You are here

Sau cái chết của một cảnh sát cơ động, liệu có hết cảnh công an, cảnh sát đu, bám xe ô tô?

Ảnh của nguyenvubinh

     Ngày 14/9 vừa qua, tại cao tốc Bắc Giang - Hà Nội đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Một cảnh sát cơ động đu, bám lên đầu xe ô tô 16 chỗ ngồi chở hàng lậu, đi được một quãng đường ngắn thì anh này rơi xuống, và xe ô tô chèn lên dẫn tới tử vong. Thông tin trên báo chí nói rằng, chiếc xe 16 chỗ không tuân theo hiệu lệnh của cảnh sát, đã nhấn ga tông thẳng vào nhóm cảnh sát cơ động đứng lề đường, một cảnh sát trong nhóm đã bám vào cần gạt nước và đu lên xe ô tô. Tuy nhiên, theo logic thông thường, khi đang đứng mà bị xe ô tô tông thẳng, phản xạ bình thường là nhảy dạt ra, chứ không có ai nhảy lên và đu vào cần gạt nước được. Như vậy, nhiều khả năng, người cảnh sát cơ động đứng ở một bên xe đã chủ động nhảy lên bám lấy cần gạt nước để ngăn cản chiếc xe bỏ chạy. Dù là bị tông nhảy lên bám vào xe, hoặc chủ động từ cạnh xe nhảy lên bám vào, thì việc đu lên xe bám vào cần gạt nước ngăn xe bỏ chạy là việc làm quá nguy hiểm tới tính mạng của mình.  

     Nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại thấy hiện tượng công an, cảnh sát bám vào xe ô tô đủ các loại: taxi, xe tải, xe khách, xe 16 chỗ… rất phổ biến và thường xuyên. Có phải những người thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông không ý thức được mức độ nguy hiểm khi đu, bám vào các ô tô bỏ chạy trốn hay không? Và tại sao họ biết nguy hiểm nhưng vẫn làm việc đó? Liệu sau vụ người cảnh sát cơ động chết trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tình trạng đu, bám ô tô của công an, cảnh sát có hết hay không?

     Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, những chiếc xe vi phạm luật giao thông khi cảnh sát, công an giao thông tuýt còi dừng bắt lỗi, thì công an có thể ghi, chụp hình ngay được biển số xe. Thậm chí xe bỏ chạy thì ở phía sau cũng đọc và sau đó ghi được biển số. Như vậy, việc phạt nguội bằng thông báo sau đó tới chủ phương tiện vẫn có thể đạt được mục đích phạt xe vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện chây ỳ không nộp phạt nguội thì khi xe đi đăng kiểm cũng không thể thoát được phải trả cả tiền lãi nộp phạt. Nhưng tại sao hầu như tất cả cảnh sát giao thông đều không làm như vậy? mà họ bằng mọi cách giữ được chiếc xe để phạt vi phạm thậm chí bằng cách đu, bám vào xe như mọi người đều biết? Có hai lý do cho việc này.

     Thứ nhất, khi xe vi phạm bị phạt trực tiếp, có nhiều khả năng chủ xe sẽ hối lộ, làm luật cho cảnh sát giao thông để giảm bớt số tiền nộp phạt, không mất thêm thời gian đi nộp tiền ở kho bạc, không bị thu giữ giấy tờ xe.

     Thứ hai, công an, cảnh sát giao thông thường nghĩ rằng, các chủ xe thấy người đu bám nguy hiểm dễ rơi chết sẽ không dám chạy nhanh và có thể dừng lại, hoặc các đồng đội sẽ đuổi theo bắt kịp chiếc xe chạy trốn. Như vậy khi đó, ngoài việc chủ xe phải nộp phạt hoặc làm luật lỗi vi phạm ban đầu, sẽ cộng thêm lỗi rất nặng là bỏ chạy, tương đương với tội chống người thi hành công vụ nếu công an đưa vụ việc thành tội hình sự. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ xe sẽ phải làm luật, xin xỏ rất nặng. Mạo hiểm một chút nếu không bị rơi ngã, không sao thì sẽ trúng đậm. Đó là logic của các đồng chí công an, cảnh sát khi làm việc đu, bám ô tô nguy hiểm như vậy.

     Phân tích sâu hơn, tại sao các đồng chí công an, cảnh sát giao thông lại phải mạo hiểm như vậy? lý do cũng không khó hiểu lắm. Đó là do sức ép phải kiếm được nhiều tiền để ngoài việc cống nộp cho cấp trên (rất nặng) thì bản thân và gia đình có thêm thu nhập. Hơn nữa, nếu tất cả không đu, bám ô tô, nếu có luật cấm đu, bám ô tô thì các chủ phương tiện sẽ bảo nhau bỏ chạy, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thất thu một lượng lớn trực tiếp từ các chủ phương tiện vi phạm giao thông. Đó là điều các đồng chỉ trong ngành từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên không ai muốn như vậy.

     Tóm lại, do đặc trưng nghề nghiệp, do nhu cầu cuộc sống thúc đẩy, những công việc mạo hiểm các chiến sỹ đôi khi vẫn phải thực hiện. Chính vì vậy, tình trạng đu, bám xe ô tô vi phạm luật giao thông sẽ vẫn tồn tại, không thể chấm dứt kể cả sau cái chết của chiến sỹ cảnh sát cơ động vừa qua./.

Hà Nội, ngày 22/9/2020

N.V.B