You are here

CƠ HỘI TÁI SINH

Ảnh của nguyenlanthang

Hôm nay, có một người Việt Nam đầu tiên được tuyên bố là đã chết do Covid 19. Tôi không chắc là truyền thông nhà nước từ trước đến nay có tìm cách giấu dịch hay không. Không ai biết được đây có phải là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bị chết do dịch hay không. Nhưng chắc chắn sự kiện này sẽ đánh dấu một bước mới trong quá trình thay đổi hiện nay ở Việt Nam.

Bệnh tật thì không trừ một ai. Đã lan ra cộng đồng thì dù là đảng viên hay dân thường, dù là nhà giàu hay ăn mày đều có nguy cơ dính bệnh và chết như chơi. Và một điều nữa là, nếu có một người chết vì dịch hôm nay thì ngày mai sẽ có thêm nhiều người khác nữa. Cái chết luôn là yếu tố mạnh nhất, thúc đẩy con người hành động khác đi, không tuân theo mệnh lệnh hay thói quen mà họ vốn luôn chấp hành. Sẽ có rất nhiều khủng hoảng lớn sắp xảy ra, trên mọi mặt, kể cả về mặt kinh tế, xã hội hay chính trị. Trong các mặt đó, tôi quan tâm nhất đến chính trị, vì đây tuy là yếu tố có vẻ xa xôi nhất, nhưng lại có tác động mạnh nhất, và bao trùm lên mọi yếu tố khác, lên từng miếng cơm manh áo và mạng sống của người dân.

Việt Nam sắp thay đổi thể chế chính trị hay chưa? Thể chế ấy có tiến bộ không? Có đáng được ủng hộ không? Có sự đồng thuận xã hội trong tiến trình mới hay không? Đó là những vấn đề cần phải bàn luận và nhìn nhận rõ ràng, không thể né tránh.

Nếu tôi giả sử ngay bây giờ nổ ra một cuộc cách mạng, nhà nước cộng sản bị lật đổ, liệu người Việt Nam sẽ có được một chính quyền mới, một khế ước xã hội mới, tốt đẹp như mọi người đang mong ước hay không?

Câu hỏi này thực ra cũng hàm chứa một mâu thuẫn nội tại không dễ gì giải quyết được. Ấy là vấn đề mong ước. Mỗi con người chúng ta sinh ra có những hoàn cảnh riêng, khác nhau về tiền bạc, địa vị, học thức, tôn giáo... Điều kiện khách quan đó vốn làm cho tất cả chúng ta có những nhận thức riêng, mong muốn riêng, ước vọng riêng về cuộc đời này.

Tôi tiếp tục giả định như chúng ta, hơn 90 triệu người dân có thể tạm đồng ý với nhau trong một bản hiến pháp mới. Nhưng liệu khế ước xã hội ấy có thể thực sự công bằng, đáp ứng mong muốn và quyền lợi của thiểu số nhỏ nhất trong xã hội hay không, có thể duy trì giá trị của nó vượt thời gian đến các thế hệ sau hay không? Đó là một vấn đề rất phức tạp, mà ngay cả những mô hình nhà nước hùng mạnh, giàu có, văn minh nhất trên hành tinh này vẫn phải bận tâm đi giải quyết.

Xin hãy thử lấy ví dụ về nước Mỹ. Nước Mỹ hiện nay có khoảng 330 triệu dân. Nhưng kể từ thời lập quốc, cho đến nay thế hệ những người mới sinh ra trên đất Mỹ hầu hết đều chưa được hỏi có đồng ý với hiến pháp của nước Mỹ hay không. Có chăng chỉ là một số rất ít những người phục vụ cho bộ máy chính quyền Mỹ và người nhập cư là phải học và tuyên thệ trung thành với hiến pháp. Bạn ngạc nhiên chưa?

Chưa hết, hãy nghĩ đến điều này nhé. Bạn có thể yêu quý và tôn trọng cha mẹ mình, nhưng liệu bạn có đồng ý 100% với những quyết định của họ không? Bạn đã từng được hỏi ý kiến về những điều mà thế hệ ông bà của bạn đã tuyên thệ hay chưa?

Đó là rắc rối lớn mà mọi quốc gia, mọi lãnh thổ, mọi dân tộc... đều gặp phải trên khắp thế giới này. Đó cũng chính là nguyên cớ mà ta đang nhìn thấy cuộc khủng hoảng BLM lan rộng trên đất Mỹ. Đó cũng chính là lý do mà kể cả tổng thống Pháp hay Đức đang phải đau đầu giải quyết những vấn đề tại quốc gia giàu có mà họ đang cầm quyền. Và đó cũng chính là nguyên nhân tại sao Việt Nam từ trước đến nay có rất nhiều người đi tù chỉ vì bất đồng quan điểm với nhà nước.

Quan điểm của bạn thế nào về việc chia đều phúc lợi xã hội cho từng cá nhân, hay tạo ra sự công bằng ở điểm xuất phát? Di sản chế độ cũ, việc dùng súng, vấn đề dân tộc, vùng miền, ngôn ngữ, văn hoá, mại dâm, LGBT (người đồng tính), tôn giáo, người nhập cư, thịt chó... còn có vô số vấn đề nữa cần phải lựa chọn, bàn bạc trước khi có thể đạt được một khế ước xã hội mới.

Tuân theo giá trị truyền thống hay đấu tranh để phá bỏ nó? Điều gì nên làm? Tôi vốn từng bị dư luận viên chửi nát mặt về vấn đề này mỗi khi buông lời phê phán chế độ. Chửi nhiều đến nỗi lý luận đó như trở thành một bài văn mẫu, các bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết như thế nếu lấy cái tên tôi mà tìm kiếm trên internet.

Tuy vậy tôi vẫn cố nhẫn nhịn vì luôn biết có một điều rằng: Con người dễ thống nhất và bỏ qua khác biệt của nhau để hành động khi có một kẻ thù chung, một nguy cơ chung đe doạ xâm phạm đến những tầng thấp nhất trong tháp nhu cầu của Maslow, nhất là nhu cầu được an toàn. Chính vì thế đến giờ này, nguy cơ bệnh dịch, khủng hoảng kinh tế và chuyển đổi mô hình xã hội đã bắt buộc chúng ta, dù có là đảng viên hay dư luận viên, thì cũng phải lựa chọn những thứ mới mà mà tôi vừa nói ở trên. Và trong số đó chắc chắn sẽ không còn những điều cũ nữa.

Cho đến thời khắc này, chưa ai hình dung được khế ước xã hội mới mà chúng ta sẽ cùng cam kết với nhau có hình hài như thế nào. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một bản hiến pháp loại bỏ sự độc tài, độc tôn về mặt chính trị của bất cứ nhóm người nào. Để rồi đất nước này lại có cơ hội được tái sinh, như hình ảnh đám mây rất đẹp mà nhiều người vừa thấy chiều qua ở miền Nam. Đó là điều tôi mong ước và tin tưởng nhất.

Yêu thương tất cả!