You are here

Cái đẹp và lương tri

Cô gái Đỗ Thị Hà đăng quang ngôi Hoa hậu Việt Nam 2020 với tuổi 19, bộc lộ sự tha hóa trầm trọng ở các lãnh vực: văn hóa - giáo dục - thẩm mỹ, các lãnh vực vốn ngày càng sa sút thảm hại mà trước đây nhiều nhà quan sát đã lên tiếng. Tuy nhiên, chưa bao giờ người dân chứng kiến những hoạt cảnh lố lăng cùng những hành vi khả ố nhất,  xung quanh ngôi vị Hoa hậu năm 2020.
 
Thật lạ lẫm với hoạt cảnh đoàn người rồng rắn xếp hàng dài dằng dặc, chỉ để đón cô Hoa hậu mà lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa có được. Giữa dòng người đông nghẹt đó, không thiếu những bà cụ đáng tuổi bà nội - bà ngoại của cô Hoa hậu, với áo dài xúng xính mà lòe loẹt, chói chang, trên tay là những nụ hồng còn e ấp (!). Không biết tự bao giờ, những hình ảnh lố lăng như vậy lại trở thành biểu tượng hân hoan, vốn chỉ thích hợp trên những sân khấu diễn hài?!
 
Thật không thể hiểu nổi, làm sao người cha của cô Hoa hậu có thể phát ngôn: "Người dân cả nước mong con tôi thành hoa hậu" [1] nhưng "cái giống gì" cũng nhân danh "nhân dân" thì đầy ắp trên sách báo và rõ mồn một trong Hiếp pháp tại khoản 2, điều 4: "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".
 
Có thể, cha của cô Hoa hậu không cố tình lợi dụng "nhân dân" mà ông ta phát ngôn từ trong tiềm thức cộng hưởng với sự hân hoan tột độ không tránh khỏi, khi thấy con gái mình trở thành "người con của tổ quốc" (!) mà chỉ cần tìm kiếm trên Google, có thể thấy hơn 100.000 kết quả của khái niệm thật hào nhoáng như hàng xi mạ mà lại vô nghĩa, vô duyên về nội dung.
 
Chủ trương "nhồi sọ" xem ra vẫn còn đắc dụng, khi cái thứ "nhân dân"  đã ăn sâu vào não bộ của con người, để trở thành "lá chắn" quá bền vững như hàng chục năm qua, người CSVN luôn nói như vậy. Thực tế, cái thứ "nhân dân" sống ra sao, chữa bệnh như thế nào lại khác hẳn mà bất cứ ai cũng thấy nhan nhãn trên các con phố từ Hà Nội đến Sài Gòn, với hình ảnh chen chúc tại bịnh viện Ung Bướu Tp.HCM mà báo Sài Gòn Giải Phóng [2] vừa đưa tin hôm 28 tháng Mười Một năm 2020!
 
Chưa bao giờ người Việt Nam cảm thấy ê chề tột độ, khi buộc phải chứng kiến người CSVN chính trị hóa mãnh liệt - ngay cả lãnh vực thẩm mỹ, họ cũng không buông tha!
 
Điều thê thảm hơn, chính là việc cô Đỗ Thị Hà trở về trường Đại học Kinh tế Quốc dân với những vị giáo sư - tiến sĩ trịnh trọng chắp tay và nghiêm trang đón tiếp cô Hoa hậu, trở nên ầm ĩ tới nỗi phải đính chính như báo Tuổi Trẻ đưa tin [3] ngày  9 tháng Mười Hai năm 2020.
 
Tuổi trẻ và nhan sắc đi kèm với khao khát sống sung sướng và nổi tiếng là điều bình thường nhưng không thể bằng mọi giá.
 
Thói đạo đức giả khoác vẻ ngoài đạo mạo, cao cả, thánh thiện và “đỉnh cao trí tuệ” của người CSVN đang dẫn dắt thế hệ trẻ sa lầy vào những “vũng lầy lừa dối” mà cứ ngỡ ngụp lặn trong những “dòng suối mát lành”.
 
Tuy nhiên, nhiều chàng trai, cô gái trong giới showbiz hiện nay không hề quan tâm đến thời cuộc, đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam suy đồi đến cùng cực, cho nên họ không thấy toàn bộ “cội rễ” của những gì họ gánh chịu - như cô hoa hậu Đỗ Thị Hà đang mang tiếng thị phi - đều xuất phát từ “giáo dục cộng sản” - một loại giáo dục tẩy não bằng sự giả trá và gian dối, để bằng mọi cách tồn tại trong “sung sướng” khi bao quanh toàn “lang sói”.
 
Một thứ giáo dục “đường mật” vây hãm và chiêu dụ họ suốt bao năm qua, nhốt tù họ với “chuẩn mực”: ăn ngon - mặc đẹp - kẻ hầu người hạ - lên xe xuống ngựa.
 
Những thứ “đường hóa học” đó đã chung tay bóp nát tất cả những gì các chàng trai, cô gái mong mỏi và ngỡ như nắm chắc trong tay!
 
Trên hết, nó băm nát nhân cách, đạo đức và tính trung thực của nhiều bạn trẻ hiện nay và đặc biệt, điều họ có vẻ không quan tâm lắm: Những nắm tiền vung vãi thật dễ dãi của bất cứ một kẻ nào mang tiếng “đại gia” đến với họ, những nắm tiền đó chưa bao giờ được người dân xem là những đồng tiền lương thiện và sạch sẽ, bởi đồng tiền từ “nước mắt mồ hôi”, từ trí tuệ có thật, không dễ hoang phí đối với những người giàu có từ năng lực thật sự và biết nắm lấy thời cơ.
 
Tất nhiên, phải kể đến trách nhiệm của phụ huynh, chỉ vì mong muốn con mình thành công và nổi bật nhanh chóng, dù vô tình hay hữu ý, đã tiếp tay đẩy họ vào những bi kịch đầy nước mắt, tủi nhục và trở thành nỗi ám ảnh suốt quãng đời còn lại như khá nhiều cô gái trẻ, nổi tiếng như những ánh hào quang vụt tắt và rơi tõm xuống tận đáy xã hội như: cô Lâm Uyển Nhi (đã chết vì AIDS) và nhiều cô gái trẻ đẹp khác dính vào bọn quan chức tham nhũng, để cuối cùng bị chính ngay những kẻ ngợi ca ngày nào, giờ ra tay "kết liễu" nốt phần hồn của họ.
 
Hãy nghe nữ minh tinh màn bạc một thời - Việt Trinh nói [4] "Tôi cũng sai lầm rất nhiều trong cách ứng xử với bạn bè. Tôi đã mất rất nhiều bạn, mất rất nhiều đồng nghiệp. Mà đó đều là những người tốt. Họ tốt với mình nên muốn giúp mình, khuyên bảo mình… nhưng lúc đó tôi lại cho là họ đang ghen tỵ vì thấy tôi nổi tiếng hơn. Nên tôi không chịu nghe lời ai. Ngược lại, người nào càng làm tôi vui, nịnh nọt, khen tôi thì tôi rất thích. Cuối cùng là bên cạnh mình không còn những người tốt nữa, chỉ còn những người tâng bốc mình. Mà khổ ở chỗ là càng tâng bốc mình thì mình càng thích".
 
Thay lời kết
 
Dù Việt Trinh hoạt động trong môi trường nghệ thuật, nhưng "sự quyến rũ chết người" từ tiếng tăm và danh vọng không có biên giới. Lời tâm sự của cô Việt Trinh có vẻ như là lời nhắn nhủ gởi đến cô gái trẻ Đỗ Thị Hà vừa lên ngôi Hoa hậu Việt Nam 2020.
 
Việc đón tiếp long trọng như thể nghiêm cẩn trước nữ hoàng, từ những người lớn tuổi, đang trở thành gọng kìm mang tên đạo đức giả, siết chặt vào tuổi trẻ trong trắng của cô Hoa hậu Đỗ Thị Hà hơn là sự ngưỡng mộ trong sáng.
 
Quả là... "ác hồn nhiên"! Khi gây ra cái ác một cách vô tư lự, người CSVN không bao giờ nghĩ đến hậu quả, một khi xảy ra, họ cũng luôn chối bỏ như hàng triệu mảnh đời trầm luân đang thoi thóp thở theo từng nhịp tim hấp hối của chế độ độc tài toàn trị trên xứ sở đau thương có hình chữ S!