You are here

Hội AEDC và ông Trần Đức Thạch có mục đích lật đổ chính quyền không?

Ảnh của nguyenvandai

Ngày 30 tháng 11 tới đây, Tòa án tỉnh Nghệ An sẽ xét xử sơ thẩm ông Trần Đức Thạch với cáo buộc ông Trần Đức Thạch tham gia Hội AEDC có mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân theo khoản 1 điều 109 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.


Khoản 1, điều 109 được qui định như sau:

“Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

  1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;”

Chúng ta hãy đi xem xét từng khái niệm:

Trước hết chúng ta xem định nghĩa thế nào là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền của một tổ chức?

Lật đổ chính quyền được hiểu là phải dùng tới sức mạnh bạo lực, vũ trang một cách bất hợp pháp.

Một tổ chức có mục đích hoạt động nhằm lật đổ chính quyền được thể hiện trong cương lĩnh và điều lệ của tổ chức đó.

Tiếp theo chúng ta hãy xem ở Việt Nam có chính quyền Nhân dân là khách thể mà điều 109 Bộ luật Hình sự bảo vệ hay không?

Xin khẳng định ngay là ở Việt Nam không có chính quyền Nhân dân vì Nhân dân VN không có quyền quyết định lựa chọn và phế bỏ chính quyền tại VN thông qua các quyền con người về chính trị đã được qui định ở trong Hiến pháp Việt Nam 2013.

Ví dụ: Một chính quyền được gọi là chính quyền Nhân dân thì phải do đa số Nhân dân lựa chọn và quyết định thông qua bầu cử. Đồng thời khi Nhân dân không còn hài lòng với chính quyền đó thì Nhân dân có quyền phế bỏ chính quyền đó bằng các quyền chính trị trong Hiến pháp như quyền biểu tình.

Tức là chính quyền Nhân dân do Nhân dân xây dựng lên thì Nhân dân cũng có quyền phế bỏ nó.

Thứ ba, chúng ta hãy xem chính quyền ở VN gọi là chính quyền gì?

Chính quyền ở Việt Nam do tầng lớp chóp bu của đảng CSVN hay còn gọi là Ban chấp hành trung ương có 200 thành viên xây dựng lên. Hơn 4 triệu đảng viên đản CSVN cũng không có quyền này. Chính quyền này được lớp chóp bu trước trao lại cho lớp chóp bu sau.

Bởi vậy chúng ta gọi đó là chính quyền độc tài cộng sản.

Thứ tư, ủng hộ việc xây dựng chế độ đa đảng hay đấu tranh để xây dựng chế độ đa đảng tại VN có phải là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền không?

Không!

Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, trong đó có các quyền thành lập và tham gia các đảng phái chính trị phù hợp với lý tưởng và mục đích sống của mỗi người.

Ở VN chưa có đa đảng tức là chưa có quyền bình đẳng giữa các công dân VN với nhau. Tức là hơn 90 triệu người dân VN bị đối xử bất bình đẳng bởi hơn 4 triệu công dân VN là đảng viên đảng CSVN.

Bởi vậy đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng là đấu tranh cho quyền bình đẳng về chính trị giữa các công dân VN với nhau.

Mục đích thành lập và hoạt động của Hội AEDC là gì:

Hội AEDC được thành lập ngày 24 tháng 4 năm 2013 trên mạng xã hội quốc tế Facebook với các mục đích và hoạt động như sau:

Thứ nhất, phổ biến và quảng bá các quyền con người trong Hiến pháp VN 2013 và trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia;

Thứ hai, đấu tranh bảo vệ các quyền con người được qui định trong Hiến pháp VN 2013;

Thứ ba, ủng hộ và đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam

Thứ tư, ủng hộ xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội vì lợi ích hài hòa giữa người lao động, giới chủ và nhà nước;

Thứ năm, ủng hộ Việt Nam xây dựng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc,…, và các nước EU.

Thứ sáu, phương thức hoạt động của Hội AEDC là ôn hòa và phi bạo lực.

Lập luận của cơ quan an ninh điều tra, VKS và Tòa án qua các vụ án của Hội AEDC như thế nào?

Họ cáo buộc rằng mục đích của Hội AEDC ủng hộ và đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng là nhằm tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN, lật đổ chính quyền Nhân dân.

Phản bác lại cáo buộc của các cơ quan tố tụng Việt Nam như sau:

Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, Hội AEDC ủng hộ và đấu tranh cho đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam tức là đấu tranh cho quyền bình đẳng về chính trị của các công dân Việt Nam. Đó không phải là lật đổ chính quyền.

Việc thiết lập hay xóa bỏ chế độ chính trị và chính quyền là quyền lựa chọn và quyết định của đa số Nhân dân Việt Nam thông qua cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý. Hội AEDC không thực hiện được điều này.

Kết luận:

Thứ nhất, 6 mục đích thành lập và hoạt động của Hội AEDC đều là các quyền con người về chính trị của công dân Việt Nam mà không nhằm hướng tới lật đổ bất kỳ chính quyền nào.

Thứ hai, ở Việt Nam không có chính quyền Nhân dân mà chỉ có chính quyền độc tài cộng sản. Bởi khách thể là chính quyền Nhân dân mà điều 109 Bộ luật Hình sự VN 2013 bào vệ là không có.

Tức là việc thành lập và hoạt động của Hội AEDC và ông Trần Đức Thạch không hề xâm hại đến khách thể mà điều 109 Bộ luật Hình sự bảo vệ.

Bởi vậy nhà cầm quyền CSVN cần trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Trần Đức Thạch, các thành viên của Hội AEDC đang bị cầm tù.