You are here

Tình hình chính trị Mỹ có ảnh hưởng gì tới Việt Nam

Ảnh của nguyenvubinh

     Nước Mỹ là siêu cường trên thế giới hiện nay. Vị trí siêu cường của Mỹ được khắc họa bằng một thể chế dân chủ ưu việt, một nền kinh tế hùng mạnh, tiềm lực quân sự khổng lồ cùng với văn hóa Mỹ trải rộng khắp thế giới. Ảnh hưởng của Mỹ phủ kín các châu lục, tới hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, với mỗi sự biến động, sự thay đổi tình hình chính trị ở nước Mỹ đều có ảnh hưởng tới các quốc gia và toàn thế giới.

     Nước Mỹ thời Tổng thống D.Trump có thể nói là sự đảo lộn của nước Mỹ và trật tự thế giới. Với mục tiêu phục hồi sự vĩ đại của nước Mỹ, Tổng thống D.Trump đã làm nhiều việc chưa từng có trong lịch sử mấy trăm năm của đất nước cờ hoa. Bằng các chiến lược lớn như giảm thuế, công bằng và cân bằng thương mại, việc làm cho người dân Mỹ, ngăn chặn di dân bất hợp pháp, công bằng trong đóng góp với các đồng minh ..vv… Tổng thống D.Trump đã tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế, cho nước Mỹ. Một chiến lược quan trọng thời ông D.Trump đó là việc tuyên bố xóa bỏ các chế độ cộng sản còn sót lại trên thế giới. Điều này cũng là chiến lược ngăn chặn sự nổi lên, thách thức của Trung Quốc đối với vị trí siêu cường của nước Mỹ. Ông đã bắt tay vào thực hiện chiến lược này bằng biện pháp đánh thuế lên các hàng hóa của Trung Quốc nhập vào Mỹ để cân bằng và công bằng thương mại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa ngã ngũ, Trung Quốc đã phản đòn bằng đại dịch Corona Virus khiến cho thành quả kinh tế trong ba năm của tổng thống D.Trump bị quét sạch. Cuộc chiến thương mại đã và đang leo thang thành cuộc chiến tranh lạnh, trên tất cả các lĩnh vực, và không loại trừ có thể xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự trong tương lai gần.

     Toàn bộ những thay đổi của nước Mỹ từ khi ông D.Trump lên làm tổng thống đã và đang thay đổi, đảo lộn toàn bộ trật tự thế giới. Nếu có thể khái quát được, thì đó là xu thế toàn cầu hóa mang bản sắc công bằng xã hội (Xã hội Chủ nghĩa?) đang bị chặn lại bằng khuynh hướng bảo thủ, tôn trọng các giá trị tự do, dân chủ và các giá trị tôn giáo, gia đình truyền thống.    

     Đối với Việt Nam, quan hệ Việt- Mỹ có 4 phương diện tương tác lớn. Đó là giao thương kinh tế; quan hệ chính trị giữa Mỹ và Việt Nam, với tư cách thành viên ASEAN, và Việt Nam với tư cách một nước cộng sản, đồng minh ý thức hệ của Trung Quốc; Quan hệ giữa Việt Nam, một quốc gia đang bảo vệ chủ quyền biển Đông và Mỹ, quốc gia đang bảo vệ tự do hàng hải và đối đầu với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền các nước Asean; cuối cùng, là quan hệ của Mỹ ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam đấu tranh dành tự do, dân chủ hay mối quan hệ giữa Mỹ và Phong trào Dân chủ Việt Nam.

     Trong giao thương về kinh tế, mặc dù cân bằng và công bằng về thương mại là chiến lược lớn chung của tổng thống D.Trump và chính phủ Mỹ, nhưng thật ngạc nhiên, Việt Nam là một quốc gia cộng sản, lại có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ, nhưng Mỹ lại hoàn toàn không (chưa?) đả động gì, vẫn tiếp tục cho Việt Nam hưởng lợi từ giao thương kinh tế như cũ. Có lập luận cho rằng, với mức thâm hụt thương mại 40-50 tỷ $/năm so với nền kinh tế hơn 20.000 tỷ $ của Mỹ không thấm vào đâu nên Mỹ không quan tâm. Vấn đề không đơn giản như vậy. Đây là chủ đích của Mỹ trong việc mời gọi Việt Nam trở thành đồng minh trong cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc. Một Việt Nam sát cạnh Trung Quốc, có bản lĩnh trong chiến tranh và hiểu rõ Trung Quốc sẽ là đồng minh lợi hại đối với Mỹ. Về phía Việt Nam, mối quan hệ thương mại với Mỹ không bị tổn thương, Trung Quốc đang bị xơ xác và cô lập, và chưa chắc đã trụ nổi (về mặt thể chế) trong cuộc chiến toàn diện với Mỹ, là cơ hội lớn để thoát khỏi ảnh hưởng của Trug Quốc. Xu hướng gần đây cũng nói lên nhiều điều.

     Quan hệ về chính trị giữa Mỹ và Việt Nam đặc biệt phức tạp. Việt Nam là nước có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm lực trong khối Asean. Như vậy, điều tự nhiên là Mỹ cần vun đắp mối quan hệ này. Nhưng Việt Nam lại là một trong bốn nước cộng sản còn sót lại, lại là đồng minh của Trung Quốc. Mỹ lên tiếng muốn xóa bỏ thể chế cộng sản của những nước còn lại, và xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Việt Nam là đồng minh của Trung Quốc… trong mối quan hệ quá rối rắm và phức tạp như vậy, nhưng Mỹ lại ưu ái và muốn Việt Nam làm đồng minh của mình. Tất nhiên, với bản năng và kinh nghiệm leo dây, đi hàng hai của Việt Nam, việc xử lý mối quan hệ với Mỹ không khó lắm. Cái khó là cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, và sẽ dẫn đến kết cục một mất một còn. Việt Nam buộc phải lựa chọn khi giữa Mỹ và Trung Quốc đi tới cao trào tranh đấu, không còn có thể leo dây, đi hàng hai được nữa. Kết hợp với việc Mỹ đứng ra mạnh mẽ bảo vệ lợi ích ở biển Đông của các nước Asean, trong đó có Việt Nam, những động thái gần đây cho thấy dấu hiệu rời xa đồng minh ý thức hệ đang ngày càng rõ nét. Đó là một lựa chọn sáng suốt, vấn đề là xử lý để giảm thiểu những tổn thất từ sự lựa chọn này khi Bắc Kinh trút giận.

     Đối với vấn đề đồng minh trên biển Đông, sự đồng thuận không quá khó khăn như các vấn đề khác. Chủ quyền và lợi ích của Việt Nam ở biển Đông là khá rõ ràng, nhưng gần đây chịu muôn vàn cay đắng, uất ức với Trung Quốc. Việc cấm đánh bắt cá, tấn công giết hại ngư dân, lượn lờ phá hoại các giàn khoan, tàu thuyền không đau đớn bằng việc Trung Quốc ép Việt Nam từ bỏ các liên doanh dầu khí và phải đền mất mấy tỷ đô la trong tình trạng ăn đong của chế độ. Sự mạnh dạn của Mỹ trong thời gian gần đây trên biển Đông, như tập trận quy mô lớn, tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ các nước Asean bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình… đã động viên Việt Nam trong việc nghiêng nhiều hơn về phía Mỹ, và có những động thái khá mạnh mẽ, lạ lùng đối với Trung Quốc.

     Nước Mỹ cũng là nước có sự quan tâm giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong việc đứng lên đòi tự do, dân chủ. Đây là truyền thống của Mỹ với rất nhiều quốc gia chứ không chỉ là Việt Nam. Trên phương diện này, đầu tiên là việc Mỹ là nơi có các tổ chức, cộng đồng người Việt hải ngoại đấu tranh mạnh mẽ nhất, có ảnh hưởng lớn nhất tới phong trào dân chủ Việt Nam. Các quỹ hỗ trợ cho các quốc gia trong việc đấu tranh cho tự do dân chủ cũng được Mỹ chia sẻ với Việt Nam và các tổ chức Nhân quyền, bảo vệ nhân quyền luôn lên tiếng cho những người đấu tranh ở Việt Nam. Bộ ngoại giao Mỹ luôn đặt vấn đề quyền con người và tự do tôn giáo trong các lịch trình quan hê ngoại giao của Mỹ với Việt Nam. Một khía cạnh hỗ trợ phong trào dân chủ của Mỹ khá thành công là cứu giúp các tù nhân lương tâm khỏi các nơi giam cầm đưa sang Mỹ tỵ nạn chính trị. Đó là những sự trợ giúp của Mỹ đối với phong trào Dân chủ Việt Nam. Có thể nói, chính phủ Mỹ các đời tổng thống trước ông D.Trump có sự quan tâm tới Phong trào Dân chủ Việt Nam theo các khía cạnh tác động vừa nêu nhiều hơn, sâu sát hơn hiện nay. Nhưng vì Phong trào dân chủ Việt Nam chưa tập hợp được lực lượng, tức là chưa có tổ chức nên dù có sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn hơn nữa cũng không tạo ra được bước ngoặt cho phong trào dân chủ. Tổng thống D.Trump đã không đi theo hướng này mà tập trung vào giải quyết cái gốc, tức là đánh sập chế độ cộng sản ở Trung Quốc, và tự khắc sẽ có những thay đổi về tự do và dân chủ cho Việt Nam. Xét theo lịch sử, những biến cố lớn của Việt Nam trong vòng 100 năm qua đều xuất phát từ những biến thiên lớn của khu vực và thế giới, thì đó là một xu thế hợp logic. Tất nhiên, những người đấu tranh vẫn đang miệt mài thực hiện những công việc của mình, chứ không phải ngồi chờ ông D.Trump đánh sụp Trung Quốc.

Hà Nội, ngày 18/7/2020

N.V.B