Đôi khi, tôi cảm thấy hơi buồn rầu (cùng với đôi chút tủi thân) khi chợt nhớ ra rằng mình chưa bao giờ có dịp được đi khắp hết quê hương. Tôi chưa được đặt chân đến cố đô Huế hay thủ đô Hà Nội một lần nào cả.
Thế mà những nước láng giềng kề cận thì tôi lại lui tới đều đều. Tôi đã ngược xuôi nước Lào, nước Miên, nước Miến năm bẩy lượt. Tôi đâm ngang đâm dọc nước Thái (chắc) đâu cũng cỡ chừng chục bận rồi.
Ở Thái Lan, dù bạn quay bên trái hay bên phải (nhìn tới hay nhìn lui) cũng đều thấy chân dung đức vua Bhumibol Adulyadej – Rama IX – không sót một góc nào. Ngài có mặt mọi nơi, khắp các nẻo đường, trong tất cả những công trình kiến trúc (bất kể công tư) và trên tường nhà của thần dân (bất kể sang/hẻn) dù đã băng hà.
Sau đó, sau một khoảng lặng khá dài, thiên hạ mới bắt đầu nhìn thấy ảnh của vị vua thừa kế (Thái Tử Vajiralongkorn – Rama X) ở những nơi công cộng. Tuy đăng quang khi đã ngoại lục tuần, ông vẫn không xuất hiện một mình mà có cả hình vua cha và mẫu hậu Sirikit cạnh bên.
Người biết chuyện của vương triều Chakri đều hiểu rằng tuy Rama X kế vị là chuyện tất nhiên nhưng vì ông là một playboy (với rất nhiều tai tiếng) nên ở ngôi thiên tử khó tránh được điều tiếng xầm xì. Bởi thế, Vajiralongkorn cần phải có song thân phụ mẫu cận kề cận cho bớt (chút) … eo sèo nhân thế!
Ngoài giai cấp tăng lữ, chế độ quân phiệt Thái còn cần phải có giới qúi tộc làm liên minh chính thống, với một đấng quân vương – nhân từ khả kính – để an dân và để hòa giải những xung đột (thường xuyên) giữa đám tướng lãnh của xứ sở này. So với tiên vương, Rama X kém cả tài lẫn đức quá xa (hay nói chính xác hơn là vô tài bất đức) nên xã hội lâm vào cảnh bất an – như hiện cảnh – không phải là chuyện lạ:
Từ VN, bỉnh bút Du Uyên (Tuần Báo Trẻ – Dallas) có đôi ba nhận xét khá thú vị về sự kiện này:
“Rất nhiều người Việt quan tâm đến một cuộc thi nhan sắc ở đất nước Thái Lan – Miss Grand Thailand… Lý do khiến cuộc thi này nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận Việt là vì những sự ‘ngược đời’.
Thứ nhất, ở vòng chung kết cuộc thi này, ban tổ chức đặt ra một câu hỏi được xem là không tưởng với ‘truyền thống’ thi hoa hậu ở Việt Nam – Một câu hỏi vô cùng ‘nhạy cảm’, đầy ‘động cơ chính trị’:
“Bạn nghĩ gì về cuộc biểu tình đang diễn ra ở Bangkok?”
Những tưởng sẽ không người đẹp nào dám trả lời câu hỏi dễ gây ‘mích lòng’ này. Nhưng thí sinh Pacharaporn ‘Nam’ Chantarapadit (22 tuổi, đại diện thành phố Rayong) đã có câu trả lời đi ngược lại với ‘truyền thống’ thi hoa hậu của nước bạn – Việt Nam.
Vì cổ không nói: ‘Tôi chọn đứng về phía nhân dân. Nhưng nhân dân phải sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, luôn luôn học tập theo gương nhà vua/triều đình Thái Lan vĩ đại.’ Hay ‘Bọn biểu tình là do thế lực kích động, thuê mướn.’ hoặc ‘Không thế lực nào có thể buộc tôi chọn bên’…
Mà cổ ‘dám’’trả lời: ‘Từ đáy lòng mình, tôi chọn đứng về phía người biểu tình. Chúng tôi có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân và chúng tôi muốn chọn những gì tốt nhất cho đất nước mình. Hơn thế nữa, tôi muốn nói với chính phủ. Nếu quý vị gọi đất nước này là Thái Lan thì chúng ta cần một nền dân chủ thực sự…
Và, bạn nghĩ xem, nếu là một hoa hậu (không ai đánh thuế ước mơ mà), bạn muốn làm hoa hậu ở đất nước ‘cộng hòa – xã hội – chủ nghĩa’ Việt Nam hay là hoa hậu ở đất nước có ‘nền dân chủ què quặt’, ‘bán độc tài’ Thái Lan hơn?”
Hỏi gì mà lãng xẹt vậy Trời?
Ai thì cũng sẽ lựa chế độ bán độc tài hơn là cái thứ độc tài toàn trị chớ!
Tuy nhiên tưởng cũng cần phải nói thêm – cho hết lẽ – là sống ở VN khoẻ hơn ở Thái Lan nhiều, nếu chỉ xét về mặt ẩm thực. Thức ăn ở Thái chỉ có ưu điểm là an toàn – không bị nhiễm độc – và ăn thử chơi vài bữa thì cũng khá ngon, chớ ăn hoài (khao soi, green pap salad, tom yum, pad thai, tom kha …) là ớn thấy bà luôn.
Được cái là hệ thống Seven Eleven của Thái Lan vô cùng tiện lợi. Ở xứ sở này bạn nhìn đâu cũng thấy hình vua, và ngó đâu cũng thấy bảng hiệu của những tiệm bán lẻ tiện dụng này. Họ bán không thiếu một thứ gì (bia rượu đầy đủ cả) và đồ ăn liền thì vô cùng phong phú, cho cả ba bữa: sáng, trưa, chiều tối.
Nếu so sánh thì 7/11 ở Singapore, Hong Kong, Manila, Jakarta, Kuala Lumpur Phnom Penh … (và ngay cả California nữa) đều thuộc vào hạng thứ. Đặc biệt nhất là cách phục vụ của những nhân viên bán hàng của hệ thống Seven Eleven ở Thái Lan. Trăm tiệm như một. Nơi đâu cũng bầy tỏ sự hiếu khách bằng những câu chào mời nồng nhiệt.
Nếu bạn là loại du khách có rất ít tiền nhưng muốn lại muốn ở chơi tại Thái lâu thì chỉ nên ăn ở hàng quán mỗi ngày một bữa thôi. Bữa còn lại cứ vào 7/11 là hay nhất. Tiện lợi, nhanh chóng, giá cả nhẹ nhàng, và có thể đổi khẩu vị đều đều cho đỡ ngán: Italian Spagetti, Cantonese Dumpling, Brazalian Pizza, Hong Kong Congee, Korean Pork and Rice Porridge, Szechuan Noodles With Spicy Beef Sauce, Indian Green Chicken Curry With Coconut Milk, Crab Fried Rice Thai Style… Cơm trắng cá nục kho nước mắm (theo kiểu Việt Nam) cũng có luôn, chỉ thiếu vài trái ớt chỉ thiên để xuýt xoa cho nó đã thôi.
Tất cả – tất nhiên – đều đông lạnh và cần phải hâm lại nhưng nhân viên không bao giờ lấy đó làm phiền. Họ cũng chả bao giờ quên cho muỗm nĩa nhựa kèm theo, cùng với một lời cảm ơn, và nụ cười thân thiện. Thái độ tận tình và vui vẻ của họ luôn khiến tôi có đôi chút băn khoăn: phải chăng nền văn hóa khiêm cung và nhân bản của Thái Lan đã tạo ra được một thế hệ trẻ lành mạnh và có thể cậy trông như thế?
Bạn cứ nhìn chim trời cá nước (bay rợp những cánh đồng lúa chín, hay chen chúc lúc nhúc khắp nẻo sông hồ) nơi đất Thái rồi nhìn cung cách hoà nhã của những nhân viên trong hệ thống 7/11, ở khắp xứ sở này, để có thể đoán biết được rằng đất nước của họ vẫn còn có ngày mai – dù đang bị áp chế bởi một chế độ bán độc tài:
- Thủ tướng Thái Lan quan ngại biểu tình, muốn đối thoại
- Biểu tình đòi dân chủ nhắm vào Vua Rama X
Thông tín viên Hoài Hương (VOA) cho biết thêm chi tiết: “
“Cuộc biểu tình do nhiều nhóm sinh viên học sinh lãnh đạo hôm Chủ nhật 16/8, thu hút ước lượng 10.000 người, đám đông hô to ‘đả đảo nhà nước độc tài’, đòi Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, chấm dứt các hành động sách nhiễu và sửa đổi hiến pháp.”
Ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì giới sinh viên, tất nhiên, không bao giờ hô to (“đả đảo nhà nước độc tài”) như thế. Hô nhỏ cũng hổng dám đâu. Nghe họ than thân mà muốn ứa nước mắt:
Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu...
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang
Thế hệ tôi , nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước?
Qúi ông Thủ Tướng ở Việt Nam khỏi cần “quan ngại” và “đối thoại” với bất cứ ai. Họ chỉ “đối thụi,” nếu cần. So sánh với cái nền dân chủ què quặt của Thái Lan để thấy cho rõ thế nào là một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc!
Bài bình luận gần đây