Song Chi.
Cái gọi là phiên tòa xét xử “vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức” đã kết thúc vào ngày 14.9.2020, sau 4 ngày xét xử, tranh luận (7-10.9) vô cùng chóng vánh, với các mức án như sau: 2 ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức-con trai cụ Lê Đình Kình bị tử hình, Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Kình bị chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù, Bùi Thị Nối 6 năm tù, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân, Bùi Văn Tiến mỗi người 5 năm tù v.v…
Ngoại trừ một số người được đổi sang tội danh nhẹ hơn nên chỉ bị tù treo và được thả tại tòa, thì những mức án nặng nề, kể cả tử hình, dành cho những người bị quy tội cầm đầu, tổ chức các hành động “giết người, chống người thi hành công vụ” vẫn được tuyên án, bất chấp dư luận.
Từ trước, trong và sau phiên tòa, đã có quá nhiều ý kiến, bài viết của các nhà báo độc lập, bloggers, nhà quan sát thời sự trong ngoài nước, các luật sư tham gia phiên tòa, sự lên tiếng tố cáo của thân nhân những người bị xét xử về những điểm vô lý, được dàn dựng một cách lộ liễu trong bản cáo trạng của tòa, hàng loạt những vi phạm về thủ tục tố tụng, về nhân quyền, trình tự diễn tiến tại phiên tòa…nhằm mục đích diễn cho xong vở tuồng xét xử này, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại nữa.
Mà tại sao phải cố diễn cho xong vở tuồng phiên tòa? Là vì để che đậy cái sai và tội ác nghiêm trọng trước đó của Công an thành phố Hà Nội cùng một số đơn vị thuộc Bộ Công an khi đưa hàng ngàn quân trang bị vũ khí tận răng tấn công vào làng Hoành, giết chết đảng viên Lê Đình Kình, cướp đi toàn bộ bản đồ, hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai khu vực cánh đồng Sênh, chưa kể có khả năng cái chết của 3 người công an là từ những nguyên khác do trận đụng độ này gây nên, chứ người dân Đồng Tâm nói chung và gia đình cụ Lê Đình Kình nói riêng chả liên quan gì đến những cái chết này. Bài viết “Tội ác Đồng Tâm” của Giáo Sư-Viện sĩ Hoàng Xuân Phú (hiện công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong những bài viết công phu, trung thực, đã chỉ ra toàn bộ sự vô lý về cái chết của 3 công an và vụ việc.
Bản chất của đảng và nhà nước cộng sản VN, một lần nữa, lại phơi bày rõ nét qua vụ Đồng Tâm: Đó là không muốn đối thoại với nhân dân mà luôn chọn con đường sử dụng bạo lực để đàn áp. Khi làm sai thì dùng một cái sai lớn hơn để lấp liếm, khi phạm một tội ác thì dùng một tội ác lớn hơn để lấp liếm. Đồng Tâm vì vậy từ một vụ tranh chấp dân sự ban đầu đã thành một vụ án hình sự rồi trở nên có yếu tố chính trị, khi dính líu đến sinh mạng chính trị của những người đứng phía sau.
Và một khi đã dính líu tới quan lộ, sinh mệnh chính trị của những nhân vật có cỡ, thì tính mạng của người dân hay sự thật chả có nghĩa lý gì. Nhà cầm quyền sẽ sử dụng mọi phương tiện có trong tay, từ báo chí truyền thông “định hướng dư luận”, tòa án bỏ túi, đội ngũ công an điều tra viên, giám thị trại giam…đua nhau tra tấn, ép cung, khủng bố và cô lập tinh thần những người bị đưa ra xét xử để có được kết quả theo ý họ.
Nếu nhìn ngắn hạn thì có vẻ như, một lần nữa, nhà cầm quyền lại “thắng” dân khi phiên tòa đã diễn ra theo ý muốn; trước mắt dập tắt được mọi sự phản kháng của người dân Đồng Tâm đồng thời gửi đi tín hiêu răn đe mọi hành vi tương tự trong tương lai, ngăn chặn mọi ý định lên tiếng chỉ trích, can thiệp của quốc tế, nếu có, khi chính những người bị đưa ra xét xử, dưới sự tra tấn tàn bạo và sức ép tinh thần về mọi mặt, đã cúi đầu nhận những tội mà họ không làm, từ đó nhà cầm quyền có cớ để nói rằng nếu họ không có tội sao họ lại nhận tội.
Nhưng về lâu về dài, hệ quả và tác động của phiên tòa về mặt chính trị, xã hội sẽ chứng minh đây không chỉ là một bước đi hết sức sai lầm mà còn là cái thua vô cùng to lớn của nhà cầm quyền. Bởi vì những căn nguyên gốc rễ của vấn đề là Luật đất đai, là một nền tư pháp què quặt trong một chế độ độc tài không được giải quyết, nên những vụ việc tương tự sẽ lại xảy ra. Thứ hai, bạo lực và bất công sẽ chỉ tạo nên căm hờn chất chứa trong lòng dân, cho đến một ngày sự tích tụ đủ lớn để bùng lên thành một cuộc cách mạng lật đổ chế độ.
Nhà cầm quyền dù biết rõ hơn ai hết nguồn cơn gây ra tất cả những vụ khiếu kiện, bạo loạn, dân oan…là từ Luật sở hữu đất đai nhưng họ sẽ không sửa vì đó là cái lợi quá lớn, họ cũng sẽ không cải cách tư pháp vì dù có muốn, họ cũng không làm được, giống như chống tham nhũng vậy, khi chính cái mô hình thể chế độc tài toản trị với vai trò của đàng cộng sản bao trùm cả tư pháp, hành pháp, luật pháp lẫn truyền thông báo chí và hoàn toàn không bị kiểm soát, chia sẻ quyền lực.
Từ phiên tòa chỉ có thể gọi bằng một từ man rợ này, những ai vẫn còn một lòng một dạ tin vào đảng, vào chế độ sẽ nhìn thấy cách mà chế độ đối xử với cụ Lê Đình Kình, một đảng viên hơn 58 năm tuổi đảng, người mà theo lời cụ bà Dư Thị Thành, vợ cụ “Đến cuối đời, chồng tôi vẫn tin vào Đảng”. Và cả dân làng Đồng Tâm cũng một lòng một dạ tin vào đảng, dù năm 2017 xã Đồng Tâm đã từng xảy ra những vụ đụng độ với công an, người dân bị đàn áp, bắt bớ, bản thân cụ Kình thì bị công an lừa ra đồng, đánh gãy xương hông đùi, trở thành người tàn phế không đi lại được như bình thường.
Nhưng đảng lại tiếp tục phản bội, tiếp tục lừa họ. Ngay cả trong những ngày bị tạm giam và hỏi cung, ngay cả khi đã đứng trước phiên tòa, sự mau chóng nhận tội của những người bị đưa ra xét xử phải chăng ngoài việc bị tra tấn, còn là những lời hứa hẹn của đám điều tra viên, giám thị, rằng cứ nhận tội sẽ được hưởng khoan hồng, sẽ nhận được những bản án nhẹ tay hơn?
Đối với chính nông dân, lực lượng nòng cốt làm nên cách mạng vô sản, đối với những người dân một lòng tin vào đảng, vào chế độ mà đảng cộng sản còn đối xử như vậy thì còn ai có thể thoát?
Cũng từ phiên tòa Đồng Tâm, chỉ trừ những ai mũ ni che tai, không quan tâm đến chính trị xã hội, còn nếu đã quan tâm người ta sẽ phải đặt ra câu hỏi: Khi từ tòa án cho tới báo chí truyền thông đều đứng về phía nhà cầm quyền, là công cụ trong tay đảng cầm quyền, thì người dân biết bấu víu vào đâu? Ngày hôm qua là Thái Bình, Văn Giang, Tiên Lãng-Hải Phòng (vụ Đoàn Văn Vươn), vườn rau Lộc Hưng (Quận Tân Bình, TP HCM), Thủ Thiêm…ngày hôm nay là Đồng Tâm, Hà Nội… ngày mai sẽ là bất cứ ai.
Sự cần thiết phải có một thể chế tam quyền phân lập trong đó tư pháp, hành pháp, luật pháp độc lập với nhau, sự cần thiết phải có một nền báo chí độc lập, trung thực, và các tổ chức dân sự…để khi có chuyện gì, người dân còn có nơi để lên tiếng, có được sự hỗ trợ. Nói tóm lại, sự cần thiết phải thay đổi mô hình thể chế chính trị. Chính nhà cầm quyền đã tự lột mặt nạ mình và đẩy những người dân ít học, hiền lành, trung kiên nhất với đảng cũng phải nhận ra điều đó. Và một khi người dân đã nhìn ra, thì cũng là cái kết cục của chế độ.
Một chế độ sinh ra từ bạo lực và không chính danh-nhờ cướp chính quyền mà nên; suốt bao nhiêu năm chỉ dùng bạo lực và sự dối trá để giữ quyền lực, chế độ đó đồng thời cũng đã tự chọn cho mình một sự kết thúc trong bạo lực bởi sự phẫn nộ của nhân dân. Không còn cách nào khác.
Bài bình luận gần đây