You are here

Phản bác Hội đồng thẩm phán vụ Hồ Duy Hải

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

8/5/2020 là một ngày đen tối và đáng phỉ nhổ nhất của lịch sử tư pháp Việt Nam. Kết thúc phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán bỏ phiếu 17/17 bác kháng nghị của Viện kiểm sát tối cao. Điều này đồng nghĩa với 17 kẻ trong Hội đồng thẩm phán quyết tâm giết Hồ Duy Hải.

Giết một con người mà không có một bằng chứng nào thuyết phục. Dấu vân tay của tử tù không trùng với bất cứ dấu vân tay nào thu được ở hiện trường; không chứng minh được Hải có thể có mặt ở hiện trường vào thời điểm ấy; vật chứng như dao, thớt mua ngoài chợ... Tất cả chỉ dựa vào lời nhận tội của Hồ Duy Hải, còn lời khai của Hải dưới áp lực nào họ không cần cần tính đến.

Lời khai của Hồ Duy Hải có thể làm căn cứ để tử hình Hải hay không? Ai cũng nghĩ đến việc Hải bị tra tấn, khủng bố tinh thần không chịu đựng nổi mà buộc phải khai. Qua nhiều vụ án oan cho thấy, nghi phạm không thể làm cách nào khác ngoài việc khai theo cán bộ điều tra mớm cung vì không chịu được tra tấn.

Hội đồng thẩm phán cho rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung

Không hiểu các vị trình độ thật và kinh nghiệm xử án đến đâu, đã làm oan sai cho bao nhiêu người khi chỉ căn cứ vào lời khai của Hồ Duy Hải mà mà kết luận đủ thứ, nào là lời khai phù hợp với lời khai của người này người khác, nào là Hải nói không bị ép cung tra tấn.

Sao các người không nghĩ đến chuyện Hải bị tra tấn, đe dọa buộc phải nói theo ý công an điều tra? Xin nhắc qua một vài vụ tù oan nổi tiếng để liên hệ:

Ông Nguyễn Thanh Chấn bị bức cung nhục hình buộc phải nhận giết người, bị kết án chung thân. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ, ông đã bị án tử hình và 10 năm sau chắc ông không còn sống để biết mình được minh oan. Ông kêu oan ở cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm nhưng hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào lời khai ban đầu mà tuyên án. Cho đến khi tìm được ra manh mối kẻ giết người là Lý Nguyễn Chung và Chung ra đầu thú thì ông Chấn mới được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan.

Ông Huỳnh Văn Nén bị bức cung nhục hình phải nhận tội giết người, bị kết án chung thân. Ông ngồi tù 17 năm cho đến khi Nguyễn Phúc Thành, cháu gọi ông bằng dượng khai ra kẻ giết người là Nguyễn Văn Thọ. Thọ bị bắt, ông Nén mới được giải oan.

Ông Hàn Đức Long bị đánh đập bắt phải khai nhận hiếp 2 mẹ con (sinh năm 1930 và 1960), hiếp và giết cháu bé 5 tuổi,  bị kết án tử hình. Do không đủ chứng lý, 11 năm sau Viện kiểm sát Bắc Giang phải ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông.

Những vụ án oan này đều theo qui trình: Tra tấn nghi phạm => nghi phạm khai theo yêu cầu của công an điều tra => ra cáo trạng => kết án.

Bài viết chỉ nhắc qua mấy vụ án oan để chứng minh việc tra tấn ép cung không chỉ có thật mà còn rất phổ biến. Xin hỏi các vị nếu là dân thường bị tra tấn như các tù nhân oan trên các vị có chịu đựng được không hay phải nhận tội để giữ mạng sống đã?

Vì vậy, không phải vì Hồ Duy Hải khai không bị ép cung, mớm cung mà các người kết luận được ngay là cảnh sát điều tra không ép cung mớm cung. Nếu không bị ép, tại sao Hải lúc nhận tội, lúc lại kêu oan?

Tại sao các vị không nghĩ đến việc lời khai của Hải phù hợp với những nhân chứng là do công an điều tra bắt Hải phải khai cho khớp?

Đủ cơ sở kết luận Hải có mặt tại hiện trường vụ án?

Cơ sở để Hội đồng thẩm phán khẳng định việc có mặt tại hiện trường để gây án còn kỳ quái hơn nữa. Nhân chứng Vũ Đình Thường không hề quen biết Hải. Thế mà chỉ qua việc Thường nói ra đặc điểm thanh niên để tóc dài, mặc áo ngắn tay mà các vị khẳng định được ngay đó là Hồ Duy Hải? Lại trông thấy chiếc xe dựng ở bên ngoài bưu điện Cầu Voi  mà khẳng định ngay là xe Hải sử dụng khi đó. Không thể ai có trí nhớ siêu việt tới mức chỉ nhìn bâng quơ một chiếc xe dựng ở bên ngoài, không quan sát kỹ vì không để ý mà sau nhìn lại lại có thể khẳng định chính nó. Điều này chỉ có thể xác định bằng chụp ảnh.

Rồi lại chị bán trái cây, chỉ nghe cô Vân nói bạn trai của Hồng đưa tiền đi mua mà khẳng định được người đưa tiền cho cô Vân là Hải?

Các vị giải thích thế nào về chi tiết sau:

19 giờ 13 phút 39 giây, Hồ Duy Hải có mặt tại hiệu cầm đồ cách Bưu điện Cầu Voi 7,5 km để làm thủ tục cầm đồ và đang nghe điện thoại của một người bạn tên là Võ Lộc Đang. Sau đó, Hải quay về nhà dì Nguyễn Thị Len để trả xe máy Wave và sang nhà dì Nguyễn Thị Rưởi mượn xe máy Dream rồi đi đến quán cà phê Bảy Thanh để trả tiền cho Võ Lộc Đang.

Ở một vị trí cách bưu điện Cầu Voi 7,5 km, qua mấy đoạn hành trình như thế mà chỉ mất 16 phút 21 giây để 7h30 phút có mặt ở Bưu điện Cầu Voi rồi gây án. Các vị có thấy kết luận này là cực kỳ vô lý không?

Tôi yêu cầu các vị thực hành hành trình như thế xem hết bao nhiêu thời gian.

Người đưa tiền cho Vân mua trái cây quê ở Tiền Giang là ai?

Trở lại chuyện chị bán trái cây gần bưu điện Cầu Voi. Đây là tình tiết vô cùng quan trọng. Theo báo Người lao động thì chị này cho biết: Vân đi mua trái cây dùng tiền do bạn trai của Hồng đưa và người đó đến từ Tiền Giang. Thế nhưng Hội đồng thẩm phán lại đổ sống cho Hồ Duy Hải, trong khi Hồ Duy Hải lại ở ngay Long An chứ không phải Tiền Giang.

Vậy người quê ở Tiền Giang là ai? Theo thông tin sau khi án mạng xảy ra thì Nguyễn Văn Nghị là người yêu của Nguyễn Thị Ánh Hồng (nạn nhân) quê ở Cai Lậy, Tiền Giang.  Như vậy, dễ suy ra người đưa tiền cho Vân đi mua trái cây là Nghị vì hội tụ đủ hai yếu tố “bạn trai của Hồng” và “quê ở Tiền Giang”. Thời kỳ đầu, hướng điều tra nhằm vào nghi phạm này nhưng sau đó lại nhằm vào Hồ Duy Hải. Wikipedia cho biết “Theo một số nguồn tin từ nước ngoài, Nguyễn Văn Nghị là cháu của cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa” (Bà Trương Mỹ Hoa cũng quê ở Tiền Giang). Vì thế dư luận mới đặt câu hỏi phải chăng đây là lý do Hồ Duy Hải phải chịu tội thay cho kẻ khác?.

*

Kỳ án Hồ Duy Hải tốn rất nhiều bút mực của báo chí. Về vụ này, báo chí đều cho rằng không có cơ sở để xác định Hải là thủ phạm để tử hình Hồ Duy Hải. Ngoài báo chí, nhiều luật sư và cả viện kiểm sát cũng cho rằng không đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải và các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng.

Không khẳng định Hồ Duy Hải có tội hay không có tội nhưng kết tội Hải phải có chứng lý thuyết phục.

Việc Hội đồng thẩm phán Hội đồng thẩm phán bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải gây là làn sóng phẫn nộ trong dư luận, cho thấy họ phán quyết theo ý chí chủ quan với thái độ vô cảm, lạnh lùng, ác độc và đầy toan tính. 17 người trong hội đồng thẩm phán không nên tham gia vào bất cứ một vụ án nào nữa.

Những người có lương tri là nhà báo, luật sư, những người đang làm việc trong hệ thống tư pháp, những người yêu chuộng công lý, lẽ phải hãy nhận lấy cho mình sứ mạng bằng mọi cách phải cứu lấy Hồ Duy Hải, không để cho Hải phải chết một cách đầy oan ức.

 

9/5/2020