Hình: Hiện trường cây xanh đổ đè nhiều học sinh. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Sáng 26/5 vừa qua, tại trường THCS Bạch Đằng, quận 3, Sài Gòn, một cây phượng gãy đổ khiến 1 học sinh 12 tuổi tử vong. Sự cố còn làm 17 học sinh khác bị thương hoặc trầy xước.
Trong cuộc họp với báo chí vào chiều cùng ngày, hiệu trưởng của trường, ông Nguyễn Vạn Phúc đã nhận mình là người có trách nhiệm đầu tiên và trách nhiệm chính.
Dù vậy, câu hỏi được đặt ra là ai thực sự là người phải chịu trách nhiệm và dựa trên cơ sở pháp lý nào.
Theo khoản 4, Điều 2, Bộ luật Dân sự (BLDS), cây xanh được trồng trong khuôn viên trường học là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị.
Đối với loại cây này, Điều 16 BLDS quy định: "Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý."
Căn cứ vào hai điều trên thì trường THCS Bạch Đằng là chủ thể quản lý cây xanh trong khuôn viên của mình.
Với tư cách đó, trường phải bồi thường thiệt hại do cây xanh trong khuôn viên của mình gây ra, căn cứ vào Điều 604 BLDS. Khi đó, ông Phúc, với từ cách là người đứng đầu nhà trường, là người có trách nhiệm đầu tiên.
Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 2, Điều 584 BLDS, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không được áp dụng trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Loại trừ trường hợp hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, ở đây cần xác định sự kiện này có phải là sự kiện bất khả kháng hay không.
Sự kiện bất khả kháng, được định nghĩa trong khoản 1, Điều 156 BLDS, là "sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Trong sự cố này, từ các tình tiết đã biết – như cây đổ khi thời tiết bình thường – không thể xác định có sự chủ quan, nên cần xác định có sự chủ quan hay không từ các tình tiết chưa biết.
Nếu trường đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép, thì sự kiện là bất khả kháng, và ngược lại. Mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép ở đây có thể là gì?
Chương 3, Nghị định 64/2010 bao gồm một số quy định về các biện pháp cần thiết mà các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần thực hiện đối với cây xanh do mình quản lý. Chẳng hạn, các khoản 2, 3, 4, Điều 11 Nghị định quy định:
"Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt."
"Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây."
"Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình."
Nếu trường đã thực hiện quản lý cây xanh đúng, đủ như các quy định trên và liên quan, thì khi đó sự kiện này được xem là bất khả kháng. Ngược lại, nếu trường lơ là, quản lý không đúng hoặc không đủ (ví dụ không chăm sóc theo định kỳ, không cắt tỉa theo quy trình kỹ thuật) thì sự kiện này không được xem là bất khả kháng.
Để có câu trả lời cuối cùng, cần xác định những ai trong trường có trách nhiệm quản lý cây xanh, trách nhiệm cụ thể của mỗi người trong việc quản lý cây xanh là gì và họ đã thực hiện trách nhiệm của mình ra sao.
Sự cố xảy ra là điều đáng tiếc cho gia đình của các học sinh, cho trường, và cho cả xã hội. Qua đây, trường THCS Bạch Đằng nói riêng và các trường học nói chung cần xem lại hoạt động quản lý cây xanh và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ an toàn cho học sinh, sinh viên.
Bài bình luận gần đây