Sau khi Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng cùng với Giang Trạch Dân và Lý Bằng đặt bút ký các văn bản tại Hội Nghị Thành Đô năm 1990 đất nước Việt Nam bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn của hòa bình hữu nghị, không còn chiến tranh tuyên truyền trên mặt trận báo chí nhưng trong lòng dân chúng Việt Nam lại nổi lên sự chống đối âm ỉ bởi nghi hoặc tình hữu nghị mà Trung Quốc từng nhiều lần mang ra chiêu dụ đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đến tình trạng mất tự chủ của đất nước và đưa tới cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đầy máu và nước mắt của dân tộc.
Nhận thức được sự bất mãn của lòng dân đối với Hội nghị Thành Đô, đầu năm 1999, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý phương châm 16 chữ vàng "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện".
Mười sáu chữ “vàng” ấy là một khẩu hiệu kệch cỡm nhất trong lịch sử tuyên truyền của thế giới. Nó cho thấy người cộng sản không hề biết xấu hổ trước bất cứ lời nói, việc làm trái lại với sự thật. Nó là chỉ dấu cao nhất của lời lẽ mị dân mà một nước lớn mớm vào mồm của đàn em nhằm bịt miệng dân chúng trước những hành vi bán nước có giấy phép của những kẻ cam tâm làm nô lệ nhằm đổi lại cái vỏ bọc Đảng Cộng sản mà họ đã trót nói lấy được trong nhiều thập niên.
Láng giềng hữu nghị đã dẫn tới biến cố giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc ngamg nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam như chốn không người. Láng giềng hữu nghị nên Trung Quốc mặc sức đâm vào tàu cá Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc mạng như bọn cướp biển của thế kỷ 19. Láng giềng hữu nghị cho phép Trung Quốc xây dựng bồi đắp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà chúng đã cướp vào năm 1974 và năm 1988 thành những pháo đài bất khả xâm phạm. Láng giềng hữu nghị được Nam Trung Hải buộc Hà Nội vào chiếc gông miệng không hề dám biểu lộ sự bất mãn của mình trước một đồng chí vừa tham vừa ác. Láng giềng hữu nghị vẫn đang tiếp tục tiến xa trên con đường ngoại giao khiếp nhược và chưa biết tới bao giờ Việt Nam mới có thể tự thân nhìn thấy sự sai lầm của mình đối với lịch sử dân tộc.
Hai chữ “hữu nghị” được hai đảng tận dụng như một tờ giấy phép để rút ruột Việt Nam.
Ngoài biển, Trung Quốc ngang nhiên cấm các đối tác Việt Nam chấm dứt khai thác các mỏ dầu lớn, tiềm năng trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong bờ cấu kết với giặc nội xâm, Trung Quốc đã và đang biến Việt Nam dần dần trở thành vùng đất tự trị mà không cần ký bất cứ một văn bản nào với Hà Nội. Việt Nam được tự trị đã là may mắn lắm rồi nếu so với Tân Cương, Tây Tạng đang bị dày xéo dưới gót chân của bạo lực mang tên Trung Quốc.
Giặc nội xâm ở đây không ai khác hơn những kẻ có toàn quyền đặt bút ký kết những công trình, dự án có yếu tố Trung Quốc. Báo chí Việt Nam đã chỉ ra không biết bao nhiêu là dự án bị Trung Quốc khống chế mà điển hình nhất là bauxít Tây nguyên do Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ký tá. Sau bauxit Tây nguyên là hàng trăm dự án khác được ký và vay vốn với các ngân hàng Trung Quốc cũng như từ nguồn vay ODA do Trung Quốc cho vay với điều kiện phải sử dụng công nghệ và nhân công Trung Quốc. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một dự án có hình thức này.
Dự án Cát Linh-Hà Đông đã được dân Hà Nội xem là vết chém ngang thắt lưng của thành phố với nhiều hình ảnh khiến thủ đô trở thành trò cười cho bất cứ du khách nào biết chuyện.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10-2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa hai Chính phủ. Dự án này khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại vào Quý II/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành qua bốn đời Bộ trưởng là ông Hồ Nghĩa Dũng, ông Đinh La Thăng, ông Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể vẫn chưa xong.
Theo cơ quan kiểm toán nhà nước cho biết dự án đã ký kết 3 hiệp định vay gần 670 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc buộc phía Việt Nam phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc và là vốn của Trung Quốc nên Việt Nam không thể có các biện pháp xử lý hợp đồng khi nhà thầu Trung Quốc vi phạm. Đây là nguyên nhân khiến con đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể vận hành.
Tới giữa năm 2020 con tàu Cát Linh Hà Đông vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nằm tại chỗ phơi ra cái hình hài xấu xí mà dân Hà Nội cho là vết nứt, hay con sâu rọm vắt vai Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Và chuyện khôi hài về khẩu hiệu lại được Trung Quốc áp dụng: Trong cuộc gặp mới đây tại Hà Nội Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn Đại sứ Hùng Ba tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh cũng như với một số địa phương của Trung Quốc. Về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn Đại sứ thúc đẩy để sớm đưa dự án vào hoạt động.
Rất nhanh nhẩu, ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng Đường sắt Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.
Chỉ cần nhét hai chữ “hữu nghị” vào phát biểu ông Hùng Ba đã khiến Hà Nội im như thóc. Ông Vương Đình Huệ làm sao có thể trả lời đàn anh với “thiện chí” không thể đảo ngược của Bắc Kinh trước mọi vấn đề đối với Việt Nam, chủ quyền biến đảo họ còn có khả năng khiến Hà Nội ngậm bù hòn làm ngọt huống chi con đường sắt cỏn con giữa lòng thủ đô ngàn năm văn vật.
Ôi thật hay và thật thâm cho hai chữ “hữu nghị”. Đã hai mươi năm nó vẫn kẽo kẹt bên tai người dân Việt Nam như một định mệnh, định mệnh do đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt cho dân tộc này tới khi diệt vong mới thôi.
Bài bình luận gần đây