nổi những nhu cầu cấp bách đặt ra trong xã hội, và thậm chí còn trở nên có vẻ thua kém các hình thức quản lý nhà nước tập quyền hay nhà nước toàn trị. Điều đó có thể thấy rất rõ khi so sánh kết quả chống đại dịch Covid19 hiện nay ở các nước trên thế giới.

Viết về quốc gia dân tộc - đơn vị chính trị then chốt của kỷ nguyên công nghiệp, ngay từ cuối những năm 1970 mà Alvin Toffler đã dự báo chính xác sự suy sụp của nó trước sự bành trướng mau lẹ của các tập đoàn xuyên quốc gia, đa quốc gia. Để hiểu được sức mạnh vượt trội của các tập đoàn này, hãy thử xem qua con số thống kê mà ông đề cập trong các nghiên cứu của mình. Ví dụ như vào năm 1971, lượng tài sản thanh khoản ngắn hạn mà các tập đoàn đa quốc gia nắm giữ trong 1 ngày là 268 tỉ đô la. Lượng tài sản đó gấp đôi số tiền của tất cả các tổ chức tiền tệ quốc tế trên thế giới nắm giữ trong 1 ngày. Đồng thời, nó cũng gấp hơn 268 lần so với tổng ngân sách hàng năm của Liên Hợp Quốc. Đó là câu chuyện của thập kỷ 70, thử hỏi ngày nay các tập đoàn công nghệ về mạng xã hội, về truyền thông hay các nhóm đại gia công nghệ sẽ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào đối với các định chế chính trị quốc gia dân tộc theo mô hình xưa cũ, kể cả với Mỹ, với Liên minh Châu Âu... Vì thế cũng không lạ khi tổng thống Mỹ bây giờ có thể bị các hãng truyền thông đánh cho tơi bời, bị các mạng xã hội quyền lực cấm cửa... khi dám đi ngược lại những lợi ích nào đó của các nhóm tay to, dù mục đích chỉ là để bảo vệ các giá trị truyền thống của quốc gia, của dân tộc.

Thế giới ngày nay mà khi xưa Alvin Toffler mường tượng ra có đầy sự bất trắc, hiểm nguy. Nhưng theo ông hiểm nguy nhất vẫn là việc loài người vẫn vận hành các mô hình chính trị lạc hậu để quản lý xã hội, kể cả ở các nước vốn được coi là dân chủ, là tiến bộ nhất hành tinh. Điều đó gây nên sự cọ xát đau đớn, những mất mát hi sinh ở khắp các nơi trên địa cầu này.

Ông viết: "Vấn đề là xây dựng một nền văn minh mới trên đống đổ nát của nền văn minh cũ liên quan đến việc thiết kế một cấu trúc chính trị mới, phù hợp hơn ở nhiều quốc gia cùng lúc. Đây là một dự án vất vả nhưng cần thiết, có quy mô choáng ngợp và chắc chắn sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành.

Nhiều khả năng nó sẽ yêu cầu một trận chiến dài lâu để cải cách tận gốc - hay thậm chí loại bỏ - Quốc hội Mỹ, các Uỷ ban Trung ương và Bộ Chính trị của những nước công nghiệp Cộng sản, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Anh, Hạ viện Pháp, Quốc hội Liên bang Đức, Quốc hội Nhật Bản... - tóm lại, phần lớn là những cỗ máy cồng kềnh và ngày càng kém hiệu quả của cái gọi là chính phủ đại diện..." Trích: Làn sóng thứ Ba - Alvin Toffler - 1980 - trang 559.

Alvin Toffler đã mất vào năm 2016. Ông không được chứng kiến những sự kiện kinh hoàng về chính trị, kinh tế, bệnh dịch đang làm thay đổi thế giới ngày nay. Nhưng di sản học thuật của ông để lại đã soi sáng con đường khổ nạn phía trước của loài người, và cả những vận hội trong kỷ nguyên mới. Hãy tìm đọc Alvin Toffler, để thấy mình còn rất nhiều hi vọng ở tương lai.

Yêu thương tất cả!