Song Chi.
Đại dịch COVID-19 không ngờ lại trở thành có lợi cho Trung Quốc.
Năm 2020 vừa qua có thể nói là năm Trung Quốc luôn hiện diện trên mọi bản tin của truyền thông thế giới, trong sự quan tâm của nhiều quốc gia. Bắt đầu từ dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, những chính sách ngoại giao vụng về trong đại dịch, Luật An ninh Hong Kong, những tin tức rò rỉ về chính sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đụng độ quân sự Trung-Ân, đụng độ ngoại giao, chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều nước, hồ sơ biển Đông, cuộc chiến thương mại với Mỹ cho tới công ty Hoa Vi (Huawei) bị cấm ở nhiều quốc gia v.v…
Nhưng, bất chấp đại dịch làm rung chuyển kinh tế thế giới, bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn phát triển. Trong lúc Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây vẫn đang vất vả với dịch thì ở Trung Quốc đời sống hầu hết mọi nơi đã trở lại bình thường. Với GDP tăng 2, 3% trong năm 2020, mặc dù đó là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ thời Mao, nhưng Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng kỷ lục (“China was the only major economy to GROW in 2020 as rest of the world was crippled by Covid pandemic", The Sun, “China Still Grew and Fueled Its Rise as Covid-19 Shook the Global Economy”, The Wall Street Journal). Đại dịch còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc, và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Centre for Economics and Business Research) của Anh còn dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới trước năm 2028, sớm hơn nửa thập kỷ so với dự đoán một năm trước.
Năm 2020 cũng là năm Trung quốc tiếp tục bành trướng về ảnh hưởng chính trị. Luật An ninh Hong Kong chấm dứt mô hình “một quốc gia hai chế độ” của Hong Kong sớm hơn 27 năm so với thỏa thuận của Tuyên bố chung Trung-Anh (Sino-British Joint Declaration). Một mũi tên nhằm hai đích: kết liễu luôn phong trào dân chủ ở Hong Kong.
Với việc Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức, định chế thế giới như WHO, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris Agreement / COP21)... Trung Quốc củng cố thêm quyền lực hoặc nhảy vào lấp đầy khoảng trống. Việc Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh, mà đại dịch virus corona đã chứng tỏ, chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Và mới đây, 14 quốc gia châu Á, trong đó có nhiều đồng minh của Hoa Kỳ đã cùng với Trung Quốc tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP, tạo ra một khu vực tự do mậu dịch chiếm 30 % dân số toàn cầu và gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới, là một thắng lợi to lớn về mặt kinh tế, ngoại giao, chiến lược của Bắc Kinh.
Như vậy, trong lúc Mỹ dưới thời TT Trump co cụm lại với chủ nghĩa đơn phương, thì Trung Cộng qua những tuyên bố của Tập Cận Bình lại nhấn mạnh đến chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu, hứa hẹn sẽ tham gia đóng một vai trò tích cực hơn trên thế giới…
Đó là những thuận lợi, thành công của Trung Cộng trong năm 2020.
Các nền dân chủ bị thử thách- Bắc Kinh thêm tự tin.
Trong những giai đoạn mà nước Mỹ, từng là đầu tàu, là lãnh đạo của thế giới trên nhiều lĩnh vực, phải đối mặt với những khó khăn chồng chất - đối nội, từ đại dịch với số người bị nhiễm, số người chết luôn luôn cao nhất thế giới và kinh tế bị khủng hoảng cho đến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội; đối ngoại, vai trò lãnh đạo uy tín, ảnh hưởng của Mỹ bị yếu đi, rất nhiều nhà bình luận chính trị và lãnh đạo quốc tế đã đặt ra những câu hỏi: Phải chăng “đế quốc Mỹ” đã đến thời suy tàn như nhiều đế quốc, đế chế khác trong lịch sử loài người? Có thực là mô hình dân chủ lúc nào cũng ưu việt? Hay nói cách khác, giải thích thế nào về việc một quốc gia độc tài toàn trị như Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng và bành trướng ảnh hưởng giữa thời đại dịch, phải chăng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Trung Quốc? v.v…
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc không ngừng bỏ qua một cơ hội nào để tuyên truyền về chế độ và so sánh với Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt nhấn mạnh vào tính “ổn định chính trị” của chế độ.
Lãnh đạo Trung Quốc càng tự tin hơn. Trong bài phát biểu mừng năm mới 2021 phát sóng trên truyền hình Trung Quốc vào tối 31.12.2020, Tập Cận Bình ca ngợi Trung Quốc thành công trong chống dịch, ca ngợi sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, với GDP dự kiến vượt 100 nghìn tỉ nhân dân tệ (gần 14 nghìn tỉ USD) trong năm. Kế hoạch 5 năm lần thứ ba đã được hoàn thành đầy đủ. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đang được xây dựng toàn diện. Trong 8 năm, theo tiêu chuẩn hiện tại, Trung Quốc đã xóa đói giảm nghèo cùng cực cho gần 100 triệu người dân nông thôn bị ảnh hưởng, và tất cả 832 quận nghèo khó đã thoát khỏi đói nghèo... Tập Cận Bình cũng nhắc đến việc năm 2021sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đảng Cộng sản Trung Quốc. (“Full text of Xi Jinping's 2021 New Year address”, Global Times)
Đây sẽ là một dịp để lãnh đạo Bắc Kinh nhìn lại chặng đường 100 năm đã qua và xây dựng chiến lược cho nhiều năm tới, với khát vọng hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.
Những yếu tố bất lợi cho Trung Quốc
Mặt khác, Mỹ và thế giới dường như đã tỉnh ngộ hơn. Năm 2020 cũng là năm Trung Quốc đối mặt với những cái nhìn tiêu cực dâng cao tại nhiều quốc gia. Từ việc Trung Quốc tìm cách che giấu thông tin về đại dịch coronavirus trong giai đoạn đầu, sau đó lại tìm cách viết lại lịch sử con virus Vũ Hán, đổ thừa cho virus có thể xuất phát từ Ý hay từ nơi nào khác, cung cấp thiết bị y tế cho thế giới nhưng lại kém chất lượng, kit xét nghiệm dỏm, khẩu trang làm từ vải may đồ lót…khiến thế giới càng thêm tức giận, rồi sự hung hăng hiếu chiến của Bắc Kinh v.v...
Cũng phải công nhận Tổng thống Trump và chính phủ Trump đã góp phần làm cho thế giới thấy rõ hơn bản chất của Trung Quốc.
Từ bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Bảo tàng Thư viện Quốc gia Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, bang California hôm 23.7.2020 chỉ ra các mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản đối với Hoa Kỳ và tương lai của các nền dân chủ trên thế giới, kêu gọi Thế giới Tự do thay đổi đường lối chính sách đối với Trung Cộng và xích lại gần nhau hơn để buộc Trung Quốc phải thay đổi. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp theo là công hàm của Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 23.7 bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cho tới hàng loạt chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung cộng trong lĩnh vực thương mại, công nghệ v.v…
Bao nhiêu năm qua Mỹ và các nước phương Tây đã ngây thơ với Trung Quốc. Giờ đây, một khi bản chất, tham vọng và chính sách ngoại giao của Bắc Kinh thay đổi thì Mỹ và các nước phương Tây đối với Bắc Kinh chắc chắn cũng phải thay đổi.
Trước mắt, chính sách của Tân Tổng thống Biden là đưa nước Mỹ trở lại với vai trò lãnh đạo thế giới, trở lại với các mối quan hệ đồng minh, liên minh toàn cầu, từ câu nói ngắn gọn “America is back, ready to lead the world, not retreat from it” cho tới tầm nhìn thể hiện rõ hơn qua bài viết “Why America Muat Lead Again” (Foreign Affairs), việc bổ nhiệm dàn nội các phụ trách mảng đối ngoại toàn những người ủng hộ chính sách đa phương, toàn cầu hóa…Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bài “Biden makes his first bold move on Asia”, của Michael J. Green trên tạp chí Foreign Policy, đề cập việc Biden bổ nhiệm Kurt Campbell vào vị trí điều phối Nhà Trắng cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, một người từng thúc đẩy chiến lược “xoay trục về châu Á” dưới thời Obama, qua đó có thể hiểu chiến lược của chính phủ của Biden với Trung quốc và châu Á.
Với sự đồng thuận hiếm hoi của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong chính sách về Trung Quốc, chính phủ mới của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục xem Trung Cộng là đối thủ chiến lược cần phải có chiến lược kìm hãm, ngăn chặn, bao vây về mọi mặt, và sẽ liên kết với các nước đồng minh để thực hiện điều đó. Do vậy, câu hỏi liệu thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Trung Cộng sẽ không đơn giản cho Bắc Kinh, dù có tham vọng lớn, càng không dễ để thay thế Mỹ trở thành lãnh đạo thế giới.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Bài bình luận gần đây