You are here

Hậu quả của kinh tế phi thị trường

Kinh tế phi thị trường mà nhà cầm quyền CSVN theo đuổi suốt nhiều chục năm đang gây ra hậu quả nặng nề cho xã hội.

 
Dù đã hội nhập thế giới, dù Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận và bang giao hai quốc gia suốt 25 năm qua vẫn không thể giúp ích nhà cầm quyền CSVN thoát khỏi hậu quả khó tránh trong tương lai rất gần.
 
Đài RFI hôm 27 tháng Mười Một năm 2020 có bài [1] "Mỹ có thể áp thuế mới với Việt Nam ngay từ tháng 01/2021", trong đó cho biết:

 

"Hoa Kỳ lên kế hoạch áp dụng biểu thuế mới và hạn ngạch, cũng như nhiều biện pháp hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay từ tháng 01/2021. Vào tháng 10/2020, chiểu theo Điều 301 của Bộ Luật Thương Mại 1974 -Trade Act, đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) đã tiến hành điều tra về luật lệ, chính sách và biện pháp của Việt Nam liên quan đến định giá tiền tệ".

 
Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ra thông báo [2] vào ngày 2 tháng Mười năm 2020 cho biết: Hoa Kỳ chính thức mở cuộc điều tra về việc Việt Nam hạ giá tiền đồng, gây hại đến thương mại Mỹ. Thông báo cũng cho hay, đồng tiền Việt Nam đã được định giá thấp hơn 4,7% trong năm 2019.
 
Nhà cầm quyền CSVN suốt nhiều chục năm theo đuổi chiến lược dựa vào xuất khẩu để phát triển kinh tế.
 
Điều căn bản nằm ở chỗ, Nhà cầm quyền CSVN luôn có khuynh hướng định giá thấp đồng VN so USD để có lợi cho xuất khẩu với giá bán rẻ. Đó là mấu chốt làm cho Hoa Kỳ đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Năm 2015, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật Tạo thuận lợi thương mại và thực thi thương mại. Đạo luật mới này đưa ra 3 tiêu chí để nhận diện một quốc gia bị cho là thao túng tiền tệ:

1. Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD.

2. Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP nước đó.

3. Can thiệp 1 phía (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng ít nhất 2% GDP

Với triết lý kinh tế phi thị trường vốn hoàn toàn đối nghịch kinh tế thị trường, nhà cầm quyền CSVN đã làm cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam vận hành méo mó bằng đầu óc duy ý chí, bởi điều quan trọng nhất trong kinh tế phi thị trường là sự độc quyền của nhà nước chiếm lấy toàn bộ các lãnh vực.

Hiện nay, thị trường ngân hàng đang giảm lãi suất đồng loạt mà một trong những nguyên nhân đó, được giới chuyên gia cho rằng nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời giảm dự trữ ngoại hối, tức là giảm mua ròng USD, nhằm tránh né tiêu chí thứ ba nói trên.

Ba tiêu chí để Hoa Kỳ liệt các quốc gia vào danh sách các nước thao túng tiền tệ là quá trình nghiên cứu kinh tế thị trường vận hành trong đời sống mà được đúc kết ra, chứ chúng không phải được hình thành từ suy diễn chủ quan, để sinh ra các con số vô căn cứ, vốn thuộc về bản chất của kinh tế phi thị trường.

Vì vậy, biện pháp ngân hàng đưa ra, chỉ là việc xử lý phần ngọn sơ sài mang tính tạm bợ không giải quyết được cái gốc "thao túng tiền tệ".

Mặt khác, việc giảm lãi suất như vậy, không có giá trị gì cả, bởi đại dịch Covid vẫn đang hoành hành dữ dội rộng khắp, kéo theo hàng chục ngàn doanh nghiệp rời bỏ thị trường [3] nên mục tiêu kích cầu tiêu dùng trở nên vô hiệu.

Ngay cả việc giải cứu Việt Nam Airlines với số tiền 12.000 tỷ [4] cũng không cho thấy sự sáng sủa gì hơn.

Ngoài ra, tâm lý coi rẻ đồng nội tệ trong dân chúng là có thật, với biểu hiện dễ nhận thấy: Giá cả chỉ có tăng (tức là đồng nội tệ mất giá) chứ không hề giảm. Đó là lỗi lầm rất lớn mà cho đến nay nhà cầm quyền CSVN vẫn không nhận ra để cải thiện tình hình này. Do đó, giá trị đồng nội tệ ngày càng tụt dốc là hậu quả có thể hiểu được và thấy trước.

Chỉ có tư duy kinh tế thị trường đúng nghĩa với các giải pháp đồng loạt mới có thể thoát khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Để đồng nội tệ mạnh lên (tức không định giá quá thấp theo cáo buộc từ Hoa Kỳ) cũng như xóa bỏ tâm lý xem rẻ nó trong dân chúng là một kỳ công và việc đó phải mất một thời gian khá dài.

Một nền kinh tế lành mạnh phải có tự do như là giá trị không thể thiếu được.

Nhà cầm quyền CSVN phải tự do hóa thị trường năng lượng, gồm: điện, xăng dầu và cả mặt hàng nước. Trước mắt phải giảm ngay và giảm mạnh giá bán điện nước, xăng dầu, tức là đưa chúng theo giá cả thế giới. Đồng thời nhanh chóng thu hút đầu tư lãnh vực này với luật pháp minh bạch và ổn định.

Giá năng lượng giảm nhất định kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ các loại giảm.

Từ đó, đồng lương thực tế của giới trung lưu và thu nhập thấp tăng lên đáng kể. Điều này có lợi rất lớn cho nhà cầm quyền CSVN. Trong mắt hàng triệu dân chúng, sau nhiều năm "ghìm giữ" trong đầu sự "bèo bọt" của đồng Việt Nam, nay thực tế hiện ra trước mắt họ, khi cầm đồng lương trên tay, đã cho thấy "sức nặng" đáng kể của nó, khi thanh toán các hóa đơn điện nước hay ghé cây xăng đổ một bình đầy với vẻ mặt hân hoan.

Nhà cầm quyền CSVN phải tự do hóa thị trường bất động sản. Trước hết, mạnh dạn hủy bỏ cái gọi là "khung giá đất" luôn tăng mà không có giảm và để thị trường tự do quyết định. Các tài sản cầm cố tại ngân hàng phải để chúng "tự sinh tự diệt", không can thiệp, không giải cứu bất kể doanh nghiệp bất động sản nào hoặc bất cứ ngân hàng nào.

Ngoài ra cần tiến hành, một mặt giảm lãi suất huy động đồng nội tệ, mặt khác phải tăng lãi suất huy động USD từ số 0% hiện nay lên mức 1,5% - 2%/năm để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà lại tránh được trạng thái mua ròng.

Song song đó, tự do hóa thị trường vàng miếng. Không để độc quyền cho một vài doanh nghiệp như SJC thao túng giá (lúc nào cũng cao hơn giá thế giới từ 4 triệu - 6 triệu đồng/lượng). Việc này tháo khoán cả tâm lý găm giữ vàng trong dân chúng vẫn đầy hoài nghi về cái bao nylon bọc lấy miếng vàng như là vật "bất ly thân".

Tận dụng tình thế Trung Quốc đang bị thế giới tẩy chay, cô lập để nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam bằng những chính sách ưu đãi cụ thể và rõ ràng, nhất là đối với những lãnh vực cần kíp, như: năng lượng sạch, đóng tàu và các công nghiệp phụ trợ, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản v.v.... Điều này cũng sẽ giải quyết căn bản nạn thất nghiệp, vốn là một chỉ số quan trọng của một nền kinh tế lành mạnh.

Một nền kinh tế khỏe khoắn luôn có bộ máy quản trị quốc gia hợp lý và gọn ghẽ. Vì thế, nhà cầm quyền CSVN cũng phải mạnh dạn giảm nhanh và giảm mạnh số lao động ăn lương nhà nước, đặc biệt ngành công an với than phiền của ông Sùng Thìn Cò: "Lực lượng công an đông quá!" [5].

Một nhà nước thật sự  "của dân,do dân, vì dân" không cần một lượng công an khổng lồ lên đến 1.500.000 con người [6] bởi chính ông Trần Quốc Vượng đã tuyên bố [7]: "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm, nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.

Và một bộ máy cồng kềnh, tham nhũng, làm ít ăn nhiều phá dữ dội là tiền đề căn bản làm cho đồng nội tệ ngày càng mất giá, bởi giờ đây, ngay cả quan tham hối lộ cũng tính ra đơn vị đồng USD với Nguyễn Bắc Son là 3.000.000 USD hay mới đây Nguyễn Đức Chung đưa 10.000 USD cho Phạm Quang Dũng [8], cựu cán bộ điều tra C03, khi chiếm đoạt tài liệu mật vụ án Nhật Cường.

Kết

Sự chờ đợi vận may trong hiện tình thế giới rối rắm, phức tạp với nhiều biến số khôn lường là điều nên bỏ qua để thay vào sự chủ động, tự tin để vượt thoát lên trong hoàn cảnh chỉ mành treo chuông.

Chúc cho nhà cầm quyền CSVN mạnh dạn và sáng suốt lựa chọn các giải pháp cứu nguy cho chính họ trước tiên.