Tôi thường hay ngồi uống cafe ở một quán nhỏ gần nhà. Ở đối diện của quán ấy có một hàng sửa giày dép rất tạm bợ. Thường thì khách vào đó là những người về hưu, người có thu nhập thấp. Nhưng dạo này tôi thấy có nhiều người trẻ hơn, trang phục đẹp hơn, xe cộ xịn hơn cũng bắt đầu vào đây sửa giày dép. Người nghèo thì vật lộn với miếng ăn hàng ngày. Người giàu thì mang những đôi giày cũ đi sửa... Đó chẳng phải là những biểu hiện rất nhỏ, nhưng phản ánh rất trung thực về những điều lớn lao đã từ từ xảy ra quanh ta hay sao?
Từ đầu năm đến nay cả xã hội gần như kiệt sức trước tình hình tồi tệ của đại dịch cúm Tàu. Dù mọi người vẫn có sự cảnh giác và chuẩn bị trước về mặt tinh thần, vật chất... nhưng đối mặt với tình hình thực tế là cơn lây nhiễm đã quay trở lại lần hai, ai cũng vô cùng mệt mỏi và lo lắng trước những thông tin xấu sầm sập lan đến từng nhà.
Trong cơn hoảng loạn của cả thế giới này, nói ra điều gì tích cực cũng là điều rất khó khăn, khi mà bản chất con người dần bộc lộ ra một cách loã lồ, đến tận tầng sâu nhất của tháp nhu cầu Maslow. Đối diện với cơn đói, cái chết, người ta sẵn sàng tranh cướp nhau từ cái máy thở... đến từng thùng mì tôm, cái khẩu trang, cuộn giấy vệ sinh. Chuyện này không chỉ diễn ra ở Việt Nam đâu mà nó đang xảy ra trên toàn thế giới. Cứ nhìn những cuộc bạo loạn, cướp bóc đang xảy ra ở những nước phát triển mới thấy chuyện vài vụ tự tử chết cả nhà, vài vụ cướp bóc ngân hàng, cướp xe ôm ở Việt Nam là chỉ dấu cho thấy một tương lai đầy bất trắc trên dải đất hình chữ S này.
Vậy thì đâu là chuyện tích cực trong đại dịch này mà chúng ta có thể nghĩ đến? Theo tôi có vài vấn đề.
Thứ nhất, chưa bao giờ con người trở nên ý thức mạnh mẽ hơn về sinh mạng, về chất lượng môi trường sống, về năng lực điều hành của chính phủ quốc gia mình đang sinh sống. Mọi tập hợp người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi mỗi cá nhân tự nhận thức được vai trò của mình trong cộng đồng, chứ không phụ thuộc vào việc ai là người lãnh đạo. Người nô lệ vốn chỉ quan tâm đến miếng ăn và ngọn roi, chứ không để tâm đến sự an nguy của trang trại. Còn người công dân thì sẽ đòi hỏi sự mạnh mẽ và sáng suốt của những người đại diện cho họ trong việc điều hành xã hội. Chính đại dịch khủng khiếp lần này lại là tiếng sấm rền vang, thức tỉnh tinh thần công dân của mỗi con người, trên mọi quốc gia.
Thứ hai là, những người cầm quyền trong cơn nguy khốn đang nhận được những bài học của họ. Chưa bao giờ việc làm lãnh đạo quốc gia lại khổ sở và khó khăn như bây giờ. Giá như đất nước không chỉ dừng lại ở việc mở cửa kinh tế. Giá như các lãnh đạo nhìn rõ ai là bạn, ai là thù. Giá như hệ thống pháp luật kiểm soát được tham nhũng. Giá như đất nước ít tượng đài hơn... Tôi chắc rằng trong đầu các vị lãnh đạo đang có rất nhiều câu tự vấn "giá như" trong bối cảnh khó khăn, bởi nếu những câu tự vấn ấy được giải quyết thì đất nước đã mạnh hơn, nhiều nguồn lực hơn để đối phó với thảm hoạ kinh hoàng này. Đây là cơ hội để họ chọn việc thay đổi hay là chết.
Thứ ba là, dù Việt Nam không phải là một quốc gia có đủ nguồn lực để sáng tạo nên những loại vaccine chống Covid 19, nhưng nhất định ở một nơi nào đó văn minh trên thế giới họ sẽ tìm ra. Thế giới hiện đại là một thế giới phẳng, nơi con người không phân biệt màu da vẫn đi đến mọi nơi để làm việc, học hành, giải trí, du lịch... Sẽ không có chuyện đất nước chúng ta bị bỏ mặc để trở thành một hố đen tăm tối, mà nhất định sẽ có quốc tế can thiệp. Đó sẽ là cơ hội vàng, để các nước tiến bộ tác động, giúp đỡ và dẫn dắt các nước lạc hậu đi dần về phía văn minh của loài người.
Cuộc sống là một trải nghiệm mà ai cũng chỉ có một cơ hội. Giàu hay nghèo. Đen hay trắng. Có những thứ khi sinh ra bạn đã không thể lựa chọn. Nhưng cái mà bạn có thể chọn là cách bạn sống, cách bạn đấu tranh và di sản mà bạn để lại trên cuộc đời này. Kể cả ngay bây giờ, nếu bạn chẳng có tài sản gì đáng giá trong tay, xin hãy nhớ rằng bố mẹ của rất nhiều thiên tài trên thế giới này là những người nghèo khó, tầm thường, vô danh. Nhưng họ đã vượt qua những nghịch cảnh kinh hoàng của cuộc sống như chiến tranh, bệnh dịch... để rồi nuôi dưỡng và sản sinh ra những thế hệ tuyệt vời hơn.
Xin hãy bình tâm mà chiến đấu trước khó khăn này. Hãy sống từng ngày như ai cũng chỉ còn có một ngày để sống. Không được để gia đình mình đói khát bệnh tật. Cúi mình xuống mà làm việc, nhưng không bán rẻ lương tâm. Và tin rằng mọi thử thách mà cuộc đời mang đến cho ta chỉ là cơ hội để chúng ta có thể trở thành những người tuyệt vời hơn, mạnh mẽ hơn.
Việt Nam rồi sẽ ổn thôi!
Yêu thương tất cả./.
Bài bình luận gần đây