Hình: Quán pizza ở Hà Nội bị phong tỏa do có người nhiễm Covid-19 (Nguồn: Internet)
Hà Nội, tối 27/7, tôi nhận được tin nhắn của người quản lý thông báo rằng từ hôm sau sẽ phải đeo khẩu trang khi đến làm việc tại công ty khách hàng, nơi tôi làm việc như một nhân viên outsource.
Nơi này đã nắm bắt nhanh tình tình mới, và ngay cả khi chưa có ca nghi nhiễm nào được biết trên báo chí (cho đến sáng 29/7), nó đã tái khởi động các biện pháp vệ sinh cho những người làm việc tại đây.
Đo thân nhiệt bằng máy đo tự động ngay tại lối vào, giám sát việc đeo khẩu trang định kỳ tại các phòng làm việc (bởi các nhân viên an ninh) là hai trong số các biện pháp đó.
Trong đợt giãn cách xã hội trước, một số biện pháp khác đã được áp dụng, như gel sát khuẩn được đặt trong thang máy, chỗ ngồi trở thành chỗ ăn trưa thay thế nơi tập trung là pantry.
Không trễ hơn là mấy, ngày 28/7, công ty của tôi (công ty mà tôi ký hợp đồng lao đồng), đã thông báo cho toàn thể nhân viên về việc đeo khẩu trang tại văn phòng cùng một số khuyến nghị khác, như sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, v.v.
Cùng với đó, công ty của tôi cũng tạm dời lịch khám sức khỏe vào cuối tháng này và đầu tháng sau cho nhân viên, cho đến khi tình hình dịch bệnh khả quan.
Hẳn là nhiều công sở khác tại Hà Nội cũng đã và đang bật lại chế độ phòng, chống dịch sau hơn 100 ngày thành phố này không có ca lây nhiễm cộng đồng.
Ngoài công sở, người ta có thể quan sát thấy chế độ phòng chống dịch bệnh cũng đã được bật lại ở nhiều nơi chốn khác, như xe bus, siêu thị, hay nhìn chung là những nơi đông người.
Nhân viên phục vụ xe bus nhắc hành khách đeo khẩu trang khi mới lên xe. Bảo vệ siêu thị cũng nhắc khách hàng đeo khẩu trang, đồng thời tiến hành đo thân nhiệt của họ trước khi họ vào cửa...
Sự tái khởi động này, như tôi thấy, mau chóng hơn so với hồi của những đợt bùng phát đầu tiên. Giờ đây, khi làn sóng Covid-19 thứ hai tràn qua, người dân đã quen và không còn bối rối...
Quanh tôi, các đồng nghiệp hầu như ngay lập tức thích nghi với tình hình mới. Vài nhóm đã hủy kế hoạch tụ tập. Một người quản lý của công ty khách hàng đã nghỉ làm hôm nay để tiến hành xét nghiệm Covid-19 sau một chuyến du lịch gần đây.
Có lẽ có ít quốc gia nào mà ở đó, thái độ đối với dịch bệnh của người dân lại đồng nhất với nhau ở mức cao như vậy, theo hướng cùng nhận biết mối nguy hiểm của dịch bệnh, cùng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, và cùng hướng tới đẩy lùi nó.
Với thái độ đó nơi người dân, tình hình dịch bệnh đã trở nên mối bận tâm của hầu như tất cả mọi người, len lỏi vào ngóc ngách của hầu như mọi nơi chốn, và vào vô số câu chuyện mà người dân bàn tán và trao đổi với nhau.
Những biểu hiện nêu trên không đơn thuần là hệ quả của những mệnh lệnh hành chính của chính quyền, hay của nỗi sợ bệnh tật và cái chết (như ý kiến của một số người) mà còn có căn nguyên sâu hơn.
Ý thức cộng đồng, nếu có thể gọi yếu tố đằng sau những biểu hiện trên đây là như vậy, chính là một trong những yếu tố khiến cho việc phòng chống Covid-19 tại Việt Nam thành công.
Đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh khác nhằm phòng chống dịch không phải là những việc dễ chịu. Ngược lại, chúng là những việc gây khó chịu nhẹ.
Điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày, bớt giao tiếp, bớt gặp gỡ, bớt tiệc tùng, bớt hưởng thụ, v.v là những việc gây khó chịu lớn hơn.
Tuân thủ giãn cách xã hội trong nhiều tuần để ở nhà, làm việc từ xa, và đối mặt với khó khăn về kinh tế là những việc gây khó chịu lớn hơn nữa, thậm chí, là những thách thức.
Dẫu vậy, ý thức rằng đó là những việc cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng đã khiến người dân Hà Nội nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 một cách nghiêm túc và ổn thỏa.
Chưa kể, sự giúp đỡ, tương trợ về vật chất lẫn tinh thần của người dân với nhau, và đặc biệt là với những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đã làm giảm thiệt hại mà dịch bệnh gây ra.
Bởi thế, trước làn sóng Covid-19 thứ hai – khởi phát từ Đà Nẵng và đã lan ra một số tỉnh thành, trong đó có Hà Nội – có thể tin tưởng rằng ý thức cộng đồng này sẽ được duy trì, và xa hơn là được phát huy, để Việt Nam có thể vượt qua thách thức của dịch bệnh một lần nữa.
Bài bình luận gần đây