Tôi không biết những đày đọa mà Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Trỗi v.v... khi ở trong nhà tù "Mỹ - Ngụy" với cái gọi là "trung trinh tiết liệt" của họ ra sao nhưng tôi biết rõ sự lạnh lẽo và sự cô độc chen lẫn tính khốc liệt và tính bạo tàn đến cỡ nào, một khi sa vào ngục tối của người CSVN.
Còn gì lãng mạn hơn hình ảnh hiên ngang kiêu dũng của Trỗi giựt phắt mảnh khăn đen với "phút giây thiêng anh gọi bác ba lần" trước mũi súng quân thù chĩa vào thân mình?!
Còn gì kiên cường hơn với "nụ cười ngạo nghễ" của Thắng cùng án tù 20 năm khổ sai?!
Đẹp lộng lẫy! Đẹp vô song!
Có lẽ những vẻ đẹp thật lóng lánh và đủ quyến rũ đó, chúng chỉ còn thua mỗi cái uy quyền lung linh mang tên "mong manh áo vải hồn muôn trượng", lúc mà Tố Hữu khóc Hồ Chí Minh sướt mướt đến nông đến nỗi "đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa"!
Cũng có thể, khi thêu hoa lên tấm áo Thắng và dệt gấm cho manh vải Trỗi, người Cộng Sản lúc bấy giờ không ngờ, họ đã thủ đắc nhân tâm đến mức tuyệt hảo, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt với "chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn bể", tựa như một loại ma túy vô địch thiên hạ tràn ngập trong dân chúng hai miền, cho đến sau này!
Vâng! Một sự thủ đắc nhân tâm vô cùng hữu hiệu. Hữu hiệu tới tận ngày nay bằng khái niệm phiêu bồng "tinh thần lạc quan (mà phải là) cách mạng" nhằm để ru ngủ lớp sinh sau đẻ muộn về cái loại "anh hùng (cũng phải là) cách mạng" mà nó hiện diện ngập tràn và lênh láng trong các loại sách giáo khoa các cấp, nên người đời đã đặt chết tên "nhồi sọ" cho nó.
Làm một con người bình thường, rất khó để tin mình muốn đi tù, đặc biệt là tù mà không tội! Bởi đó là nỗi bi hận nặng trĩu nhất cho kiếp làm người.
Xung quanh cuộc đời dân Việt trầm luân suốt hàng chục năm qua, giả như có ai nghĩ khác đi, có thể đó là điều "kỳ diệu", vốn gieo nỗi hoài nghi to lớn trong quảng đại quần chúng, bằng những ngôn từ mà người ta hay khích lệ: giữ vững lập trường, vượt lên số phận, bình thản trước nghịch cảnh, bình tĩnh khi đối diện CS và nhiều câu chữ khác đậm đặc mùi "lý tưởng cách mạng". Hoặc giả có lẽ vì, họ chưa từng nếm trải cả mùi và cả vị trên từng xăng-ti-mét da người nhớp nháp trong cơn cúm nặng; nó đọng ngay trên chóp gai lưỡi đắng ngắt hòa trong từng giọt lệ rỉ ra, lăn dài trên đôi gò má, rồi dừng lại ở dưới cằm, được chấm dứt bằng ngón tay trỏ co lại rồi quẹt ngang với cổ họng đau đớn mà chắc chắn là đỏ lòm của chứng viêm họng, vào mùa hè bỏng rát dưới mái tôn hầm hập, sau cơn đi ngoài thứ 15 mà tôi đếm được! Mệt lả người với hậu môn như có bàn tay ác quỷ vẫn đang chọc thẳng vào đến quặn thắt!
Chỉ riêng điều đó thôi đủ làm se sắt tâm cang, khi nhớ lại những tháng ngày tù không tội của mình. Đó cũng là lý do làm lòng tôi tạm nguôi ngoai, khi hình ảnh kiêu dũng ngày xưa của những Võ Thị Thắng, những Nguyễn Văn Trỗi - vốn dĩ họ là quân khủng bố - dần dần tả tơi và mau chóng rơi rụng một cách thảm hại trước mắt người dân.
Vì sao ư? Vì tôi là một người bình thường.
Tất nhiên, con người vốn không bao giờ hoàn hảo như tạo hóa đã định. Thế cho nên, mới có những con người phi thường. Song le, bên cạnh đó cũng không thiếu những con người bất thường mà thiên hạ cợt nhã:
Việt Nam có lắm anh hùng
Việt Nam có lắm thằng khùng, thằng điên
*****
Mới đó gần tròn 6 năm...
Văn chương thi phú dễ làm người có tâm hồn mềm lòng nhưng "bóng câu qua cửa sổ" chỉ là để an ủi, khi mình buộc phải đặt chân vào chốn lao tù. Nếu không vậy, đời chẳng có câu "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại".
Hồi chưa ở tù, nghe chữ "tạm giam", thấy nó nhẹ tênh làm sao đâu!
Còn bây giờ, chữ "tạm giam" vang lên trong đầu nghe ken két như tiếng nghiến răng trèo trẹo của kẻ chuẩn bị giết người đang cảnh cáo trước khi xuống tay! Ám ảnh! Thật sự ám ảnh với hai tiếng TẠM... GIAM...!
"Tạm giam" là sao mà diễn tả nghe thấy ghê vậy?!
Ờ thì... À thì...
Một thoáng bối rối, khi phải cắt nghĩa cho rành mạch hai tiếng "tạm giam". Có vẻ ngớ ngẩn? Có lẽ vớ vẩn? Trong luật lệ của người CSVN đã định nghĩa rõ hết rồi! Ừ! Đúng vậy!
Vậy khi ở tù, con người bình thường làm gì? Nghĩ gì? Muốn gì? Trông chi?
Tất nhiên, những gì con người ở bên ngoài làm thì con người trong tù cũng làm, như là: ăn uống, tắm giặt, đại tiểu tiện, ngủ nghê nhưng... người tù sướng hơn. Nghĩa là sao? Không phải làm việc. Không cần làm việc.
Hãy hình dung, mình bị nhốt suốt ngày đêm trong một gian phòng cỡ 4 mét vuông dành cho hai con người. Trong không gian nhỏ xíu đó, ngày cũng như đêm với ánh đèn compact 12w lờ mờ, vàng vỏ và hiu hắt. Ánh sáng đó mang đến vẻ ảm đạm cho tâm hồn người tam vốn dĩ héo hon vì nghĩ đến thân nhân của mình đang ở bên ngoài.
Đó là tâm trạng chung nhất của những người tù không tội.
Không biết giờ này vợ con, cha mẹ mình làm gì! Ăn cơm chưa! Có bị sách nhiễu không? Có ai ốm đau không? Mọi người vẫn bình an chứ? Vân vân và vân vân.
Những ngày tết trong giai đoạn tạm giam càng vắng lặng và đượm vẻ u hoài, xơ xác với những giọt nắng chiều tà xuyên khẽ qua song sắt hẹp trên cao, in đậm lên vách tường loang lổ và bẩn thỉu, khiến con người ta uể oải và nó cùng với những con chim sẻ sà xuống mổ những hạt cơm rơi vãi bên ngoài, tựa như chiếc đùi giẻ đen thùi lùi, sau hàng trăm lần lau chùi tâm hồn để ráng sáng láng và tươi tỉnh hơn.
Không có tiếng đàn. Không có tiếng hát. Vắng lặng và khẽ khàng như đang ở giữa nhà xác tâm hồn cùng bóng tối chập choạng dần phủ xuống...
Rồi chút ánh sáng cuối ngày le lói và thoi thóp đó, trong chốc lát bị bóng đêm chộp lấy và từ đó, sự thâm u đang trồi dần lên như bóng quỷ nhập tràng...
Sự rùng rợn trong một tâm hồn bi thương vô tội trở thành kẻ ác tâm nhất mà người tù không tội buộc phải đối diện.
Mỗi ngày, những kẻ sát nhân thầm lặng đó lại xuất hiện đều đặn như một viên chức Cộng Sản mẫn cán miệt mài đến rồi đi thường xuyên trong thinh lặng và lạnh tanh...
Tạm giam không bao giờ mang đến cho người tù chút le lói hy vọng nào cả, dù đó chỉ là cây đàn như cô Đoan Trang mong mỏi...
Tạm giam trong tuyệt vọng là điều mà người CSVN nhắm đến.
Tạm giam trong nhà tù CSVN sẽ không bao giờ mang đến tin vui, dù ngay lúc tuyệt vọng và đau đớn nhất. Một thân phải oằn mình gánh lấy...!
Bài bình luận gần đây