Nam tài tử Thương Tín - Một tên tuổi nổi bật của làng điện ảnh sau 1975 - vừa bị đột quỵ.
Báo Thanh Niên ra ngày 28 tháng Hai năm 2021 cho biết [1] ông Tín đã qua cơn nguy kịch và được đông đảo đồng nghiệp cùng khán giả ái mộ quyên góp một số tiền giúp ông chữa bệnh và trang trải tạm, trong những ngày trước mắt. Đồng thời, một số nghệ sĩ khuyên ông ta nên vào viện dưỡng lão dành riêng cho giới nghệ sĩ. Dù còn rất yếu nhưng Thương Tín từ chối, với lý do buồn và bản thân ông ta còn vợ con, nên ngỏ ý dành suất dưỡng lão cho những đồng nghiệp neo đơn khác.
Một thời quá vãng
Sau 1975, những bộ phim được sản xuất, như:
1. Mối Tình Đầu [2] ra lò năm 1977 do Thế Anh - vai Ba Duy (một sinh viên) và Như Quỳnh - vai Diễm Hương (con nhà gia giáo và giàu có) thủ diễn, trong khi cả hai diễn viên này đều là người miền Bắc, được sinh ra trong cái nôi XHCN, lại đảm nhận vai chính (vốn sinh trưởng tại Sài Gòn). Bộ phim này với nội dung vu khống hiện trạng xã hội và chà đạp nhân phẩm người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng, mà đại diện là giới sinh viên và con nhà gia giáo.
Bối cảnh bộ phim được xây dựng từ những ngày Sài Gòn đang đứng trước "cuộc tổng tấn công và nổi dậy" 1975, bằng thành công vang dội khắp năm châu bốn biển, như người Cộng Sản vốn tuyên truyền vào lúc bấy giờ.
Thông điệp của bộ phim nhằm chuyển tải đến khán giả rằng, người dân Sài Gòn đã nhận chân xã hội miền Nam là một xã hội "phi nhân và tàn bạo" với mạng người như cỏ rác, thông qua cái chết của Diễm Hương, vốn bị gây ra do chính tay chồng mình, vì cô phát hiện ông chồng (một cố vấn người Mỹ) bắt cóc trẻ con để đem ra nước ngoài bán, trong những ngày Sài Gòn hỗn loạn, gần kề 30 tháng Tư năm 1975. Còn chàng sinh viên Ba Duy đã trở lại với "ánh sáng cách mạng" nhờ bà chị ruột (do nữ diễn viên Trà Giang thủ vai) là một... Việt Cộng nằm vùng giáo dục mà nên người (!) Trâng tráo hết chỗ nói!
2. Tội Lỗi Cuối Cùng [3] phát hành năm 1980 do diễn viên Phương Thanh (đã mất) cũng là người Bắc, sinh ra trong lòng chế độ Cộng Sản lại thủ diễn vai chính - một con điếm Sài Gòn khao khát thoát khỏi cuộc đời "bán trôn nuôi miệng" do chế độ "Mỹ - Ngụy" đã đẩy xô, rồi vùi chôn cả cuộc đời cô gái "băng thanh ngọc khiết" trong những ngóc ngách tối tăm đầy rác rưởi - những thứ phế phẩm đó rất cần và dứt khoát phải loại thải dưới tay "chính quyền cách mạng"! Hài hước hết chỗ chê!
Những bộ phim nói trên, tất nhiên được dàn dựng bởi các biên kịch, đạo diễn miền Bắc, mà cuộc đời họ vốn "ngâm mình" lâu năm trong những thùng tô-nô (tonneau) như người ta ủ những loại rượu nho hảo hạng bằng loại men có tên... "Nhồi Sọ". Với "nguyên phụ liệu" cùng dàn diễn viên chính "đỏ lòm", không được người Sài Gòn đón nhận, bởi sự sống sượng từ kịch bản, cho đến khô cứng của diễn xuất đã buộc ngành tuyên giáo vào lúc bấy giờ phải suy nghĩ lại...
Tài tử cinema của đất Sài Gòn, kẻ trước người sau, lần lượt bỏ đi hết. Những người còn lại, không có mấy ai được người CSVN tin tưởng, dù đó là nữ minh tinh lừng lẫy Thẩm Thúy Hằng! Ngay cả nam tài tử Nguyễn Chánh Tín được đưa trở lại màn ảnh qua bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, đó là một cách "chính quyền cách mạng" khoan hồng và tạo điều kiện cho ông được "làm lại cuộc đời" [4], sau những chuyến vượt biên bất thành!
Nói cho ngay, "Ván Bài Lật Ngửa" sau khi thử chán chê với diễn viên nổi tiếng của miền Bắc lúc bấy giờ như: Thế Anh, Lâm Tới nhưng họ không tài nào diễn cho ra chất "dân Sài Gòn", nên Nguyễn Chánh Tín mới có được cái gọi là "vai diễn để đời". Và cũng từ đó, Nguyễn Chánh Tín sáng rực trên màn bạc và sân khấu nhờ "đảng ĐÁ cho ta một mùa xuân". Cũng hợp lý và hữu tình là vậy (!).
Đi cùng với Nguyễn Chánh Tín vào lúc 30 tuổi, ông Thương Tín - lúc 26 tuổi - bắt đầu bằng vai diễn thiếu tá Lưu Kỳ Vọng trong bộ phim Ván Bài Lật Ngửa được phát hành vào năm 1982.
Kể từ đó, Thương Tín bắt đầu nổi lên như là gương mặt nam tài tử chói lọi, với hình ảnh vừa điển trai vừa anh hùng lại khí phách, chen lẫn tính cách nghĩa hiệp "đầu đội trời chân đạp đất", sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn mà người miền Nam yêu chuộng trong những bộ phim tại Sài Gòn trước 1975 - vốn bị thiếu vắng quá lâu ngày, bởi đi kèm với cơn đói hữu hình vàng mắt là những cơn đói vô hình xanh mặt mang tên văn hóa nghệ thuật, nó đã bị thiêu rụi bằng những ngọn lửa rừng rực nuốt chửng những chồng sách khổng lồ, cùng hàng ngàn băng đĩa các loại - Hình ảnh đó đủ cho người ta thấm đẫm chất sỉ nhục tàn tệ nhân phẩm làm người mà những con người đó được gọi bằng hai tiếng thân thương - Đồng Bào, từ những con người làm nên chiến thắng hàng mã mang tên "đánh cho Mỹ cút/đánh cho Ngụy nhào"! Thật tái tê cho cái thứ "huynh đệ tương tàn" như thế!
Thật ra, sự nổi lên như sao sáng của Thương Tín không khác mấy so với Nguyễn Chánh Tín, theo tục ngữ người Việt Nam "không có chó bắt mèo ăn c.ứ.t" và nói cho công bằng, cũng kể từ khi các diễn viên gạo cội miền Bắc XHCN như: Thế Anh, Lâm Tới, Bùi Cường, Bùi Bài Bình v.v... không tài nào thuyết phục được dân trong Nam bằng các vai diễn "ngụy quân ngụy quyền". Quả thật vậy! Những vai chính diện đẹp đẽ và hào hoa nhất như trong "Biệt Động Sài Gòn", người Bắc có lý luận vẫn nghiễm nhiên chiếm những vị trí lộng lẫy và trang trọng nhất như: Quang Thái (đã mất), Hà Xuyên, Thanh Loan. Ngay cả bà Kim Chi (vợ cũ của ông Hồng Sến) cũng chỉ nhận được một vai diễn cỏn con (vợ của một viên tướng ngụy mắc mưu Việt Cộng nằm vùng (tức là Quang Thái và Hà Xuyên trong vai một cặp vợ chồng tư bản Sài Gòn giàu sụ, dùng tiền bạc mua chuộc để hoạt động cách mạng) từ đó dính bẫy chỉ vì tham tiền. Hình ảnh bà Kim Chi trong vai vợ viên tướng ngụy được xây dựng bằng tính cách người đàn bà tham lam, ngu ngốc và đạo đức giả).
Suy cho cùng, Thương Tín cũng chỉ là "diễn viên điện ảnh loại hai" như người miền Nam vốn đã được mặc định "công dân hạng hai" kể từ 30 tháng Tư năm 1975, thông qua hai bộ phim Mối Tình Đầu và Tội Lỗi Cuối Cùng như thượng dẫn.
Kể từ đó, bất cứ bộ phim nào có mặt Thương Tín, đều nhận được sự ưu ái của khán giả thời bấy giờ. Tất nhiên, đi kèm với tên tuổi là cuộc sống vương giả mà Thương Tín với sức lao động miệt mài và chăm chỉ (dù không biết phục vụ cho ai) có quyền hưởng thụ.
Một thời quá vãng thật ấn tượng để nhớ và để khinh bỉ sự tàn ác, độc địa trong cách người CSVN đơm đặt sống sượng và thô bỉ về thói hư tật xấu của "ngụy dân Sài Gòn" mà nó vẫn bám riết và ám ảnh trong tâm trí nhiều người, cho đến ngày nay.
Đời người không thể cắt khúc như cắt một ổ bánh mì
Mục tiêu nhắm tới từ những bộ phim nói trên, không gì khác hơn, nhằm hủy hoại phẩm giá người miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, mà người CSVN lúc bấy giờ cho rằng, chúng bị gây ra bởi chế độ "Mỹ - Ngụy" và rồi họ - nhân danh "đạo đức cách mạng" - với sự ngạo nghễ sẵn có, cần phải có trách nhiệm - bằng khái niệm nhắc lại, cũng đủ khiến cho bất kỳ ai từng trải qua, phải rùng mình ớn lạnh về một thời - Cải Tạo! Từ "học tập cải tạo" dành riêng "lính ngụy" cho đến "cải tạo công thương nghiệp" để lùa dân Sài Gòn về vùng "kinh tế mới" và tất nhiên trong hàng triệu mảnh đời lầm than đó, không thể thiếu cái loại "phục hồi nhân phẩm" dành cho những cô gái ăn sương - một dạo người CSVN gọi họ là "cặn bã" và dĩ nhiên, không được sót ba cái thứ "xì ke ma túy", "tóc tai dài ngoằng" cùng những "cái quần ống loe" cũng bị sởn gọn, trong nụ cười mai mỉa của một thuở mông muội pha lẫn dốt nát, được chễm chệ bước lên ngai vàng mang tên "Bên Thắng Cuộc"!
Để đạt được mục tiêu chính trị tối đa và cũng để đạt được sự trường trị muôn năm bằng chính sách "chia rẽ để cai trị" người CSVN đành đoạn tàn phá không thương tiếc phẩm giá những con người mà họ gọi là "đồng bào" (!). Điều đó hoàn toàn tương thích với chủ trương đốt bỏ sạch sành sanh tất cả những ấn phẩm văn nghệ mà người CSVN gọi là "tàn dư văn hóa Mỹ - Ngụy", một thuở người dân Sài Gòn câm lặng và chứng kiến bằng những đôi mắt rưng rưng lệ!
Váng vất đâu đây, không thể không cảm nhận sự chua xót ê chề, khi dư âm những thứ gọi là "cặn bã" một thời dưới "gót giày xâm lược" của đế quốc Mỹ và "chính quyền bù nhìn" Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục giáng thẳng vào những người Việt Nam còn lương tri!
Vâng! Cái thứ "rác rưởi" đó đã được người CSVN nuôi nấng bằng "lòng đố kỵ với kẻ hạnh phúc hơn mình" như bản năng của Tạ Duy Anh "bốc lên ngùn ngụt" không giấu diếm trong "Đi Tìm Nhân Vật" [5]: "...Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, dẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng..."
Không những vậy, lòng đố kỵ với đồng bào ruột thịt, được truyền lại và truyền liên tục cho tới mãi sau này, bằng sự đầu độc tâm hồn người dân, đặc biệt thanh niên hai miền với biểu hiện rõ nét trên mạng xã hội - bất kỳ ai cũng tìm thấy - những lời lẽ chửi bới và kỳ thị, tới mức không đội trời chung giữa miền Nam và miền Bắc. Điều khôi hài, nhân tâm ly tán và hận thù như thế, lại do Mỹ - Ngụy cùng bọn "ba que, đu càng" và đám "thế lực thù địch" gây ra! Một chính sách vô cùng độc hại và độc địa, cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn mắt lấp tai ngơ, để các vở tuồng chửi bới lan tràn thông qua lực lượng Dư Luận Viên, AK47 và không hề thiếu những đảng viên còn đảng hay bỏ đảng cũng tham gia đầy hào hứng! Có lẽ rồi đây sẽ có khái niệm "huynh đệ tương tàn kiểu mới" chăng? Nếu có, đó lại phải ghi nhận sự thành công ngoài sức tưởng tượng mà người CSVN tiếp tục thủ đắc!
Kết
Dư luận quanh cuộc đời và sự nghiệp của tài tử Thương Tín đang bị mổ xẻ theo chiều hướng khen-chê khác nhau. Thương Tín thành danh, giàu có đi kèm tai tiếng rồi sa cơ mạt vận là sự thật.
Nhiều người kêu gọi hãy nhìn hoàn cảnh hiện tại của Thương Tín mà cảm thông và yêu thương, giúp đỡ thay vì bươi móc và chê trách - Đó mới là tình nghĩa đồng bào đầy chất nhân bản và đúng truyền thống đạo lý làm người Việt Nam.
Có lẽ nhà cầm quyền CSVN cũng nên được dạy tinh thần đó, để đối xử nhân đạo với những thân phận đui-què-sứt-mẻ cùng tuổi già lê lết kiếm miếng ăn trong cuộc đời tàn tạ theo năm tháng, bởi họ"trót lỡ" mang thân "Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa".
Giúp đỡ Thương Tín là điều mà nhà cầm quyền CSVN nên làm. Bảo bọc Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là điều mà nhà cầm quyền CSVN phải làm.
Ngoài kia, Trời chạng vạng cùng lòng tin loạng choạng của một "ngụy dân Sài Gòn" có tên khai sinh: Nguyễn Đình Ngọc.
_________________
Nguyễn Ngọc Già
Bài bình luận gần đây