Một lần nữa ông Trần Huỳnh Duy Thức lại tuyệt thực và lần này ông có vẻ quyết tâm đến chết.
Đây là lần thứ ba Trần Huỳnh Duy Thức chọn giải pháp tuyệt thực để đấu tranh với hệ thống đang giam giữ ông. Lần thứ nhất vào ngày 24 tháng 5 năm 2016 để phản đối việc công an làm áp lực buộc ông phải đi Mỹ định cư và ông cương quyết từ chối. Lần thứ hai vào ngày 13 tháng 8 năm 2018 ông tuyệt thực đề phản đối công an yêu cầu ông nhận tội để đổi lại lệnh đặc xá, ông cũng phản đối những ngược đãi của trại giam đối với mình.
Lần này là lần thứ ba, vào tháng 10 năm 2020 Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu Tòa án xem xét đơn yêu cầu miễn thời hạn tù còn lại vì mức án mới cho tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" tính từ năm 2015 chỉ có thời hạn 5 năm. Ông tuyên bố sẽ "tuyệt thực đến chết" nếu không nhận được trả lời của Tòa án.
Trần Huỳnh Duy Thức bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Là một tù nhân lương tâm có kiến thức và vững vàng trong lập luận sau khi ở trại giam 10 năm Trần Huỳnh Duy Thức căn cứ vào quy định tại Điều 109 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên nếu Tòa án Nhân dân Tối cao giữ im lặng trước yêu cầu của ông thì có lẽ gia đình ông Thức cần nghe thêm ý kiến của luật sư và nhờ họ giúp đỡ nếu ông nằm trong diện được hưởng quyền lợi của Bộ luật Hình sự 2015 khi trường hợp của ông là người chuẩn bị phạm tội chứ không phải là người gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu luật sư trực tiếp cho rằng ông có quyền được giảm án nhưng Tòa tối cao không giải quyết thì lúc ấy mọi chuyện có lẽ sẽ rõ ràng minh bạch hơn.
Trước việc tuyệt thực của Trần Huỳnh Duy Thức dư luận quan tâm tới trường hợp của ông đa số là đồng cảm và thương tiếc, tuy nhiên cũng không ít người có ý nghĩ ngược lại cho rằng ông đã tính sai nước cờ khi đánh giá vào hệ thống luật pháp Việt Nam quá cao. Ông đã khiến gia đình tan nát vì những quyết định nông nỗi do không chịu nỗi sức ép quá lâu trong trại giam. Ông đã lấy bản thân mình làm phép thử cho một chế độ không biết tự trọng và sợ hãi dư luận, kể cả dư luận thế giới.
Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ không nhận thức được rằng đối với Cộng sản bất cứ nước nào, sự kiêu ngạo đã ăn sâu vào nhận thức của chế độ. Họ không thể chịu đựng sự chống đối của người đang nằm trong tay họ và mọi nỗ lực bên ngoài phải có lợi cho họ thì mới mong họ gật đầu. Giải pháp có lợi nhất cho Hà Nội là Trần Huỳnh Duy Thức phải ra đi nhưng ông từ chối và vì vậy không có một con đường nào khác cho ông chọn lựa.
Hà Nội luôn chứng tỏ với thế giới rằng họ không dễ bị khuất phục trước các tù nhân chính trị mà thế giới quan tâm. Càng nổi tiếng thì cái giá phải trả càng cao, Trần Huỳnh Duy Thức có lẽ đang là người tù cao giá nhất.
Thế nhưng dư luận ủng hộ ông tuyệt thục lại đưa ra những lý lẽ không hề kém thuyết phục. Trần Huỳnh Duy Thức chỉ có một phương tiện duy nhất là tuyệt thực để tranh đấu và ông đã tận dụng nó một cách hợp lý nhất có thể.
Khi chấp nhận dấn thân vào con đường tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức đã mặc nhiên chấp nhận hy sinh tình cảm riêng của gia đình để tận hiến thân xác và năng lực cho lý tưởng mà ông theo đuổi vì vậy không thể nói quyết định của ông khiến gia đình tan nát. Nếu kết án như thế thì sẽ không còn những người làm cách mạng mọi thời đại trên thế giới này.
Trần Huỳnh Duy Thức ở tù chưa bằng Nelson Mandela đã trải qua 27 năm trong tù hay như bà Aung San Suu Kyi chỉ được trả tự do, sau khi bị quản thúc tại gia 15 năm trong suốt cuộc đấu tranh của bà kéo dài 21 năm.
Hơn thế nữa, người tù Nguyễn Hữu Cầu 37 năm rồi hai anh em Huỳnh Anh Trí, Huỳnh Anh Tú bỏ ra 14 năm trong nhà tù không phải là họ làm cho gia đình tan nát mà cái nhìn của họ khác với tư duy của cộng đồng, họ nhìn xa hơn, cao hơn và nhân bản hơn: họ vì đất nước và con người Việt Nam.
Trần Huỳnh Duy Thức đã nhắn “Tôi xin lỗi vì đã không đi được đến thành công với các bạn, hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn Quyền Con Người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau. Cảm ơn mọi người, tôi sẽ luôn nhớ theo các bạn.”
Hôm nay 10 tháng 12 là ngày Quốc tế Nhân quyền. Đối với Việt Nam cái ngày có vẻ cao trọng này thật ra không làm cho bất cứ tù nhân lương tâm nào mong đợi vì họ biết rõ thái độ của chế độ Hà Nội. Mặc dù Tổ chức nhân quyền Frontlines Defenders ra kháng cáo khẩn cấp về việc Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, và một số tù nhân lương tâm khác tuyệt thực nhưng nhìn chung không có bất cứ động thái nào tỏ ra Hà Nội quan tâm.
Bởi không phải một mình Trần Huỳnh Duy Thức đang bị bạc đãi và sách nhiễu trong tù, hằng trăm tù nhân lương tâm khác đang âm thầm chịu đựng. Tệ hơn tù tội là trở thành bệnh nhân tâm thần như nhà báo Phạm Thành và Lê Anh Hùng.
Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn đang đối diện với bản án nặng nề vì dám làm nhà báo độc lập.
Rồi Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Lưu Vịnh, Đức Độ, Phan Trung, Nguyễn Ngọc Ánh, Biển Mặn, Bản Lĩnh, Phương Trần,Vũ Chi...Nguyễn Vượng, Trần Đức Thạch, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Ngọc Ánh...
Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động, Hồ Đức Hòa, Trương Duy Nhất, Nguyễn Bắc Truyển, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Phạm Văn Điệp, Đinh Thị Thu Thủy, Bùi Văn Thâm, Bùi Văn Chung, Trương Minh Đức, Nguyễn Năng Tĩnh ….
Sinh viên Phan Kim Khánh, sinh viên Trần Hoàng Phúc, Huỳnh Đức Thanh Bình…
Rồi Phạm Đoan Trang nữa…chị bị bắt, bị trấn áp không thương tiếc chỉ vì viết sách, những cuốn sách trình bày hiện trạng Việt Nam mà nhà cầm quyền muốn giấu.
Nếu có cơ hội đấu tranh như Trần Huỳnh Duy Thức thì tại sao một tù nhân lương tâm nổi tiếng như anh lại không làm?
Và quan trọng hơn hết anh đang tuyệt thực không những cho anh mà còn cho những tù nhân lương tâm khác không có cơ hội lên tiếng như anh đang có.
Bài bình luận gần đây