Hình: Người dân theo dõi vụ việc tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn (Nguồn: Báo Dân Trí)
Chiều 28/5, một bé trai 5 tuổi ở thị trấn Lộc Hà, tỉnh Hả Tĩnh đã tử vong do bị rơi xuống hố ga không nắp.
Theo mẹ đến cánh đồng cách nhà khoảng 500m để nhổ lạc, khi mẹ đang làm việc thì bé đi chơi quanh đó và rơi xuống hố ga lúc nào không hay.
Chỉ khi mẹ bé và người làng đi tìm, bé mới được phát hiện đã tử vong trong hố ga bên tuyến đường ven biển huyện Lộc Hà mà mặt đường đã được thi công xong và các hạng mục phụ đang được hoàn thiện.
Tai nạn do hố ga không nắp ở Việt Nam không phải là hiếm. Tìm kiếm trên Google, người ta có thể thấy khá nhiều vụ việc thương tâm như vậy đã xảy ra.
Đối với những vụ việc ấy, báo chí hầu như chỉ dừng lại ở việc đưa tin tai nạn mà không dõi theo đến khi các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý người chịu trách nhiệm.
Vì vậy, ai là người chịu trách nhiệm và bị xử lý ra sao trên thực tế là điều mà người đọc không biết hoặc ít biết.
Trên lý thuyết, các quy định về trách nhiệm, cả về hình sự và dân sự, đối với người gây ra hậu quả không phải là thiếu. Vấn đề là chúng được áp dụng đến đâu.
Căn cứ vào khoản 93, Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người chịu trách nhiệm hình sự ở đây là người duy tu, sửa chữa, quản lý hố ga thuộc đơn vị thi công.
Người này, khi dẫn đến chết người do có một trong các hành vi được quy định tại các điểm từ a đến h thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Chẳng hạn, liên quan nhất đến vụ việc này có thể là các hành vi được quy định tại các điểm a, b, c như sau:
Thêm vào đó, người thực hiện giám sát thi công có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 Bộ luật Hình sự (BLHS), với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Bên cạnh trách nhiệm hình sự, những người nêu trên còn phải chịu trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi hường thiệt hại mà căn cứ phát sinh là khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS). Theo đó, người có hành vi xâm phạm tính mạng của người khác thì phải bồi thường.
Thiệt hại được bồi thường ở đây tối thiểu bao gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng (điểm b, khoản 1, Điều 591 BLDS). Trong trường hợp người bị tai nạn được thực hiện cứu chữa và chăm sóc sức khỏe, thiệt hại bao gồm chi phí cho các hoạt động này. Ngoài ra, tùy tình huống còn có một số thiệt hại khác.
Có lẽ, trong phần lớn vụ việc, người gây hậu quả chỉ thực hiện trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại), mà không bị xử lý hình sự. Nếu đúng vậy, điều này có thể giải thích tại sao tai nạn do hố ga không nắp vẫn thường xảy ra, và người ta đã quen với điều đó.
Để thay đổi tình trạng này, đòi hỏi trước tiên là các cơ quan chức năng phải xử lý hình sự – khi có đủ căn cứ pháp lý – đối với người gây hậu quả. Tuy nhiên, điều này sẽ khó được thực hiện nghiêm chỉnh như vốn thế nếu người dân không mấy quan tâm. Cho nên, đòi hỏi tiếp theo là người dân cần lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ người chịu trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm hình sự, và xử lý người đó theo đúng các quy định của pháp luật.
Cần nói thêm rằng khi thấy các hố ga không nắp, người dân không nên xem đó không phải là chuyện liên quan tới mình. Ngược lại, đó là chuyện liên quan, vì biết đâu chính mình hay người thân của mình sẽ bị tai nạn do hố ga ấy một ngày nào đó. Vì vậy, khi thấy hố ga không nắp, người dân cần cung cấp thông tin cho báo chí và yêu cầu các cơ quan hữu quan, như Ủy ban Nhân dân địa phương, Sở Xây dựng, vào cuộc và xử lý.
Bài bình luận gần đây