Chứng khoán là các tài sản tài chính có thể giao dịch được. Nó là một bằng chứng xác nhận sự sở hữu hợp pháp của người sở hữu với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành. Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi chứng khoán. Thị trường chứng khoán có nhiều chức năng, vai trò trong nền kinh tế thị trường. Thực chất, thị trường chứng khoán là thị trường vốn trung và dài hạn của một nền kinh tế, một hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa. Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế. Vì thế, TTCK được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua đã diễn ra một tình huống lạ lùng. TTCK của Việt Nam trong năm qua lại phát triển vượt bậc, có mức tăng gần gấp đôi trong thời gian khoảng một năm. Đó là ngày 23/3/2020, TTCK khi đó rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm, chỉ số VN-index là 666 điểm. Đến ngày 18/3/2021, tức là gần 1 năm sau, giá trị của VN-index tăng lên thành 1.200,94 điểm, tức là tăng gần gấp đôi!
Trong khi đó, chúng ta đều biết, đại dịch Corona virus hoành hành cả năm 2020 trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Đại dịch đã dẫn tới tình trạng cách ly xã hội, làm gãy đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, ngưng trệ cả sản xuất và lưu thông hàng hóa trên phạm vi toàn cầu và kéo dài đến tận hôm nay. Tất cả các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch này và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tăng trưởng GDP của Việt Nam 2018, 2019 là 7,08% và 7,02% trong khi GDP năm 2020 chỉ tăng trưởng 2,91%.
Những số liệu điều tra về ảnh hưởng của đại dịch covid-19 mới nói lên hết những khó khăn của doanh nghiệp (doanh nghiệp là thành tố cơ bản của thị trường chứng khoán) trong năm qua. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 12/3 báo cáo gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cụ thể, tác động do dịch gây nên là mất cân bằng dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động và thậm chí phá sản. Cụ thể, có hơn 8.600 doanh nghiệp trong nước tham gia khảo sát thì có tới hơn 87% bị ảnh hưởng tiêu cực, 11% không bị ảnh hưởng và 2% hoạt động tích cực.
Tại sao lại có chuyện lạ lùng và ngược đời như vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu rõ một điều. Nền kinh tế của Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Để có thể hiểu được đầy đủ vấn đề này, xin mời tham khảo bài viết “So sánh nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam” (https://www.rfavietnam.com/node/3049). Ở đây tôi xin được trình bày thật ngắn gọn. Nền kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường bởi vì nó đã vi phạm nguyên tắc sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, rõ nhất và nghiêm trọng nhất là vấn đề tư hữu đất đai, yếu tố quan trọng bậc nhất của nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế Việt Nam còn vi phạm nguyên tắc, thị trường quyết định giá cả hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam như điện nước, xăng dầu… đều do nhà nước quy định giá cả. Vi phạm nguyên tắc tương quan lượng tiền phát hành và lượng hàng hóa được sản xuất ra (in tiền vô tội vạ)… Việt Nam đã không xây dựng được môi trường thể chế cho nền kinh tế thị trường hoạt động. Thông tin không bảo đảm công khai, minh bạch và trung thực; các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp không được đối xử bình đẳng; các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi tùy tiện, lạm dụng và trục lợi…
Về cơ bản, trên nền tảng một nền kinh tế không phải kinh tế thị trường, một thị trường chứng khoán ra đời sẽ không thể hoạt động giống như TTCK trong các nền kinh tế thị trường đích thực trên thế giới. Thứ hai, các doanh nghiệp không có sự kiểm toán độc lập và thông tin không được công khai, minh bạch và trung thực. Thứ ba, tâm lý bầy đàn và bản tính may rủi, đỏ đen của người Việt Nam nổi trội hơn hầu hết các sắc dân khác… tất cả những điều này dẫn tới việc người dân tham gia vào TTCK không phải là đầu tư mà là đầu cơ, không phải hoạt động kinh tế mà là cuộc chơi đỏ đen. TTCK đã trở thành một sới bạc khổng lồ hợp pháp mà người dân Việt Nam tham gia. Với những đặc điểm này của TTCK Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại quốc dù đánh đông dẹp bắc trên thế giới, vẫn phải chịu thất bại cay đắng với TTCK Việt Nam.
Trên cơ sở đặc điểm của TTCK Việt Nam nêu trên, dòng tiền do không được đầu tư vào sản xuất vì đại dịch đã chảy vào TTCK. Lãi suất ngân hàng thời gian qua giảm sâu khiến cho nguồn tiền cũng tập trung vào đầu cơ chứng khoán. Đó là hai yếu tố khởi đầu cho một cuộc chơi, khiến cho thị trường bùng nổ bất chấp nền kinh tế và các doanh nghiệp đang vật lộn với khủng hoảng từ đại dịch.
Không chỉ có thị trường chứng khoán, Việt Nam hiện đang chứng kiến cơn sốt đất bùng nổ một vài tháng qua. Không ai hiểu được các thị trường này, khi mà nền kinh tế đang thoi thóp, giá đất bất ngờ bật tăng trái với tất cả các quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhưng có lẽ người Việt Nam cũng không còn ngạc nhiên nữa, vì họ đã và đang chứng kiến một thị trường còn kỳ lạ hơn, đó là thị trường “lan đột biến”, một nhành lan đột biến có giá tới cả hàng chục tỷ đồng!!!
Hà Nội, ngày 24/3/2021
N.V.B
Bài bình luận gần đây