You are here

Giải thích hiện tượng trả lại vốn đầu tư công

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian gần đây, báo chí đã đưa thông tin, bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)  xin trả lại 1.800 tỷ đồng vốn đầu tư công. Cụ thể, trong văn bản của Bộ NN-PTNT gửi Bộ Tài chính mới đây, tổng vốn kế hoạch năm 2020 của bộ này được Thủ tướng giao là 3.600 tỉ đồng thực hiện 25 dự án ODA. Ngay sau có quyết định giao vốn của Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đã phân bổ vốn để thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, căn cứ vào hiệp định vay, thỏa ước với các nhà tài trợ, kế hoạch vốn vay 2020 có thể giải ngân đến ngày 31-1-2021 của 25 dự án trên chỉ khoảng 1.830 tỉ đồng. Số vốn kế hoạch vốn vay nước ngoài thừa, không sử dụng là hơn 1.800 tỉ đồng. Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỉ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân. Kiến nghị này của Bộ NN-PTNT đang được cấp có thẩm quyền xem xét.

     Không chỉ có bộ NN-PTNT có tỷ lệ giải ngân chậm, mà có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Báo cáo của Bộ tài Chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, với tỉ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0%, có các cơ quan gồm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước... Bên cạnh đó, các bộ như Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thanh toán được 74,8 tỉ đồng trong tổng số 1.108 tỉ đồng được giao, chiếm 6,75%, Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%...

     Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công thấp hiện nay là do phân bổ vốn chậm, dù hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch cho năm 2020. Bên cạnh đó, vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ các dự án. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thủ tục phê duyệt đấu thầu còn kéo dài, tốn nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục. (Báo Người Lao động online ngày 21/7/2020).

     Như vậy, tình trạng giải ngân của các bộ ngành và địa phương là hiện tượng lạ, bất thường. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, cần nhiều vốn để xây dựng hạ tầng cũng như nâng cấp các công trình trong giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, vv… nhưng lại xảy ra tình trạng không tiêu hết tiền đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, cần tìm hiểu xem đâu là những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng bất thường này.

     Đầu tiên có thể kể tới chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy rằng việc chống tham nhũng không giải quyết được tận gốc rễ nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng, cũng như vấn đề bè phái trong chống tham nhũng, thì công cuộc chống tham nhũng vừa qua cũng đã dằn mặt và làm các quan chức từ trung ương xuống địa phương phải chùn tay, thận trọng. Một hệ quả tiếp theo, các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, các tiêu chuẩn về hiệu quả cũng được đánh giá chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, cũng phải tới vụ việc tham nhũng trong đầu tư thiết bị chống đại dịch Covid-19 của các sở y tế, các cơ quan phòng chống dịch các tỉnh (CDC), và các bệnh viện bị phanh phui thì các quan tham của Việt Nam mới bắt đầu thực sự lo lắng và rúng động. Tiếp theo là các vụ tham nhũng vặt từ việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tràn lan ở các tỉnh cũng bị báo chí và truyền thông điểm mặt, chỉ tên. Mặc dù cơ chế phòng chống tham nhũng chưa hoạt động hiểu quả, nhưng báo chí và mạng xã hội vào cuộc cũng đã làm nhiều kẻ không còn tham nhũng trắng trợn và tàn bạo như trước đây.

     Một nguyên nhân trực tiếp hơn, đó là thời gian gần kỳ đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các cuộc đấu đá, sát phạt giữa các quan chức lãnh đạo đảng và chính quyền các bộ ngành và địa phương rất khốc liệt. Việc cài người, tìm sơ hở của đối thủ, thậm chí giăng bẫy nhau giữa các đồng chí cũng làm cho tình trạng tham nhũng giai đoạn này chùng xuống, giảm bớt ở các lĩnh vực đầu tư và đầu tư công. Tất nhiên, việc mua quan, bán tước thì ngược lại, nở rộ.

     Với những nguyên nhân khách quan, và hai nguyên nhân chủ quan kể trên, vấn đề đầu tư công sẽ không còn là lĩnh vực hấp dẫn các quan chức, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương. Vì không còn kiếm chác được nhiều, thậm chí không kiếm chác được nữa, không còn ai hứng thú với việc có làm không có “ăn”, nên đương nhiên các công việc chung bị xếp lại, hoặc làm cho có. Đây là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng việc giải ngân các nguồn vốn có tỷ lệ thấp và chậm đang xảy ra.

     Có một câu hỏi, nếu như các bộ ngành và địa phương, các quan chức, cán bộ không thiết tha với công việc chung, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu nhiệt tình, không bảo đảm tiến độ thì có chế tài hoặc có cách gì thay đổi, chấn chỉnh tình trạng này hay không? Câu trả lời là không.

     Đối với nhân viên, việc chế tài rất khó và hầu như không thể thực hiện. Công ăn việc làm của cán bộ là sự nghiệp, là nguồn sống, hơn nữa, đều có các mối quan hệ chằng chịt, và phải đút lót để có một suất biên chế. Không thể sử dụng chế tài để xử lý khi cán bộ làm việc một cách lơ là, đối phó là thực trạng của Việt Nam hiện nay. Đối với quan chức, lãnh đạo, mỗi một ghế lãnh đạo là mối quan hệ hoặc một lượng tiền không nhỏ để mua. Và các quan chức cùng hệ thống (đơn vị, ngành, địa phương) đều có cùng tâm lý chung như nhau nên bao che lẫn nhau. Mặt khác, mối quan hệ ê kíp, cánh hẩu và phe cánh xuyên suốt từ trên xuống dưới cũng cản trở việc chế tài nếu ai có ý định thực hiện.

     Như vậy, tình trạng hệ thống hoạt động trì trệ, không bình thường khi không có lợi ích từ việc tham nhũng không có cách gì có thể giải quyết được. Tình trạng này chắc chắn sẽ kéo theo hoạt động của cả nền kinh tế. Những khó khăn khách quan về đại dịch Covid-19 cộng với tình trạng kém hiệu quả của hệ thống sẽ dẫn tới thảm họa cho nền kinh tế. Mặc dù các số liệu có thể được tô vẽ, chỉnh sửa thì cũng sẽ đến lúc sự cạn kiệt nguồn lực là không thể che giấu. Chỉ tới khi đó, các vấn nạn từ tham nhũng tới sự kém hiệu quả của hệ thống mới thực sự được biết tới như là những nguyên nhân chính dẫn tới sụp đổ của nền kinh tế, và kéo theo cả chế độ./.

Hà Nội, ngày 23/7/2020

N.V.B