“Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành” là cái title của báo Thanh Niên trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày bình thường hóa bang giao Việt Mỹ.
Người Việt chưa bao giờ nghe khái niệm “chân thành” từ phía Mỹ đối với Việt Nam ngay cả sau khi bang giao được bình thường hóa trở lại vào ngày 11 tháng 7 năm 1995, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Từ ngày ấy trên báo Đảng vẫn nhiều lúc lên án Mỹ hay chí ít là chỉ trích hay hạ bệ Mỹ bằng những “tính từ” mà trong bất cứ quan hệ ngoại giao nào không ai sử dụng đến. Chỉ có Hà Nội là vô tư xem Mỹ là mặt trái của chế độ tự bản và luôn luôn cảnh giác rằng máy bay B52 vẫn vần vũ trên bầu trời Hà Nội.
Cho tới khi buôn bán được với Mỹ cũng như những thứ lợi lộc do Mỹ mang đến thì báo Đảng mới bớt hóng hớt chuyện bên Mỹ trong khi vẫn luôn tôn trọng và tự hào đối với Trung Quốc, nước được xem là môi hở răng lạnh, là tình hữu nghị đậm đà mang bản sắc Xã hội chủ nghĩa, là 16 chữ vàng cùng 4 tốt không gì phản bác được.
Và cũng cho tới khi toàn thế giới quay mặt lại với Trung Quốc thì Việt Nam mới len lén xem tình bạn giữa hai nước Việt Mỹ là “chân thành”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang lâm vào tư thế “trời không dung, người không tha” sau khi dịch Vũ Hán xảy ra tàn phá toàn thế giới và Bắc Kinh bị kết án là dấu dịch khiến cho hàng trăm ngàn người chết, hàng ngàn tỉ thiệt hại và con virus Vũ Hán vẫn đang hoành hành. Cùng với dịch cúm, thiên tai lại nổi lên khắp chốn khiến người dân Trung Quốc ngửa mặt than trời đã ra tay quá khắc nghiệt với vùng đất được tự xưng là cái tâm điểm của thế giới này.
Trời không dung là thế nhưng người cũng không tha đảng Cộng sản Trung Quốc vì những gì mà chúng đã tác động lên khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới.
Từ Tây Tạng tới Tân Cương đảng cộng sản đã thẳng tay tàn sát những người không nghe lời chúng. Và rồi nhận thấy sức mạnh của mình không nước nào đáng để phải lo sợ Trung Quốc mạnh tay bóp chết Hong Kong một quốc gia quen sống trong không khí dân chủ tự do nay bị buộc phải sống chung với quỷ, những con quỷ sẵn sàng trói gô người có biểu hiện phản kháng và nhốt vào trại giam không có ngày ra vì chống lại tập đoàn Bắc Kinh ngày một kiêu căng và ác độc hơn.
Nhưng Trung Nam Hải đã lầm ý chí tự do dân chủ của thế giới khi gần như toàn bộ các nước phương Tây cùng lên án Trung Quốc trước những động thái không thể chấp nhận của nước này như đàn áp Hong Kong, chủ động chiến tranh với Ấn Dộ, gian dối trong các hành vi thương mại và sở hữu trí tuệ, mua chuộc một phần lớn các định chế thế giới như Liên Hiệp Quốc, WHO, WTO, thậm chí lường gạt cả Word Bank để được vay những khoản tiền lãi suất nâng đỡ rồi cho các nước nghèo vay lại với lãi xuất cao.
Đối với các nước vùng Đông Nam Á, niềm cay đắng nhất mà Trung Quốc mang tới cho họ là con đường lưỡi bò trên biển Đông, vốn được tập đoàn Bắc Kinh xem là ao nhà bất kể những chứng tích lịch sử hay phán quyết của tòa quốc tế về vùng biển này không phải thuộc về Trung Quốc như Bắc Kinh vơ vào một cách trơ trẻn.
Cấm đánh cá, cướp tài sản thu được từ ngư dân các nước, xây dựng bất hợp pháp nhiều căn cứ quân sự trên các đảo ngầm, đe dọa tấn công các giàn khoan của Việt Nam và Indonesia, mang tàu Hải dương đi khắp các vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của nhiều nước đã gây nên cuộc chiến “công hàm” mới đây khiến thế giới bừng tỉnh về dã tâm không cần giấu giếm của Trung Quốc.
Mạnh tay hơn, Trung Quốc công khai tập trận tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nhưng lần này gặp sự phản ứng mạnh của Mỹ khi nước này đã tập hợp hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông Nam Á vào ngày 4/7/2020, như cách thức cảnh cáo Trung Quốc trước ý đồ ngông cuồng của họ.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Tổ chức nghiên cứu và Truyền thông Trung - Mỹ hôm 9/7 ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ định thay thế Mỹ. Đới Húc và Kiều Lương, hai tướng lĩnh Trung Quốc trước đây bị coi là “diều hâu”, gần đây đã viết bài về cuộc xung đột Trung-Mỹ, đều có cùng một quan điểm: thực lực Trung Quốc hiện nay không thể đối đầu với Mỹ.
Những cơn gió chính trị ấy đã làm Việt Nam phải đổi chiều và không thể ngây người ra chịu trận trước các động thái quá quắt của phương Bắc. Mỹ đã cho Hà Nội thấy quyết tâm giữ vị trí bá chủ của họ và sẵn sàng cho một cuộc chiến với Trung Quốc bên cạnh cuộc chiến thương mại nếu nước này vẫn tiếp tục thử thách sự quyết tâm của Mỹ.
Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.
Theo WikiPedia cho biết “Ngày 3 tháng 5 năm 1977 Việt Nam từng chần chừ khi ra giá thiết lập bang giao với Mỹ yêu cầu Mỹ phải chi 3,25 tỷ đô-la bồi thường chiến tranh. Phía Hoa Kỳ đề nghị bình thường hóa trước, viện trợ sau. Trưởng đoàn đàm phán Phan Hiền báo cáo với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch thuyết phục Bộ Chính trị nhưng không được. Đàm phán lâm vào bế tắc.
Đầu năm 1978, tại Tokyo, ông Phan Hiền, thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: "Việt Nam sẵn sàng bình thường hóa vô điều kiện với Hoa Kỳ" (tức là Việt Nam sẽ không yêu cầu Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh nữa). Tuy nhiên, lúc này Mỹ quan tâm tới việc đàm phán bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc hơn, mà Trung Quốc và Việt Nam với khi đó lại đang là đối thủ, nên Hoa Kỳ đã bỏ qua vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”.
Nhạy bén chính trị là yêu cầu đầu tiên đối với lãnh đạo của bất cứ quốc gia nào. Thiếu sự nhạy bén hay cố tình xem thường cơ hội là triệu chứng của một chính phủ chỉ biết quyền lợi của bè phái mình cao hơn quyền lợi quốc gia dân tộc.
Đã đến lúc phải nói không với Trung Quốc và can đảm từ bỏ mối lợi cá nhân, bè phái để đất nước kịp thời tránh được tai họa từ phương Bắc.
Bài bình luận gần đây