Đài RFA phỏng vấn [1] một số người dân trong nước với tựa bài "Nhiều người Việt quan tâm bầu cử ở Mỹ nhưng thờ ơ chuyện bầu bán ở nhà!". Bài phỏng vấn cho thấy rõ sự thờ ơ là có thật, gây ra bởi chế độ độc đảng toàn trị suốt 45 năm qua tại Việt Nam.
Những ngày này, Quốc hội của nhà cầm quyền CSVN đang nhóm họp vẫn không thu hút được đông đảo người dân chăm chú theo dõi, bất chấp Quốc hội đang bàn thảo những vấn đề quốc kế dân sinh gắn liền với đời sống người dân, bởi câu chuyện bầu cử tổng thống Hoa Kỳ gây náo động toàn thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ.
Dõi theo kỳ họp đang diễn ra, các vị đại biểu vẫn tiếp tục "phun châu nhả ngọc" những ý tứ khiến người dân bật cười.
Một vài trong số những màn hoạt kê, có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông với phát ngôn: "“Sàn giao dịch điện tử cũng đã sẵn sàng để bà con bán được nải chuối buồng cau của mình với giá cao” [2]. Ông Hùng dường như không biết người dân nghèo lam lũ vốn quen với sự tiện lợi từ đôi vai quang gánh hay một chiếc xe ba gác để làm sao bán nải chuối buồng cau nhanh, gọn, thu chút tiền bỏ túi liền và ông ta cũng không màng đến việc tính giúp về chi phí bỏ ra và khoản lời còm cõi của nải chuối, buồng cau mà người nông dân cần phải bỏ ra khi lên sàn giao dịch (!)
Chỉ bán có vài chục nải chuối hay vài ba buồng cau, người dân nghèo có cần "học làm sang" dữ thần vậy không, thưa ông Bộ trưởng Hùng với bộ đồ lớn trịnh trọng giữa hội trường mát lạnh, mênh mông?!
Không chịu thua kém về cách thức lo cho dân của ông Bộ trưởng Hùng, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, khi nói đến nạn phá rừng, làm người dân ngã ngửa với phát ngôn :"phải phục hồi rừng nguyên sinh đúng với bản chất tự nhiên" [3]. Chắc là khi còn ngồi trên ghế học đường, ông Hà không được dạy những khái niệm căn bản về: Rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, rừng cấm v.v... là gì, nên ông ta (ráng) "phục hồi rừng nguyên sinh" sao cho "đúng với bản chất tự nhiên".
Thưa ông Hà, ông vui lòng về coi lại khái niệm căn bản rừng nguyên sinh vốn là loại rừng không bao giờ có thể phục hồi, bởi nó hình thành từ lịch sử cổ đại xa xưa. Ông Hà đừng lẫm lẫn lộn việc "trồng rừng" vài ba chục năm là "CHÚNG TA" lại có rừng nguyên sinh thật là... tự nhiên (!) Nếu ông giữ ý định đó, ngay bây giờ ông có thể xin Quốc hội của nhà cầm quyền CNVN kinh phí để đặt hàng ở các Sở Thú nước ngoài nuôi sẵn vài chục con cọp, con voi và nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để vài chục năm sau thả chúng vô rừng nguyên sinh... "của ông" được rồi đó!
Cấp trên của ông Hùng, ông Hà - ông Nguyễn Xuân Phúc, với tầm cao lớn hơn một bậc, bày tỏ sự băn khoăn về "văn hóa từ chức" như báo Thanh Niên trích dẫn : "Tại Quyết định 1847 năm 2018 của Thủ tướng về phê duyệt đề án văn hoá công vụ cũng nêu rõ, "cán bộ lãnh đạo chủ chốt chủ động xin thôi khi thấy bản thân còn hạn chế về năng lực, uy tín" và "để có văn hoá từ chức trong cán bộ, công chức, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước, do cán bộ ta tự thấy, dưới sự giám sát của nhân dân".
Thưa ông Phúc, "văn hóa" không phải "để có" hay "để cho có". Bởi văn hóa là quá trình hình thành theo suốt quá trình tiến hóa của loài người. Văn hóa dân tộc Việt Nam là quá trình hình thành theo suốt quá trình tiến hóa của người Việt Nam.
Từ chức - nói cho đúng - đó là tính liêm sỉ cần phải có của một con người. Tính liêm sỉ là một phần nhỏ trong đạo đức. Đạo đức là một phần nhỏ trong văn hóa.
Thật là vô tri vô giác!
Sau này, chữ "vô cảm" được dùng tràn ngập. Lần theo chữ này cho thấy, người sử dụng đầu tiên chữ "vô cảm" là bà Nguyễn Thị Hoài Thu cựu chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội với phát ngôn [5] "Ai không thấy trách nhiệm của mình là vô cảm" do báo Tuổi Trẻ phỏng vấn vào ngày 11 tháng Năm năm 2004, tức cách đây 16 năm. Không tìm thấy chữ "vô cảm" được dùng trước thời điểm này.
Theo định nghĩa của các loại từ điển tiếng Việt sau này, được đông đảo người dân biết đến và chấp nhận, "vô cảm" nghĩa là trạng thái con người thờ ơ, không màng đến mọi diễn biến trong cuộc sống và sống vô trách nhiệm.
Về y học, "vô cảm" không được công nhận. Chỉ có trong y văn về "bệnh lãnh cảm" (dành cho phụ nữ trong lãnh vực tình dục) và các loại bệnh về tâm thần.
Về chữ "tri", thành ngữ rất quen thuộc hầu như người Việt Nam nào cũng biết:
Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm
Nghĩa là:
Vẽ cọp thì vẽ được hình dáng bên ngoài (bì là da), khó có thể vẽ được bộ xương (cốt)
Biết người biết mặt không biết được trong lòng (tâm) họ.
Chữ "tri" - một từ Hán - Việt, có nghĩa "nhận biết".
Con người có 5 giác quan, bao gồm: thị giác (mắt), thính giác (tai), vị giác (lưỡi), khứu giác (mũi) và xúc giác (da).
Người đời cũng biết "giác quan thứ 6" thường được gọi là linh tính mách bảo, giác quan thứ 6 vượt trội hơn hẳn 5 giác quan bình thường nói trên.
Do đó, đứng trước hiện trạng xã hội Việt Nam phơi bày đầy đủ mọi ngóc ngách, mọi lãnh vực, từ kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, tín ngưỡng - tôn giáo cho đến an ninh - quốc phòng đều quá ê chề với hàng triệu hình ảnh, thước phim cay đắng, xót xa và phẫn uất, mà dùng chữ "vô cảm" dành cho người CSVN quả là không đủ diễn tả tâm trạng!
Vô tri - vô giác tức là có não mà không nhận biết gì cả, có mắt như mù, có tai như điếc, có lưỡi như câm, có mũi như cơ quan chỉ làm nhiệm vụ nhận oxy và thải carbonic, có da nhưng không biết đau khi lửa táp vào; không biết rát như một vết thương sâu hoắm bị muối xát; không biết nhột nhạt khi cả bầy ruồi bu vào.
Vô tri - vô giác thuộc về Con Người - Con Người Bình Thường!
Nhà cầm quyền CSVN hãy là Con Người Bình Thường trước khi làm Người Cộng Sản - dù là Người Cộng Sản Chân Chính đi chăng nữa!
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau - Trịnh Công Sơn.
Ngoài trời đang vần vũ, dư âm nghe tang thương và thê lương của cơn bão rớt vào quê hương tôi, chiều nay...!
Bài bình luận gần đây