Hà Nội đã qua đi những ngày tháng căng thẳng của việc cách ly trên diện rộng. Những hàng cà phê, những quán phở sáng, những điểm dịch vụ bắt đầu được mở ra. Mọi người đã bắt đầu lao ra đường để kiếm sống, dù chưa hẳn vơi bớt nỗi lo lắng, bởi đại dịch cúm virus Vũ Hán hoành hành trên thế giới vẫn đang lửng lơ đâu đó, đe dọa đến tính mạng và sinh kế của mỗi phận người. Và rồi không chỉ những nỗi lo về cơm áo gạo tiền, người Việt Nam yêu nước trong mấy ngày gần đây lại thêm trăn trở bởi ngoài kia chiến hạm Trung Quốc lại diễu võ dương oai đe doạ trên biển Đông.
Trong những ngày cách ly dài đằng đẵng, ngoài việc ăn mỳ tôm cầm hơi thì tôi có rất nhiều thời gian để lần giở lại một tập sách đã cũ tên là Chính Đề Việt Nam. Đây là một cuốn sách rất nổi tiếng với những người quan tâm đến vận mệnh đất nước. Sách được viết dưới thời đệ nhất cộng hoà miền nam Việt Nam, dưới tên tác giả Tùng Phong. Nhưng nhiều học giả cho rằng đây chính là công trình nghiên cứu của ông Ngô Đình Nhu cùng các cộng sự. Tuy vậy thời ấy đây là một dạng tài liệu có tính chất lưu hành nội bộ, chỉ lưu truyền trong hàng ngũ cốt cán của chính phủ ông Ngô Đình Diệm. Sau này khi hai anh em ông Diệm Nhu bị sát hại, những người thân cận vẫn lưu giữ, và cách đây hơn chục năm đã cho phát hành. Tôi không có được bản cứng của cuốn sách này, nhưng như những gì tôi đọc trên bản pdf được lan truyền trên mạng thì đây quả thực là một tuyệt tác về mặt chính trị. Và tôi tin vào nhận định đây chính là tác phẩm của ông Nhu, một kẻ sĩ Bắc Kỳ chính hiệu, thâm trầm, học hành bài bản.
Thử bỏ qua những định kiến chính trị cá nhân, hãy xem thử một đoạn ông Nhu viết như thế này:
<<<... "Nước Việt Nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển, và nhỏ về sự góp phần của chúng ta vào văn minh nhân loại.
Trong suốt phần lịch sử nhân loại mà chúng ta được biết tới ngày nay, số phận của các quốc gia nhỏ, từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng phải bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào cũng sống dưới sự đe dọa liên tục của một cuộc ngoại xâm.”
...
“Từ ngày lập quốc, hơn một ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam chúng ta không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc, rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe dọa Dân Tộc Việt Nam.”
...
‘’Trong quá khứ, ngay những lúc ta chiến thắng Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khôn ngoan hòa thuận với Trung Quốc và tự đặt mình vào chế độ thuộc quốc. Nhưng điều mà Trung Quốc muốn không phải là Việt Nam chỉ thần phục và triều cống Trung Hoa, suốt thời gian gần một ngàn năm lịch sử, lúc nào cũng muốn lấy lại mảnh đất mà Trung Hoa coi như tạm mất’’...>>>
Quả là những nhận định kinh người, quá đúng, quá sớm so với thời đại. Tôi nói quá sớm bởi chỉ cần nhìn những sai lầm, những mất mát do chế độ sau gây ra cho đất nước, chúng ta không khó để nhận ra những sai lầm đó được ông Nhu vạch ra chính xác trước đến hơn nửa thế kỷ, như thể ông đang còn ngồi trên dương thế quan sát thế sự bây giờ.
Và điều đáng tiếc hơn nữa là người Mỹ cách đây hơn nửa thế kỷ đã không đủ hiểu biết về ông Nhu, ông Diệm, cũng như những đặc thù chính trị Việt - Trung, nên đã bật đèn xanh cho cuộc đảo chính xoá bỏ nền đệ nhất cộng hoà. Người Mỹ, nước Mỹ đã phải trả giá rất đắt cho sự ngây thơ đó. Cái giá phải trả không phải chỉ có phí tổn và nhân mạng trong chiến tranh khi xưa, mà ngày nay còn là hàng tỉ tỉ đô la, bởi sự bành trướng của Trung Quốc về mọi mặt: thương mại, quân sự, chính trị... Sự bành trướng đó đe doạ không chỉ công ăn việc làm của người Mỹ, mà còn đang lấy đi vị trí siêu cường của nước Mỹ.
Mới đây nhất, thảm hoạ virus Vũ Hán hoành hành trên toàn cầu được cho là cuộc chiến tranh sinh học của Trung Quốc, hòng tàn phá thế giới văn minh và thiết lập trật tự quốc tế mới. Nước Mỹ và châu Âu có vẻ đã tỉnh ngộ, nhưng còn lâu mới có thể khống chế được kẻ thâm hiểm và tàn bạo như Trung Quốc đang trên đà tiến tới để thôn tính hoàn toàn thế giới này.
Trong bối cảnh rất nhiễu nhương của thời cuộc, người Việt Nam yêu nước nhưng không yêu chế độ chúng ta có thể làm gì? Đấy là câu hỏi rất lớn mà tôi nghĩ chúng ta có thể tìm thấy đôi điều trong tác phẩm Chính Đề Việt Nam, và phát triển những tư duy mới cho phù hợp với hoàn cảnh bây giờ.
Hãy xem ông Nhu viết như thế này tiếp:
<<<... “Sức mạnh của nước Anh hay nước Mỹ mà chúng ta mục kích ngày nay bắt nguồn trước hết từ chỗ hai quốc gia này đã thực hiện được việc liên tục lãnh đạo quốc gia trong gần 200 năm.
Một nhà lãnh đạo Anh, ngày nay bước lên nắm chính quyền, là tức khắc sau lưng mình có 400 năm kinh nghiệm và văn khố làm hậu thuẫn. Đó là một di sản quí báu không có gì thay thế được và tạo cho họ một sức mạnh phi thường.”
...
“Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều kiện dưới đây được thỏa mãn:
1. Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người trước cho tới lớp người sau.
2. Các bí mật quốc gia được truyền lại.
3. Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh vi.
4. Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và có người biết sử dụng văn khố.”
...
“Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia đều mất.
Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa nhận, văn khố thất lạc và bị cướp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc.”...>>>
Những trích dẫn trên đây là điều tôi tâm đắc nhất với ông Nhu, bởi nó hé mở cho thấy một suy nghĩ vượt tầm thời đại. Thuật lãnh đạo, cho tôi hỏi bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào đang manh nha xoá bỏ chế độ hiện tại, các vị có gì? Lãnh đạo một phong trào đường phố, một cuộc biểu tình, một cuộc bãi công... có thể quý vị có khả năng. Nhưng lãnh đạo một quốc gia là một chuyện hoàn toàn khác. Thời bây giờ không phải như năm 1945, khi mấy ông Việt Minh răng vàng chui ở trong rừng ra có thể cướp chính quyền và lãnh đạo được đất nước. Không có hệ tư tưởng, không có lực lượng trí thức đủ tầm, không có bề dày chuyên môn lãnh đạo (như ông Nhu nói là văn khố quốc gia), và nhất là không có lòng vị tha, tôi e rằng đất nước này sẽ còn thảm hại hơn cả khi nó bị cai trị bởi chế độ cộng sản.
Nói điều trên đây, tôi cũng dự liệu là sẽ nhận được kha khá gạch đá, nhưng tôi quen rồi. Bởi vì tôi nói cho các vị biết, xưa nay tôi lên tiếng cho vấn đề của đất nước không phải vì ham hồ quyền lực, không phải vì mong chờ gì những lợi ích cá nhân. Chế độ nào cũng thế thôi, cứ hại nước hại dân là tôi sẵn sàng lên tiếng, dù có phải tiếp tục làm thằng "phản động" của cả hai chế độ.
Giải pháp chính trị nào cho Việt Nam tôi chưa thấy. Những người của chế độ thì khăng khăng tìm diệt bằng hết những ai phản kháng dù họ chỉ rất ôn hoà. Những người có ý chống đối lại chế độ thì cũng mang tâm lý thù hằn không kém, và sẵn sàng đập bỏ những gì có thể trở thành "tàn dư của chế độ cũ". Hằn học như vậy, mù quáng như vậy, người Việt mình lại tiếp tục giết nhau thôi.
Chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế là những yếu tố rất lớn, có khả năng tác động sâu sắc đến chính trị. Chính trị Việt Nam có thể có những bước chuyển mạnh trong thời gian này. Chưa biết chế độ hà khắc hiện nay có bị mất đi hay không, nhưng đất nước này, dân tộc này có vượt thoát để phát triển lên hay không chính là do nhận thức và thái độ của mỗi người chúng ta.
Công dân nào, chính phủ ấy. Tôi có nói gì nặng nề, đụng chạm với ai lâu nay cũng chỉ là mong có nhiều người mở mắt, khai sáng, bởi vì một mình tôi không thể làm được gì đâu. Ngoài kia dù có biến động đến đâu, hãy tập trung vào chính mình, vào dân tộc này, vào đất nước này, vì chúng ta là người Việt Nam.
Yêu thương tất cả!
Bài bình luận gần đây