Ngày 5 tháng 1 năm 2021, khai trương Năm mới, Tòa án của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam(CSVN) tại TP HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án Hội Nhà báo Độc lập(NBĐL).
Ba thành viên của Hội NBĐL là ông Phạm Chí Dũng(Chủ tịch), ông Nguyễn Tường Thụy(Phó Chủ tịch), ông Lê Hữu Minh Tuấn( thành viên) bị cáo buộc tội danh tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 117 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.
Việc ba thành viên của Hội NBĐL bị bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử theo điều 117 Bộ luật HSVN 2015 có đúng hay không? Hội NBĐL và những thành viên tuyên truyền chống độc tài là công hay tội?
Đấu tranh chống và xóa bỏ các chế độ độc tài, nhà nước độc tài là trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức NGO quốc tế và mọi chính phủ dân chủ trên khắp thế giới, trong đó có tất cả các công dân Việt Nam.
Trước hết chúng ta hãy vạch rõ bản chất độc tài của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Nhà nước và chính quyền dân chủ do Nhân dân thiết lập lên thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, có sự tham gia của các đảng phái chính trị và các ứng cử viên độc lập.
Đồng thời Nhân dân có quyền phế bỏ chính quyền khi chính quyền đó không thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đi ngược lại lợi ích của cử tri và của đất nước.
Tóm lại, dân chủ là Nhân dân có bầu chọn cũng như phế bỏ đảng cầm quyền và người lãnh đạo đất nước bằng các quyền con người trong Hiến pháp.
Đối lập với dân chủ là độc tài.
Nhân dân Việt Nam không có quyền bầu chọn cũng như phế bỏ đảng cầm quyền, chính quyền và người lãnh đạo đất nước.
Mọi quyền lực chính trị ở Việt Nam đều nằm trong tay tầng lớp chóp bu của của đảng CSVN gồm có 200 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành TƯ, trong đó có ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư.
Quyền lực chính trị được chuyển tiếp từ tầng lớp chóp bu trước sang tầng lớp chóp bu sau thông qua các cuộc đấu đá, tranh giành quyết liệt trong nội bộ của tầng lớp chóp bu đảng CSVN. Và cuộc đấu đá sẽ kết thúc và quyền lực chính thức được chuyển giao tại Đại hội đảng toàn quốc cứ 5 năm 1 lần. Sau đó, nó lại được tái diễn trong 5 năm tiếp theo.
Hiện nay, hơn 5 triệu đảng viên đảng CSVN không có quyền tự do ứng cử và bầu chọn lãnh đạo đảng cũng như các ủy viên Ban chấp hành TƯ. Giống như mọi người dân Việt Nam, hơn 5 triệu đảng viên đảng CSVN chỉ biết kết quả ai là lãnh đạo của họ, ai là ủy viên BCH TƯ sau khi Đại hội toàn quốc kết thúc.
Bởi vậy tầng lớp chóp bu đảng CSVN không chỉ độc tài với Nhân dân VN mà còn độc tài ngay với hơn 5 triệu đảng viên đảng CSVN.
Bản chất độc tài của đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam đã rõ ràng.
Mọi công dân Việt Nam có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đấu tranh chống và xóa bỏ chế độ độc tài CSVN bằng các biện pháp ôn hòa, phi bạo lực mà đã được chính Hiến pháp Việt Nam 2013 do Quốc hội của nhà nước độc tài CSVN ban hành.
Đó là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, tự do biểu tình được qui định tại điều 25 HPVN 2013.
Như chúng ta đã biết và hiểu rằng nếu các công dân Việt Nam sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, tự do biểu tình để ủng hộ cho đảng và nhà nước độc tài CSVN thì sẽ được nhà nước độc tài CSVN khen thưởng và cổ vũ. Như vậy thì không cần thiết phải qui định các quyền nói trên trong đạo luật cao nhất của quốc gia là Hiến pháp.
Theo thống kê của các chuyên gia nghiên cứu về chính trị quốc tế cho biết, trên 90% người dân ở các quốc gia sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, tự do biểu tình để chống lại chính phủ khi chính phủ đưa ra các chính sách trái với lợi ích quốc gia và ý nguyện của Nhân dân.
Bởi thế, tất cả các quốc gia đều qui định các quyền trên trong Hiến pháp để bảo vệ các công dân khi sử dụng các quyền này chống lại chính phủ.
Như vậy một khi nhà nước độc tài CSVN chấp nhận ghi nhận các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, tự do biểu tình trong Hiến pháp tức là nhà nước độc tài CSVN đã chấp nhận để mọi công dân Việt Nam sử dụng các quyền trên để chống lại nhà nước độc tài.
Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và những người khác đã sử dụng quyền tự do hội họp và lập hội tại điều 25 Hiến pháp VN 2013 để thành lập Hội Nhà báo Độc lập.
Đó là quyền hợp Hiến và hợp pháp của mọi công dân Việt Nam.
Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội NBĐL là những người yêu nước khi sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phê phán các vi phạm nhân quyền của nhà nước độc tài CSVN.
Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội NBĐL thực sự yêu nước khi lên tiếng phê phán những chính sách yếu kém và sai lầm của nhà nước độc tài CSVN về kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng, môi trường, xã hội, y tế, giáo dục,….
Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội NBĐL thực sự là bản lĩnh, dũng cảm và can trường khi dám thách thức và đối đầu với nhà nước độc tài CSVN.
Bởi vậy, Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và Hội NBĐL là có công với đất nước và Nhân dân Việt Nam trong nỗ lực đấu tranh xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản để góp phần đem lại tự do, dân chủ cho toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Đồng thời các cơ quan An ninh điều tra, Viện KS, Tòa án của nhà nước độc tài CSVN tại TP HCM đã vi phạm các điều 163 Bộ luật HSVN về tội xâm phạm quyền tự do hội họp và lập hội của công dân, tội danh này có mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Và điều 167 về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, tội danh này có mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
Điều nghịch lý trong nhà nước độc tài CSVN là ở chỗ những cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật thì lại vi phạm Hiến pháp và pháp luật, chà đạp lên các quyền con người, bắt, điều tra, truy tố và xét xử những người không nhưng vô tội mà còn có công.
Trong khi những người dũng cảm, có công trong đấu tranh xóa bỏ độc tài thì bị đối xử bất công, bị chà đạp nhân quyền, bị cầm tù vì yêu nước.
Tôi tin tưởng rằng, chế độ độc tài sẽ sớm bị xóa bỏ trên đất nước Việt Nam để trả lại công lý cho các thành viên Hội Nhà báo Độc lập cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm khác.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Bài bình luận gần đây