You are here

Những khả năng của sự thay đổi

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong cuộc trò chuyện về thời gian tranh đấu của mình với luật sư Nguyễn Văn Đài, cuối cuộc trò chuyện Anh có hỏi tôi về dự phóng tình hình của đất nước và phong trào dân chủ. Vì thời gian không còn nhiều, nên tôi mới chỉ nêu ra mấy ý kiến vắn tắt về quan điểm của mình. Một cái nhìn về tương lai luôn quan trọng và cần thiết đối với những người hoạt động. Trong những nhận định về tương lai, với bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khả năng về sự thay đổi (thể chế, chế độ) là điều mọi người quan tâm nhất.

     Suy nghĩ về những khả năng thay đổi cần có một cái nhìn tổng quát về những thay đổi chế độ chính trị một số nước gần đây trên thế giới, những thay đổi của các nước cộng sản (XHCN) trước đây và nội tình của Việt Nam. Trên cơ sở như vậy, tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang có 4 khả năng thay đổi trong tương lai gần. Một lưu ý rằng, đã là khả năng thì phải tính tới những khả năng nhỏ nhất, khó xảy ra nhất. Bốn khả năng đó là: Sự vùng dậy bất ngờ của người dân do xảy ra một biến cố nào đó, giống như Tuy-ni-di và Ai-Cập; Sự tự thay đổi từ bên trong, tức là thay đổi từ đảng cộng sản, giống như Mông Cổ trước đây; Phong trào dân chủ đấu tranh đạt được sự nhượng bộ, thỏa hiệp của nhà cầm quyền dẫn tới thay đổi chế độ; Đảng cộng sản xoay trục, tự có những thay đổi nhưng vẫn muốn giữ vị trí lãnh đạo, nhưng do có nhiều sức ép và diễn biến khó lường đã dẫn tới sự thay đổi, gần như một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong bốn khả năng này, tôi nghiêng về khả năng cuối cùng với những phân tích dưới đây.

     Khả năng thay đổi do sự vùng lên đột ngột, bất ngờ của toàn thể nhân dân như Tuy-ni-di, Ai Cập trước đây tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Nhưng sự kiện Tổng biểu tình ngày 10/6/2018 đã làm thay đổi quan điểm của tôi. Điều kiện cho cuộc nổi dậy kiểu này ở Việt Nam chính là việc nhà cầm quyền có thể thực hiện một việc gì đó liên quan tới tình tự dân tộc, tới một điều gì đó thiêng liêng bất khả xâm phạm. Khi đó, người dân sẽ vùng lên bất chấp hậu quả, bất chấp sống chết để phản đối, và từ sự vùng lên, tham gia đông đảo của người dân, sẽ dẫn tới sự sụp đổ tức khắc của chế độ. Tìm hiểu về những việc có thể động chạm tới  điều thiêng liêng, tới lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, chỉ có thể là vấn đề chủ quyền quốc gia, dân tộc. Có thể còn những điều khác nữa mà người viết bài này chưa nghĩ ra được. Tuy nhiên, khả năng này được đưa ra nhưng xác suất không cao bởi nhà cầm quyền đã có kinh nghiệm từ vụ việc 10/6.

     Sự tự thay đổi từ bên trong, từ đảng cộng sản giống như Mông Cổ trước đây. Mông Cổ vào năm 1990 trước những biến cố từ Liên Xô và Đông Âu đã quyết định thay đổi chế độ trong hòa bình. Lưu ý rằng, sự thay đổi này hoàn toàn do đảng Nhân dân Cách mạng (tức là đảng cộng sản) Mông Cổ chủ động thực hiện, với sự thống nhất nhận thức trong đảng. Khả năng tự thay đổi từ bên trong, từ đảng cộng sản ở Việt Nam rất khó xảy ra, nếu không muốn nói là không thể. Nếu như trước đây ở Mông Cổ, ngoài nhận thức tiến bộ của đảng cộng sản Mông Cổ, họ không có nhiều đặc quyền đặc lợi như quan chức, cán bộ trung, cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam bây giờ, không có sự cấu kết và đan xen lợi ích của giới doanh nhân và quan chức của đảng và nhà nước.

     Khả năng thứ ba, phong trào dân chủ có thể tạo ra sức ép dẫn tới những nhượng bộ, thỏa hiệp của nhà cầm quyền. Về lý thuyết, khả năng này lúc nào cũng có thể xảy ra, có thể được thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, tương quan lực lượng giữa phong trào dân chủ với đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam còn khoảng cách quá lớn. Nhưng khả năng này chúng ta không được phép lơi là, bỏ qua. Chỉ cần một sự biến động, một diễn biến nào đó, ví dụ sự chủ động của một hoặc nhiều cường quốc dân chủ muốn hỗ trợ, bảo trợ phong trào dân chủ trong quyết tâm thay đổi chế độ ở Việt Nam, thì phong trào dân chủ sẽ có cơ hội. Khả năng này cao hơn hai khả năng trước đó, nhưng cũng hết sức nhỏ nhoi.

     Khả năng cuối cùng, một sự tự thay đổi, xoay trục nhưng vẫn mong muốn giữ quyền lãnh đạo của đảng cộng sản cuối cùng lại dẫn tới thay đổi toàn diện, thực sự. Đây là khả năng cao nhất, cũng là thực tế nhất, thậm chí là con đường độc đạo để thay đổi ở Việt Nam. Trước hết, việc thay đổi là không thể không thực hiện đối với đảng cộng sản, khi mà sự suy sụp về kinh tế đang ngày càng không thể che dấu, sự cạn kiệt nguồn lực nhưng không có sự bù đắp. Trong khi đó, cuộc chiến Mỹ - Trung vẫn đang ngày càng đi tới chỗ một mất một còn. Không thể đu bám Trung Quốc, bắt buộc phải xay trục sang Mỹ, đồng nghĩa với việc cần phải có những nhượng bộ về chính trị. Vậy thì giải pháp sẽ là nới bớt một số quyền lực, mở rộng một số lĩnh vực cho người dân, nhưng phải tìm cách để giữ được quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, có thể chỉ độc quyền tiếp trong một thời gian. Nhưng chừng đó đã là đủ để phong trào dân chủ cũng như những lực lượng, những dồn nén bao năm qua có không gian và cơ hội để bùng lên và cuốn trôi tất cả. 

Hà Nội, ngày 20/9/2020

N.V.B