Thiển nghĩ, một tài xế - dù là lái xe riêng cho những nhân vật cao cấp - nên chăm sóc chiếc xe sạch đẹp và chăm lo sự an toàn cho chủ nhân, hơn là chú tâm vào những vấn đề thuộc về "bí mật nhà nước".
Trong chế độ độc đảng toàn trị tại Việt Nam, tài xế như vậy lại luôn phải là người tâm phúc đối với chủ nhân.
Dư luận từng ngả ngửa khi biết thẩm phán cũng từ lái xe mà ra [2] hay tài xế trở thành trưởng phòng Nội vụ huyện [3] hoặc từ tài xế giỏi trở thành Phó Chánh văn phòng huyện [4] có cả bác tài của một Thứ trưởng Bộ Xây dựng thăng tiến “thần tốc” để trở thành Phó Viện trưởng - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP) thuộc Bộ Xây dựng [5].
Để vào được vị trí "tài xế riêng" - không chỉ là người được chủ nhân phó thác tín nghĩa - văn hóa "nói một tiếng" nhất định không thể thiếu được.
Văn hóa "nói một tiếng" trong xã hội ngày nay có đủ sắc thái từ nhiều phía. Có khi nó thật nhẹ nhàng theo cách xin xỏ một chỗ làm ấm thân như nói trên; lúc khác đủ giọng uy quyền để dùng "tư duy lệnh miệng" mà người chịu ơn buộc phải làm theo. Cũng có khi "nói một tiếng" là sự trao đổi nhân danh "nghĩa tình" đồng bào Việt Nam với nhau (!)
Trong tự truyện "Từ Ngõ Phát Lộc Đến Weimar", ở đoạn kết có viết về việc ông Nguyễn Đức Chung lúc vừa nhậm chức Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, có nhờ ông Bùi Thanh Hiếu "nói một tiếng" với nhà thờ Thái Hà như sau [6]:
"... Tôi biết anh là người có quan hệ qua lại với nhà thờ Thái Hà. Nếu trước khi anh đi, anh giúp gì cho mọi việc êm ấm thì tốt. Anh có thể nói với các linh mục làm đơn xin đất được không?. Bây giờ đất dự án không triển khai nhà nước thu hồi lại. cũng nhiều chỗ đẹp. Toàn đất dự án đẹp đấy, không phải đất xấu đâu. Thôi thì nhân lúc có cơ hội này đất đai đang có, anh nói với các linh mục làm đơn xin để thành phố cấp đất cho. Chứ chỗ đất bệnh viện cũ là chuyện lịch sử, thẩm quyền tôi trông thế những có hạn lắm. Tôi cũng muốn sao mọi việc yên ổn, cứ căng thế này cũng mệt. Trông đi trông lại toàn là dân Việt mình với nhau...".
Người CSVN có vẻ ưa chuộng sự kết hợp giữa "tư duy lệnh miệng" và văn hóa "nói một tiếng".
Bộ ba "Tư duy lệnh miệng - Văn hóa "nói một tiếng" - Giáo dục phi triết lý"
"Tư duy lệnh miệng" làm cho biết bao vụ án "kinh thiên động địa" rơi vào ngõ cụt. Hậu quả của "tư duy lệnh miệng" đang lan tràn khắp chốn, mới nhất là vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng bọn bi truy tố, trong đó Hồ Thị Kim Thoa đã trốn qua Pháp từ lâu.
Bộ ba "Tư duy lệnh miệng - Văn hóa "nói một tiếng" - Giáo dục phi triết lý" đang xói mòn và tàn phá khốc liệt tính trách nhiệm trong mỗi người Cộng Sản Việt Nam, biến họ trở nên đớn hèn, bạc nhược.
Trên hết, "bộ ba" này đã vô hiệu hóa toàn diện "bộ ba": Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp ở Việt Nam.
Tạm kết
Người dân không ngạc nhiên về "bộ ba" phi nhân bản nói trên. Chúng vẫn nghênh ngang tồn tại với nhiều sắc thái đậm lợt trong bức tranh vân cẩu mang tên "của dân, do dân, vì dân" từ nhà cầm quyền CSVN. Tranh vân cẩu nhằm biểu đạt ý nghĩa về cuộc đời luôn biến đổi khôn lường.
"Bộ ba phi nhân bản" tồn tại như hiện nay, cho thấy chế độ độc đảng toàn trị đang tiến dần đến mạt vong.
Sẽ là sớm sủa để biết "thằng lái xe" của đương kim Chủ tịch Nguyễn Đức Chung sẽ "xưng xuất" (nghĩa là: xưng ra, khai ra) vì đâu nên nổi, không lo an phận thủ thường, lại đi chiếm đoạt bí mật nhà nước.
Lẩy Kiều mà rằng:
Điều đâu bay buộc ai làm?
Này ai dan dậm, giật giàm bỗng dưng ?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng lái xe.
_______________
Nguyễn Ngọc Già
Bài bình luận gần đây