You are here

Giải cứu nông sản Hải Dương cần nghĩ tới việc thay đổi phương thức chống dịch

Ảnh của nguyenvubinh

     Tin tức về việc ách tắc 90 ngàn tấn hàng nông sản tỉnh Hải Dương trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với những hình ảnh nông sản như su hào, cải bắp bị vứt bỏ trên mạng xã hội khiến những ngườiquan tâm thật lo lắng, đau xót cho người nông dân. Đã có một số nơi, người dân cùng vài tổ chức như Liên minh Hợp tác xã, vài hệ thống siêu thị đã thực hiện việc thiết lập các điểm bán hàng nông sản để bà con Hải Dương đưa sản phẩm về Hà Nội bán. Tuy nhiên, so với số lượng nông sản thực tế cần tiêu thụ của Hải Dương thì số lượng này còn rất hạn chế.

     Điểm tắc nghẽn lớn nhất của số nông sản Hải Dương là Cảng Hải Phòng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản tỉnh Hải Dương, 80% lượng nông sản phải xuất khẩu qua cảng Hải Phòng trong tháng 2/2021 theo hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài. Nhưng cũng theo ông Toản, hiện Hải Phòng đã tạm dừng tiếp nhận hàng hoá từ Hải Dương và có qui định lái xe Hải Phòng nếu đi từ Hải Dương về sẽ phải cách ly tập trung khiến nông sản đang bị ùn ứ, doanh nghiệp và bà con nông dân tại Hải Dương đang lao đao.

     Như vậy, giải cứu nông sản Hải Dương cần tập trung vào sự thay đổi biện pháp chống dịch ở Hải Phòng, mà muốn Hải Phòng thay đổi, cần sự thay đổi chủ trương chống dịch của nhà nước. Bộ Công thương cũng đã kêu gọi Hải Dương và Hải Phòng phối kết hợp để giúp người dân Hải Dương tiêu thụ số nông sản đang ách tắc, nhưng xem ra sẽ không có sự thay đổi nếu như không thay đổi chủ trương chống dịch tổng thể của trung ương.

     Tại sao cần nghĩ tới việc thay đổi chủ trương chống dịch để giải cứu nông sản ở Hải Dương? Thực ra, thay đổi chủ trương chống dịch là từ thực tiễn, thực tế của việc chống dịch chứ không phải xuất phát từ việc giải cứu nông sản. Tuy nhiên, với lý do cứu giúp người nông dân trong lúc đã có những cơ sở và thực tiễn thay đổi phương thức chống dịch là một điều tốt đẹp, một công đôi việc. Vậy căn cứ nào có thể nói nên và cần thay đổi phương thức chống dịch tổng thể?

     Thứ nhất, so sánh tỷ lệ số người chết vì covid trên số người nhiễm covid-19 toàn quốc và so sánh số người nhiễm trên tổng dân số ta có: 35 người chết trên tổng số nhiễm bệnh đến hiện tại 2.392 người, tương đương 0,015%. Số người nhiễm 2392 trên tổng số dân hiện nay 97.875.686 người (cập nhật dân số theo thống kê của Liên Hợp Quốc), tương đương 0,000025%. Với những tỷ lệ này, việc tiếp tục phương thức chống dịch như hiện nay liệu có cần thiết hay không?

     Thứ hai, sẽ có người nói, do những biện pháp chống dịch hiệu quả của Việt Nam mà tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ chết mới ở con số thấp như vậy. Điều này chưa chắc đã đúng. Nếu chống dịch tốt, tại sao không phát hiện được ông người Nhật mắc bệnh, cách ly hai tuần và xét nghiệm hai lần âm tính nhưng cuối cùng lại chết vì covid-19? Hai ổ dịch trong đợt mới này, cô công nhân ở Chí Linh sang Nhật mới xét nghiệm và xác định dương tính, nếu Nhật không phát hiện cô này dương tính thì Việt Nam có biết có ổ dịch hay không? Ai là người đã lây cho cô công nhân ở Chí Linh, Hải Dương? Hoàn toàn không có câu trả lời. Nhân viên an ninh ở cảng hàng không Vân Đồn nhiễm bệnh từ ai, cũng không có câu trả lời. Đặc biệt, với việc đưa người dân tới những khu cách ly hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào, người dân trong khu cách ly sinh hoạt như bên ngoài, bình thường thì có bảo đảm không có sự lây nhiễm trong số những người cách ly hay không? Vậy nên, không thể nói Việt Nam chống dịch hiệu quả được, vấn đề nằm ở chỗ khác.

     Thứ ba, qua cả ba đợt bùng phát dịch ở Việt Nam (đợt đầu năm 2020, đợt Đà Nẵng và đợt này), cộng thêm quan sát khu vực Đông Nam Á, có thể tạm rút ra kết luận. Khu vực Đông Nam Á nói chung, ba nước Đông Dương và Việt Nam nói riêng cơ địa người dân không tương thích lắm với chủng virus Corona này. Đặc biệt, theo một số nguồn tin trên mạng xã hội, nước giáp Việt Nam là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã không cập nhật tình hình covid từ tháng 7/2020, sau khi có 45 người nhiễm bệnh và có 1 chuyên gia người Hàn Quốc chết. Lào đã chấp nhận lây nhiễm cộng đồng và coi như một chủng cúm thông thường khác. Cũng không thấy có những báo cáo nào về việc người dân Lào nhiễm bệnh và chết đột biến sau đó. Campuchia có số ca nhiễm là 553 ca. Như vậy, về cơ bản, thời tiết, khí hậu và cơ địa của người Việt Nam không tương thích với chủng virus đang gây đại dịch kinh hoàng trên toàn thế giới. Đó mới là lý do chủ yếu cho tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết thấp như vậy của Việt Nam và hai nước Đông Dương còn lại.

     Vậy có thể thay đổi phương thức chống dịch ra sao? Có thể có hai phương án. Nếu mạnh dạn có thể làm như Lào, coi covid-19 này cũng như chủng cúm thông thường khác, tập trung vào chữa những trường hợp nặng được phát hiện. Nếu làm như vậy, nền kinh tế sẽ hồi sinh mạnh mẽ, người dân sẽ đỡ khốn khổ với các chương trình chống dịch như hiện nay.

     Một phương án khác, trên cơ sở đã triển khai các chương trình chống dịch, vẫn giữ nguyên các chương trình chống dịch, chỉ cần thay đổi nhỏ, không ngăn cấm người dân, không phong tỏa địa phương nào dù phát hiện dịch, chỉ những trường hợp F1 hoặc F2 phải cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung như hiện nay. Như vậy, toàn bộ việc lưu thông của người dân, của hàng hóa cũng sẽ không bị ảnh hưởng, và nông sản của bà con Hải Dương sẽ được giải cứu một cách căn bản, đơn giản.

     Cuối cùng, cần lưu ý một điều, nếu không phải do thời tiết, khí hậu và cơ địa của người Việt Nam, thì nước ta giáp với Trung Quốc, qua ba đợt dịch bùng phát, không bao giờ số người nhiễm bệnh và chết vì covid dừng lại ở con số chúng ta đang thấy. Xin nhắc lại, không bao giờ./.

Hà Nội, ngày 23/2/2021

N.V.B