Trong mấy tuần qua ngoài việc virus Vũ Hán vẫn đang gây ảnh hưởng đến sự thay đổi toàn diện trên toàn cầu thì có một vài sự kiện chính trị khác xảy ra. Đó là cuộc biểu tình chống chính phủ ở Belarus và cuộc biểu tình ở Bangkok đòi dân chủ tự do. Tuy những sự kiện này trông có vẻ rời rạc, nhưng lại là những biểu hiện của sự thay đổi to lớn trên trường quốc tế, và phần nào có ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ hoá Việt Nam.
Ở Belarus, do chính phủ của ông Lukashenko cầm quyền đã quá lâu, những 26 năm kể từ sau khi nước này tách ra khỏi liên bang Xô Viết, đã gây nên tình trạng bất bình trong xã hội. Sự phụ thuộc chặt chẽ về mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và quân sự vào Moscow của chính thể Lukashenko tuy có tạo được sự ổn định xã hội nhất định cho Belarus ở giai đoạn ban đầu, nhưng lại là nguyên nhân gây ra sự kìm hãm và trì trệ trong xã hội. Đó chính là lý do khiến tại sao Belarus lại được coi là quốc gia độc tài, kém phát triển nhất châu Âu.
Liên minh châu Âu cũng như Mỹ tuy có những tuyên bố hay chính sách để phản đối đường lối cai trị này của Belarus, nhưng vẫn có sự hợp tác giao lưu về mặt kinh tế, văn hoá. Trong dòng chảy của sự "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" đó, những tiến bộ xã hội từ bên ngoài đã âm thầm tác động vào xã hội Belarus, khiến tâm trí của người Belarus thay đổi, và khi đạt được số đông có chung mong muốn thay đổi thể chế chính trị thì họ đã cùng nhau xuống đường mạnh mẽ như hiện nay.
Ở Thái Lan, với đặc điểm là một quốc gia quân chủ, hiện do phe quân đội cầm quyền, người dân nước này từ lâu đã có mong muốn đòi hỏi cải cách chính trị. Từ những năm 2006-2008, một mặt trận gọi là Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD - National United Front of Democracy Against Dictatorship) được hình thành, có mối liên kết chặt chẽ với đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai - từng là một chính đảng cầm quyền lớn ở Thái Lan do cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sáng lập năm 1998).
Mặt trận dân chủ chống độc tài kêu gọi thay thế tầng lớp chính trị mà họ gọi bằng chính trị quý tộc, gồm những người xuất thân từ hoàng gia, quân đội và tầng lớp quan liêu. Phong trào cho rằng tầng lớp chính trị này không quan tâm tới những người bình dân và nền dân chủ bỏ phiếu. Vì những thành viên của phong trào này thường mặc đồ màu đỏ khi hoạt động, nên Mặt trận dân chủ chống độc tài còn được gọi là "Phe áo đỏ". Thành viên của Mặt trận dân chủ chống độc tài phần lớn là người lao động nghèo từ nông thôn. Họ thường chống lại "Phe áo vàng", là những người ủng hộ Hoàng gia và quân đội Thái Lan.
Mặt trận dân chủ chống độc tài cùng với những phong trào khác đã tạo ra những đột biến chính trị quan trọng trên đất nước Thái Lan, thay đổi tâm thức của người Thái, tạo cho phong trào đòi dân chủ ở Thái gần đây tưởng chừng như đã bị đè bẹp bởi chính quyền quân sự và hoàng gia Thái Lan quay trở lại, với một sức sống đáng kinh ngạc.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, một người Việt Nam trẻ tuổi sống ở Thái, làm việc cho tổ chức Amnesty International, ngày 20/8/2020 cho biết: "một trong những bước ngoặt của phong trào dân chủ ở đây đó là sự ra đời của bản nhạc rap có tên Rap Against Dictatorship (Rap Chống Độc tài) vào tháng 10 năm 2018"
"Trong bản rap này, các rappers nổi tiếng Thái Lan thay nhau vạch ra những điều thối nát của chính quyền quân sự, từ tham nhũng, lạm quyền, độc đoán, bất công, đến sự yếu kém trong việc quản trị quốc gia. Dân số Thái Lan là 70 triệu người và bây giờ bản rap này có gần 90 triệu lượt nghe".
"Dechathorn Bamrungmuang là một trong số rapper hát bài này. Anh bị cảnh sát bắt hôm nay vì đã biểu diễn bài Rap Against Dictatorship trong nhiều cuộc biểu tình gần đây".
Một đoạn rap có nội dung:
<<<...Đất nước kiểu đéo gì mà chính phủ thì không ai dám động tới, cảnh sát thì dùng luật để dọa người dân, và dù mày có thức tỉnh thì cũng vẫn phải giả vờ ngủ, kể cả mày muốn chết thì nó vẫn bắt mày phải sống.
Đất nước đéo gì mà không ai chịu đọc, đặc biệt là lãnh đạo. Đất nước đéo gì mà nếu mày không im miệng thì sẽ phải ngồi tù. Đất nước đéo gì mà bọn giàu có tham nhũng không bị làm sao...>>>
Sao mà nó giống Việt Nam đến thế!
Dù khác nhau về địa lý và lịch sử, nhưng hai cuộc biểu tình tại Thái Lan và Belarus đều có chung một mục đích là đòi hỏi cho người dân những quyền của con người, quyền tham gia chính trị và quyền tự do ngôn luận. Ở Việt Nam giới cầm quyền cũng đang theo dõi rất sát diễn biến này. Tuy vậy, như trước đây, như cuộc biểu tình ở Hong kong mới đây, tôi e rằng công cụ tuyên truyền của nhà nước sẽ tiếp tục bóp méo thông tin, đánh đồng những đòi hỏi dân chủ hết sức khách quan này với khái niệm Chủ nghĩa dân tuý.
Theo như quan niệm chung hiện nay, chủ nghĩa dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, lừa gạt, nhằm lôi kéo tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhân dân... Đặc điểm chung của các lực lượng dân túy là luôn luôn tạo ảo tưởng rằng: có một giải pháp giản đơn cho những vấn đề phức tạp.
Trong năm 2019, có hàng loạt bài báo, nghiên cứu khoa học và hội thảo chuyên ngành được giới lý luận của đảng tổ chức để phê phán và chỉ ra nguy cơ của vấn đề dân tuý đang tác động đến ổn định chính trị Việt Nam. Tuy tìm cách lý luận để đánh đồng các đòi hỏi dân chủ với chủ nghĩa dân tuý, nhưng các nhà lý luận đã lộ ra mối e ngại của họ ngay với những người đồng chí của mình. Nó cho thấy các dòng chảy tư tưởng ngoài Mác xít đang thực sự tác động to lớn đến đường lối lãnh đạo của giới cầm quyền Việt Nam. Nó đồng thời cũng phơi bày ra cho công luận những thủ đoạn mà giới cầm quyền vẫn dùng trong quá khứ.
Ai đã từng kêu gọi trí thức tham gia cứu quốc rồi lại đàn áp họ trong phong trào Nhân văn Giai phẩm?
Ai đã từng lên án các phong tục văn hoá cổ truyền của dân tộc là hủ tục, rồi bây giờ lại lập đàn để kêu cầu, cúng kiến triền miên?
Ai đã từng kêu gọi đốt cháy Trường Sơn để đánh đuổi đế quốc Mỹ, rồi lại hợp tác toàn diện với Mỹ?
Ai đã từng bảo đến năm 2010 đường sắt Việt Nam hơn Nhật Bản?
Có quá nhiều ví dụ để cho thấy các thủ đoạn chính trị mị dân, hay còn gọi là chủ nghĩa dân tuý này đã được giới cầm quyền sử dụng một cách thành thục từ xưa để giành lấy quyền lực cai trị đất nước tuyệt đối. Nhưng khi một lực lượng xã hội khác hay một nhà hoạt động xã hội nào khác manh nha nổi lên, được lòng quần chúng, đe doạ quyền lực tuyệt đối của họ, thì họ sẵn sàng đem chính công cụ của mình ra phê phán. Đó là một sự lươn lẹo thừa tính đảng, nhưng thiếu chất xám!
Mấy thông tin nêu trên, có chuyện đã cũ, có chuyện còn mới, là do tôi tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau để gửi tới bạn đọc. Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất với những ai đang đòi hỏi sự thay đổi trên đất nước này là vấn đề nhận thức. Tự do phải đi kèm với nhận thức. Thiếu nhận thức, con người sẽ đưa ra những lựa chọn lầm lạc, và khi đó tự do sẽ mang đến khả năng hành động lầm lạc vô giới hạn.
Yêu thương tất cả!
Bài bình luận gần đây