Song Chi.
Xã hội VN là một xã hội có đến 95% là người Việt (Kinh), còn lại là các dân tộc thiểu số nhưng vẫn chung một màu da và một số lượng còn ít hơn nữa, là người nước ngoài đến học tập, làm việc. Người Việt không có thói quen sống trong một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo…và cũng không được giáo dục ở trường rằng mọi sự phân biệt: phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính v.v…đều bị phê phán, cấm đoán và nếu ai nói hay làm những điều như vậy thì sẽ bị kiện, bị mất việc và nhiều hậu quả khác. Cho nên nhiều người Việt tỏ ra kỳ thị, đặc biệt kỳ thị chủng tộc, màu da đối với người da đen. Nhưng nếu đã là một người từng lên tiếng đấu tranh cho những giá trị tự do dân chủ tiến bộ thì phải khác.
Đáng nói hơn là có nhiều người Việt từng sống nhiều năm ở những quốc gia tự do dân chủ, tôn trọng con người nhưng vẫn mang đầu óc kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, gọi người da đen là mọi, gọi người Pakistan là ba khía, người Ả rập là bọn rệp, người Mexico là bọn Mễ…Có những người vì ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump mà quay sang gọi vợ chồng Cựu Tổng thống Barack Obama là mọi đen, là nhọ, là khỉ…trong khi Cựu Tổng thống Barack Obama và vợ, bà Michelle Obama là những người có học thức, có kiến thức uyên bác, rất giỏi trong lĩnh vực của họ, có tư cách, nhân cách. Cựu Tổng thống Obama còn là người trong suốt 8 năm làm Tổng thống không hề có bất cứ một vụ scandal nào cả đời tư lẫn trong vị trí một Tổng Thống được rất nhiều trí thức, lãnh đạo các nước Á-Âu kính trọng!
Có người thì sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng vẫn tỏ ra có đầu óc phân biệt nam-nữ, ví dụ thấy một người là phụ nữ, hoạt động dân chủ nhưng làm mẹ đơn thân liền lên án “đàn bà con gái không chồng mà chửa là loại không ra gì”, chẳng hạn.
Còn nếu bạn sống ở Ấn độ thì còn phải cẩn thận với những chuyện tôn giáo, ẩm thực, đẳng cấp nữa kia. Ví dụ, muốn mời ai đi ăn thì phải hỏi họ ăn chay hay ăn mặn, nếu ăn chay thì ăn chay ở…mức độ nào, ví dụ có người ăn chay nhưng vẫn ăn cá, trứng, có người ăn chay nhưng vẫn ăn trứng, có người hoàn toàn ăn rau củ…Và đừng có hỏi tên đệm của họ, tên đệm của người Ân sẽ cho biết họ thuộc đẳng cấp nào, và mặc dù xã hội Ấn tuyên bố đã xóa bỏ đẳng cấp từ lâu nhưng thật ra điều đó vẫn tồn tại trong đầu nhiều người, không thể xóa bỏ hoàn toàn.
Nếu ở phương Tây thì lại còn rắc rối với vấn đề giới tính, không chỉ nam, nữ mà còn những người thuộc cộng đồng LGBT-đồng tính nữ đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới (lesbian, gay, bisexual, and transgender), những người mặc quần áo nữ nhưng vẫn xác định họ là nam (transvestite), axesual (không có như cầu tình dục, không cảm thấy sexual attraction), non-binary (không nam không nữ), genderfluid (giới tính chuyển đổi linh động tùy theo giai đoạn), intersex (có cả hai bộ phận nam và nữ) v.v…Vì vậy sau này người ta gọi/viết là cộng đồng LGBT+ để bao gồm mọi trường hợp. Nên ở phương Tây còn đau đầu về vấn đề pronouns nữa, phải cẩn thận đừng cứ thấy nam thì nghĩ là he, nữ thì nghĩ là she, những người này muốn người ta gọi họ là they, them…Gọi sai họ có thể kiện cho mà khốn đốn!
Mặt khác, cái hay của việc sống trong một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáo, đa giới tính…là con người trở nên cởi mở, bao dung hơn với mọi sự khác biệt, và cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ nếu không muốn bị rắc rối vì có đầu óc kỳ thị!
Nhưng cho dù sống ở bất cứ đâu, cũng nên có đầu óc phóng khoáng, chấp nhận mọi sự khác biệt, điều ấy không chỉ giúp cho chính mình tránh được mọi đụng chạm với người khác mà trước hết là nhẹ nhõm, dễ sống hơn vì không có những định kiến trong đầu, và trong mắt người khác thì cho dù bạn là người có học, thậm chí là người đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền mà nếu bạn có đầu óc kỳ thị, hẹp hòi thì người ta sẽ đánh giá bạn thấp ngay.
Bài bình luận gần đây