Khi các quan chức nhà nước ngồi họp kín với nhau về một vấn đề tiêu cực thì rõ ràng người dân không ai biết nội dung và ý kiến từng cá nhân trong cuộc họp ấy là gì, mặt nào đúng mặt nào thiên vị hay cả nể…nhưng kết quả tới 100% biểu quyết đồng tình không truy cứu trách nhiệm cho những sai phạm có tính cách hình sự thì cuộc họp kín ấy mang tính chất mafia và bè đảng.
Mà một nhà nước, một chính quyền khi lộ liễu bằng thái độ như vậy thì không ai tin rằng nhà nước ấy, chế độ ấy xứng đáng đại diện cho dân chúng để điều hành đất nước vì bản thân tập thể ấy không biết phải trái, thái độ mà đạo đức tối thiểu làm người ai cũng phải có trước khi làm quan chức nhà nước.
Làm người thì phải biết tốt xấu. Làm quan chức nhà nước thì sự phân biệt ấy càng phải rạch ròi, phân minh hơn. Phân biệt tốt xấu làm con người khác với súc vật vốn được sinh ra chỉ để ăn và tranh ăn cho sự sống còn. Con người phân biệt được hai mặt phải trái không phải để sống còn mà để biết ơn thượng đế đã phân biệt con người với súc vật qua khả năng nhận thức và suy nghiệm này.
Và có những con người khoác trên vai hai từ cách mạng, mang trên áo đạo đức Hồ Chí Minh, bọc trong túi tấm thẻ đảng thần thánh lại đồng thuận không xử lý cán bộ sai phạm trong việc phá rừng.
Câu chuyện xảy ra tại tập thể Hạt Kiểm lâm Tây Sơn, Bình Định khi bỏ phiếu kín thống nhất 100% không xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Văn Bang, kiểm lâm địa bàn này. Kết quả của cuộc biểu quyết kín này được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho rằng việc lấy phiếu đã được làm chặt chẽ, đúng quy định…
Theo báo Dân trí thông tin, đầu tháng 8/2020, tại khu vực rừng có tục danh Đồng Hào (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) phát hiện bị chặt phá. Rừng bị tàn phá là rừng tự nhiên, hệ rừng nghèo cần được tái sinh, trong đó có diện tích rừng thuộc dự án KFW6 được giao cho người dân để khoanh nuôi tái sinh rừng trở lại.
Ghi nhận tại hiện trường, có rất nhiều cây rừng lớn đường kính đến 50-70 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Xung quanh là một diện tích rừng khá lớn bị "cạo trọc", đốt dọn sạch sẽ chờ trồng keo, bạch đàn. Điều đáng nói, vụ việc phá rừng diễn ra nhiều tháng nhưng chính quyền địa phương "không hay biết".
Mọi hành vi phá rừng nêu trên mặt báo đều do ông Huỳnh Văn Bang cùng đồng sự thực hiện. Nếu xét kỹ hành vi này thì chắc chắn ông ta sẽ ra tòa trả lời cho sự lạm dụng chức quyền và khả năng ngồi tù không nói cũng biết là chắc chắn.
Tập thể kiểm lâm và chính quyền Tây Sơn đã đi ngược lại với nguyên tắc đạo đức khi trận lụt vừa tạm chấm dứt để lại hàng trăm người chết và tổn thất tài sản của người dân lên đến nhiều tỷ đô la. Thiên tai có thể tránh được nếu ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn được tôn trọng và gìn giữ nhưng những con người như Huỳnh Văn Bang chẳng những phá hoại rừng là tài sản quốc gia lại còn cấu kết với những quan chức trách nhiệm bảo vệ cho nhau là hình thức phá hoại khác gây bức bối cho dư luận: Phá hoại niềm tin vào công lý.
Mặc dù hai chữ công lý đang bị người dân dè bỉu nhưng “nhục mạ” công lý như kiểm lâm tỉnh Bình Định thì đã vượt qua hai chữ “khả ố” mất rồi.
Nói tới công lý người dân lại ngạc nhiên khi vụ xử Nguyễn Đức Chung vừa chấm dứt tại Hà Nội với bản án 5 năm cho nguyên Chủ tịch UBND thành phố. Bản án được dư luận cho là quá nhẹ so với tội trạng từng được báo chí công khai trước phiên tòa.
Nhẹ nặng gì không biết nhưng nếu so với những tù nhân lương tâm khác thì chắc là khỏi nói người dân cũng “cân” được. Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh có tội tập cho học sinh hát bài “trả lại cho dân” bị kết án 11 năm tù, 5 năm quản chế còn ông Nguyễn Đức Chung vừa rửa tiền, buôn lậu, ăn cắp tài liệu bí mật của nhà nước lại được ông Thẩm phán Trương Việt Toàn vỗ vai an ủi với bản án 5 năm cũng đủ để thấy bản án có “công lý” hay không.
Và rõ ràng, nhà nước này không biết phải trái là gì.
Bây giờ người dân chỉ còn tin vào một phiên tòa duy nhất có tên là “quả báo”. Nhưng hỡi ơi phiên tòa này ngàn năm mới xử một lần cho những tội phạm có cáo trạng rất nặng, như ăn cắp hai con vịt chẳng hạn…
Bài bình luận gần đây