Việt Nam đang có một chiến dịch tổng kiểm tra các phương tiện giao thông vận tải trên toàn quốc. Theo báo chí, đợt ra quân toàn quốc của lực lượng CSGT lần này sẽ diễn ra trong một tháng (từ ngày 15-5 đến 14-6) nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, chấp hành Luật giao thông đường bộ và nâng ý thức chấp hành Nghị định 100.
Đợt tổng kiểm soát tập trung vào các tuyến đường cao tốc và quốc lộ 1 (từ Lạng Sơn đến TP.HCM). Đối với các tuyến đường khác, căn cứ tình hình thực tế, lãnh đạo công an các địa phương có kế hoạch tổng kiểm soát hoặc kiểm soát theo các chuyên đề cho phù hợp. Đặc biệt, trong đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông trên toàn quốc này, CSGT sẽ được phép dừng tất cả phương tiện để kiểm tra mà không cần lỗi ban đầu.
Trong đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông này, có nhiều trường hợp vi phạm các lỗi hành vi, nhưng chủ yếu là các lỗi về thủ tục hành chính, như không mang theo đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm xe… điển hình có một trường hợp của chị Lưu Như Trang.
Theo một chia sẻ trên trang FB Phạm Minh Vũ,
“Chị Lưu Như Trang (ngụ đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP HCM) là một người tỉnh lẻ đến Sài Gòn mưu sinh. Cuộc sống vốn dĩ chạy từng bữa cơm khi làm việc chân tay, do dịch Virus Vũ Hán mấy tháng qua cuộc sống chị khó khăn hơn.
Chị mới chuyển nhà trọ do nhà trọ đang ở giá cao, nhưng chuyển tới trọ mới cũng không có tiền để chi trả chị đành cầm cố giấy tờ xe, để lấy tiền thế chân mà thuê trọ.
Sáng 19/5, đang chở một bọc đồ đi trên đường Nguyễn Văn Linh hướng từ Phú Mỹ Hưng về KCX Tân Thuận chị bị CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Chị Trang đưa giấy CMND photo, kèm cà vẹt (đăng ký) xe bản photo chứng thực. Thấy vậy, CSGT yêu cầu chị Trang đến khu vực để lập biên bản.
Trong lúc CSGT đang viết biên bản và thông báo sẽ tạm giữ xe cho đến khi chị Trang mang đầy đủ giấy tờ bản chính đến trụ sở đội CSGT thì mới giải quyết cho chị nhận lại xe, Chị Trang hốt hoảng: "Chết em luôn á". CSGT nói thêm: "Vậy chị kêu người nhà mang giấy tờ bản chính đến đây" thì chị giãi bày: "Em cầm đồ đến ngày 30, giờ bảo đưa người ta đâu có chịu đưa. Thông cảm đi anh ơi, em đâu có biết. Lần đầu em biết em sai rồi, lần sau em cố gắng đầy đủ giấy tờ. Giờ giữ phương tiện em là chết luôn, em không có xe em chết luôn á".
Chị than rằng vì đi mướn nhà không đủ tiền thế chân nên phải đi cầm đồ giấy tờ để có tiền đóng thế chân. Do vậy, chị chỉ đi loanh quanh gần nhà chứ không dám đi xa. Chị Trang bị CSGT lập biên bản vì lỗi: "Điều khiển xe máy không có giấy đăng ký xe và bằng lái xe" với tổng mức phạt 1.350.000 đồng.”
Việc tổng kiểm tra phương tiện giao thông trên toàn quốc, theo lý và lý thuyết là không có gì sai, đôi khi là cần thiết. Nhưng thực hiện việc này trong bối cảnh người dân vừa ra khỏi đại dịch Covid-19, vừa hết phong tỏa còn muôn vàn khó khăn là một việc cực kỳ bất nhẫn. Có biết bao nhiêu trường hợp như chị Lưu Như Trang, đang phải chống chọi với cuộc sống sau đại dịch, nay lại gặp trường hợp thu xe và bị phạt với số tiền không nhỏ.
Xã hội Việt Nam hiện nay, tất cả các vấn đề, lĩnh vực đều có tiêu cực, đều có vi phạm. Nhiều người thắc mắc, tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không tổng kiểm tra bằng cấp của tất cả các lãnh đạo từ cấp xã, huyện trở lên tới trung ương? Hoặc tại sao không tổng kiểm tra nhà cửa, tài sản các quan chức từ cấp xã trở lên? Điều đó vừa bảo đảm đội ngũ cán bộ có đúng, đầy đủ bằng cấp theo quy định, hoặc có thể thu hồi nhiều tài sản cho quốc gia khi thực hiện tổng kiểm tra tài sản quan chức. Như vậy, trong khi tất cả các lĩnh vực đều có những tiêu cực, vi phạm, nhưng nhà cầm quyền lại nhằm vào người dân để thực hiện những chiến dịch, những chính sách, về lý thuyết có vẻ rất tử tế, trong khi người dân vừa ra khỏi và còn đang vùng vẫy trong khó khăn hậu Covid-19. Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến tình yêu thương dân chúng của cộng sản mà nhà cầm quyền ra rả suốt ngày.
Trên thực tế, nhiều người nhận định, có thể có hai nguyên nhân dẫn tới đợt ra quân của CSGT tổng kiểm tra phương tiện giao thông toàn quốc. Thứ nhất, đó là khó khăn của nhà nước sau đại dịch, các nguồn thu bị sụt giảm trầm trọng, cần có các khoản bù đắp cho ngân sách quốc gia. Thứ hai, lực lượng CSGT và các cấp lãnh đạo liên quan bị thất thu sau gần một tháng giãn cách xã hội. Cần phải có khoản thu bù đắp cho các anh. Lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng, là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ. Việc tăng lương gấp đôi so với các ngành nghề khác, ưu tiên tất cả các khía cạnh vẫn chưa đủ động viên họ. Chính vì vậy, thường xuyên chăm sóc bằng các chính sách, chiến dịch để bảo đảm nguồn thu của các anh là điều cần thiết, mặc cho tiếng rên siết của người dân ngày càng tăng cao.
Nhưng trong việc thực hiện chiến dịch này, đã có nhiều điểm bất cập lộ ra được phản ánh trên các trang mạng xã hội. Bức xúc nhất là việc CSGT kiểm tra và phạt người không mua, không mang theo bảo hiểm xe máy, ô tô. Bảo hiểm xe máy, ô tô là hành vi dân sự, hợp đồng dân sự. Theo tất cả các quy định đó là việc tự nguyện của người sử dụng ô tô, xe máy. Mua bảo hiểm khi xảy ra sự cố, tai nạn sẽ được bảo hiểm bồi thường. Người nào không mua thì sẽ không được bảo hiểm bồi thường. Tại sao CSGT lại được quyền can thiệp vào hành vi dân sự, hợp đồng dân sự thỏa thuận giữa hai bên? Thêm nữa, lý do người dân không mua bảo hiểm ô tô, xe máy bởi vì mất tiền mua nhưng khi xảy ra sự cố thì hầu như không ai được đền bù, bảo hiểm hoặc được đền bù bảo hiểm khi phải mất công sức và sự khó chịu vượt qua nhiều lần mức tiền đền bù, bảo hiểm. Chính vì vậy, bảo hiểm ô tô, xe máy là hành vi ăn cướp của bảo hiểm có sự trợ giúp của công an, CSGT và của nhà nước.
Có thể nói, sau đại dịch Covid-19, người dân đã xác xơ, thêm những chính sách, chiến dịch của nhà cầm quyền như vậy, dân tình càng thêm xơ xác. Nhà cầm quyền đang cố tình dồn người dân tới chỗ không thể chịu đựng nổi, và lực lượng thực hiện và hưởng lợi lại cũng chính là công an. Nợ lại chồng thêm nợ, các anh được hưởng lợi kể cũng hợp lo-gic khi mà chế độ thay đổi hoặc sụp đổ, các anh cũng là đối tượng được người dân quan tâm đầu tiên và nhiều nhất./.
Hà Nội, ngày 20/5/2020
N.V.B
Bài bình luận gần đây