You are here

Không có cái gọi là "bí mật nhà nước của đảng"

Quyết định số 2238/QĐ-TTg ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2020, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành [1]. Quyết định này ban hành độ "MẬT", gồm có 12 khoản trong điều 1.
 
Song song quyết định nói trên, Quyết định 1722/QĐ-TTg có tên gọi "VỀ VIỆC BAN HÀNH DANH MỤC BÍ MẬT NHÀ NƯỚC CỦA ĐẢNG", có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 11 năm 2020, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành [2]. Quyết định này ban hành độ "TUYỆT MẬT" và "TỐI MẬT".
 
Ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quyết định với chức danh Thủ tướng Chính phủ, không phải chức danh Ủy viên Bộ Chính trị. Do đó, tên gọi của Quyết định 1722 tỏ ra nhập nhằng. Người dân không thể hiểu "bí mật nhà nước của đảng" "bí mật nhà nước của... nhà nước" khác nhau như thế nào.
 
Như vậy, người soạn thảo quyết định 1722 đã sai phạm trầm trọng với cách đặt tên lộ rõ ý đồ tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN. Bởi việc sai lầm này khiến ông Nguyễn Xuân Phúc mất hẳn tính chính danh và mất luôn tư cách Thủ tướng - vốn đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam (tức là tính luôn lượng người Việt hải ngoại - được xem là một bộ phận không thể tách rời của người Việt theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài).
 
Mặt khác, theo toàn văn Hiến pháp và riêng tại khoản 1 điều 2 quy định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân". Hoàn toàn không tìm thấy trong Hiến pháp bất cứ khái niệm nào được gọi tên "Nhà nước của đảng" (!).
 
Báo Tuổi Trẻ ngày 30 tháng Mười Hai năm 2020 đưa tin "Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật" [3]. Trong bài báo cho hay, khi danh sách cụ thể của 4 nhân sự chính trị cao nhất CHƯA CÔNG KHAI phải được xem là "tuyệt mật".
 
Đối chiếu thông tin của báo Tuổi Trẻ với hai quyết định nói trên, không tìm thấy vấn đề nhân sự cấp cao nói chung cho đến 4 nhân vật "tứ trụ" được quy định là "tuyệt mật", "tối mật" hay "mật".
 
Mặt khác, văn bản cao nhất về bảo vệ thông tin mật các loại chính là [4] Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước mang số 29/2018/QH14 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành và có hiệu lực từ 01 tháng Bảy năm 2020, gồm 5 chương và 28 điều, trong đó không quy định nhân sự "tứ trụ" là loại "tuyệt mật", "tối mật" hay "mật".
 
Ngoài ra, tại Điều 19. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước quy định:
 
1. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau đây:
 
a) 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật;
b) 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật;
c) 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
 
Điều luật nói trên cho thấy độ "tuyệt mật" có thời gian dài nhất - 30 năm, để bảo vệ.
 
Đại hội ĐCSVN được tổ chức từ 25 tháng Giêng năm 2021 đến 2 tháng Hai năm 2021.
 
Vị chi, tính từ thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định 1722 cho đến khi đại hội đảng kết thúc, chỉ mất 3 tháng. Điều này nói rõ, ngày 2 tháng Hai năm 2021, toàn thể 4 nhân vật tứ trụ sẽ 'trình làng" trước toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Như vậy, với thời gian 3 tháng, muốn hay không muốn tên tuổi của 4 nhân vật "tứ trụ" không còn "tuyệt mật", "tối mật" hay "mật" gì cả.
 
Do đó, việc quy định "tuyệt mật" đối với các chức danh: Tổng bí thư - Chủ tịch nước - Thủ tướng - Chủ tịch Quốc hội là việc làm vi phạm Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước, vi hiến (không có cái gọi là "nhà nước của đảng").
 
Trang VTC ngày 05 tháng Giêng năm 2021 có bài [5] "Sự nghiệp Bộ trưởng Công an Tô Lâm" với infographic giới thiệu trang trọng chiều dài lịch sử phục vụ nhân dân của ông Tô Lâm từ 1974 đến 2016, trải qua nhiều chức vụ khác nhau.
 
Bài báo nói trên được đăng tải vào lúc ĐCSVN chuẩn bị đại hội với Cương lĩnh bất di bất dịch hàng chục năm qua, xác định rõ [6] "sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, vì nhân dân" (nguyên văn).
 
Bài báo này không những đi ngược lại Cương lĩnh ĐCSVN - vốn là văn bản cao nhất, cao hơn cả Hiến pháp - không có sự nghiệp của một cá nhân riêng lẻ nào cả, mà vốn dĩ chủ trương đường lối của ĐCSVN luôn phải là "quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Vô hình chung, bài báo này đã lăng-xê cá nhân ông Tô Lâm trong lúc nhân sự "tứ trụ" vẫn còn trong vòng bí mật là việc làm đi ngược lại lợi ích của đảng, vì đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích quốc gia - dân tộc!
 
Kết
 
Theo báo Lao Động cho hay [7] chỉ riêng trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật.
 
Việc ban hành văn bản các loại trái pháp luật là vấn nạn suốt nhiều năm qua. Nó không chỉ thể hiện trình độ kém cỏi của chuyên gia mà còn làm cho xã hội rối ren, dân tình hoang mang. Từ đó ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh của Nhà nước pháp quyền XHCN, cũng như làm dư luận dèm pha về các nhân vật cấp cao với nhiều hình thức xấu xí.
 
Vì lẽ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên bãi bỏ quyết định 1722 ngay lập tức vì phạm pháp, vi hiến, chống lại Đảng và Nhà nước như phân tích trên. Đồng thời cần phải xử lý nghiêm những cán bộ tư vấn cho ra đời những văn bản trái pháp luật đã và đang làm xã hội hỗn loạn với trật tự kỷ cương rối tung nhiều năm qua.
__________________
 
Nguyễn Ngọc Già