You are here

Tại sao những mong muốn của phương Tây khi để Trung Quốc hội nhập không trở thành hiện thực?

Ảnh của nguyenvubinh

     Ngày 11/12/2001, Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi đó, Trung Quốc vẫn đang là nhà nước độc tài toàn trị cộng sản nhưng các quốc gia dân chủ phương Tây vẫn đồng ý để Trung Quốc tham gia vào tổ chức thương mại lớn nhất thế giới. Không chỉ có WTO, Trung Quốc còn tham gia vào tất cả các tổ chức kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội của thế giới và khu vực. Tóm lại, đó là sự hội nhập hoàn toàn của một nhà nước cộng sản vào hệ thống các tổ chức liên quốc gia của các nước dân chủ trên thế giới.

     Trong nhận thức và chủ trương chung của các quốc gia phương Tây khi đồng ý để Trung Quốc tham gia đầy đủ vào các định chế chung của thế giới khi đó, là sự đồng thuận về nhận định và mong muốn sau khi Trung Quốc tham gia vào các tổ chức này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển, và Trung Quốc sẽ dần dần chuyển hóa thành một quốc gia dân chủ. Có hai cơ sở cho nhận định này của các quốc gia phương Tây. Đó là, việc nền kinh tế Trung Quốc phát triển sẽ dần hình thành tầng lớp trung lưu, tầng lớp này sau khi đảm bảo được cuộc sống vật chất sẽ có nhu cầu tự nhiên đòi hỏi các quyền con người, quyền tự do cơ bản và quyền công dân. Khi có những nhu cầu đó, họ sẽ liên kết và tập hợp nhau lại đưa ra các yêu sách đối với nhà cầm quyền. Các quốc gia phương Tây khi đó sẽ hậu thuẫn cho những đòi hỏi chính đáng này. Mặt khác, việc giao lưu, làm ăn với các quốc gia phương Tây sẽ giúp người dân Trung Quốc học hỏi được những ưu trội trên các lĩnh vực xuất phát từ sự tự do của cá nhân và dân chủ trong các xã hội phương Tây. Từ đó, người dân Trung Quốc sẽ có động lực tìm kiếm và đòi hỏi tự do cho bản thân, và dân chủ cho xã hội. Nói chung, đó là những mong muốn tốt đẹp của các quốc gia dân chủ đối với người dân và đất nước Trung Quốc. Tuy nhiên, những mong muốn này đã không xảy ra, chưa nói tới việc Trung Quốc sau này phát triển còn gây ra muôn vàn khó khăn, hệ lụy cho các nước phương Tây và toàn thế giới.

     Việc thúc đẩy động lực đòi hỏi tự do, dân chủ cho người dân Trung Quốc thông qua giao lưu, làm ăn với các quốc gia phương Tây là yếu tố định tính, khó xác định và cũng là yếu tố thứ yếu. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cuối cùng cũng được hình thành, nếu thống kê số lượng hộ, người dân theo mức thu nhập bình quân đầu người. Nhưng tại sao tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã có mà tiến trình dân chủ hóa ở Trung Quốc không hề có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí các tiêu chí đánh giá về tự do, dân chủ của Trung Quốc ngày càng thụt lùi?

     Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng xã hội Trung Quốc không hề được cởi mở hơn sau khi hội nhập, nhưng có một nguyên nhân quan trọng nhất, quyết định tới vấn đề này. Đó là, Trung Quốc tuy mở cửa, hội nhập nhưng không thay đổi cấu trúc toàn trị của xã hội mà trước đó đảng cộng sản đã tạo ra và vận hành từ thời bao cấp. Có nghĩa là Trung Quốc giữ lại toàn bộ hai hệ thống đảng và nhà nước song trùng, giữ lại toàn bộ các tổ chức ngoại vi, đoàn thể do đảng cộng sản chi phối. Nhưng quan trọng hơn cả, Trung Quốc giữ lại toàn bộ hệ thống và mạng lưới công an, an ninh, mật vụ, tai mắt nhân dân đã từng tồn tại trước khi hội nhập. Với toàn bộ hệ thống toàn trị được giữ lại và vận hành, guồng máy khủng khiếp nhất của chế độ cộng sản, Trung Quốc đã dễ dàng vô hiệu hóa tất cả những tiếng nói phê phán, phản biện và đối lập cất lên. Đồng thời cũng vô hiệu hóa hoàn toàn những manh nha kết hợp của những người đấu tranh, có thể là đại diện cho tầng lớp trung lưu mới được hình thành. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tất cả những mong muốn của người dân Trung Quốc và các quốc gia phương Tây đã không trở thành hiện thực.

     Nếu là một chế độ độc tài cá nhân, hoặc độc tài quân sự… việc nền kinh tế xuất hiện tầng lớp trung lưu chính là hi vọng dân chủ hóa đất nước. Các chế độ độc tài không phải toàn trị cộng sản, đều không có một hệ thống và một guồng máy khủng khiếp vận hành tự động ở tất cả các địa phương, các bộ ngành và mọi ngõ ngách cuộc sống. Chế độ toàn trị cộng sản khác tất cả các chế độ độc tài trước đó ở phương diện này, và đó là thách đố cho tất cả những cá nhân và tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở các nước cộng sản nói chung và Trung Quốc nói riêng.

     Tuy nhiên, Trung Quốc phát triển vượt ngoài sức tưởng tượng nhưng vẫn mắc vào một khuyết tật cố hữu, đó là căn tính bành trướng. Căn tính này cùng với phương thức, thủ đoạn làm ăn bất chính, bất minh, độc ác đã gây họa cho thế giới và làm cả thế giới cảnh giác, đề phòng. Sau khi tung tiền mua chuộc, cài bẫy các nước nghèo, tấn công các nước giàu trong khi nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, Trung Quốc đang mắc kẹt khi hầu như toàn bộ các quốc gia dân chủ phương Tây cô lập và bao vây sau đại dịch Covid-19. Có vẻ như chế độ toàn trị cộng sản nói chung, và Trung Quốc nói riêng đã đi hết chu kỳ tồn tại giống như Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó sẽ là hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc và toàn thể nhân loại, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra những biến cố, đảo lộn và tổn thất lớn cho nhân loại trước khi kết thúc các chế độ cộng sản, quái thai của lịch sử./.

Hà Nội, ngày 14/8/2020

N.V.B