Những tin tức gần đây về tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã làm dư luận nóng lên. Điều đặc biệt trong sự việc lần này, xuất phát từ việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa hôm mùng 3/4 vừa qua, Mỹ đã lên tiếng rất cụ thể và rõ ràng. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã chỉ đích danh tàu công vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và bày tỏ quan ngại sâu sắc. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 cũng phát đi một tuyên bố phản đối tương tự. Tuyên bố khi đó có đoạn nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung hỗ trợ các nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu, thay vì lợi dụng tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới sự lơ là của các nước khác để "bành trướng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông”. Không chỉ có Lầu Năm Góc và bộ Ngoại giao, đã có 5 Thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng về vụ việc này. Trong đó, Thượng nghị sĩ Cộng Hòa của bang Arkansas, Tom Cotton, ngày 11-4 đã đưa ra tuyên bố về thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Ông bày tỏ quan điểm: "Trung Quốc tấn công các ngư dân để thực thi các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông. Mỹ đứng về phía đồng minh và đối tác của mình tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trong việc bảo vệ công dân và chủ quyền của họ khỏi sự hung hăng của Trung Quốc" (Thêm thượng nghị sĩ Mỹ lên án vụ hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông - Báo Thanh Niên online ngày 12/4/2020)
Có thể nói, đây là lần đầu tiên Mỹ đã lên tiếng về một trường hợp cụ thể việc một tàu cá Việt Nam bị tàu công vụ Trung Quốc tấn công, đâm chìm một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Phản ứng của Trung Quốc sau đó là gì?
Trung Quốc ngay sau đó đã có Công Hàm ngày 17/4/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nêu lại các yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Đồng thời, ngày 18/4, Trung Quốc công bố về việc lập hai quận Tây sa và Nam Sa trực thuộc thành phố Tam Sa ở biển Đông cũng như công bố danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở biển Đông. Không những vậy, trong Công Hàm của phái đoàn Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký LHQ còn ngang ngược tuyên bố: "yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp".
Gắn kết diễn biến nóng lên bất thường về chủ quyền biển Đông với bối cảnh Trung Quốc và thế giới, nhất là việc đại dịch Covid-19 đang hành hoành trên khắp thế giới, nhiều người đã liên tưởng tới một cuộc chiến ở biển Đông trong tương lai gần có thể xảy ra. Cá nhân người viết bài cũng này đồng tình với quan điểm đó. Chúng ta cần xem xét các yếu tố chiến lược nào có thể đưa tới một cuộc chiến trên biển Đông.
Trước khi phân tích, chúng ta cần hiểu rõ, cuộc chiến ở biển Đông nếu như xảy ra, thì đó là cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ là chủ yếu, Việt Nam nếu có tham gia, cũng chỉ ở vai trò phụ, thụ động và nhiều khả năng chỉ là nơi cung cấp hậu cần.
Yếu tố đầu tiên là, Trung Quốc phải bị dồn tới đường cùng. Trước khi đại dịch Corona virus xảy ra, Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc chiến thương mại gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Trung Quốc đương nhiên bị thiệt hại nặng hơn. Làn sóng tháo lui đầu tư ra khỏi Trung Quốc từ Mỹ và các nước phương Tây đã xảy ra ồ ạt. Lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ bị ảnh hưởng nghêm trọng. Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, sự cách ly của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và các tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc đã làm gián đoạn, đình trệ toàn bộ nền sản xuất, hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Ngay sau khi Trung Quốc hồi phục phần nào, thì các thị trường Mỹ và châu Âu lại thực hiện giãn cách, cách ly xã hội do đại dịch vì vậy không còn nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu... Đại công xưởng Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo.
Trong khi ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến thương mại và đại dịch Covid-19 đang xảy đến thì viễn cảnh về nhiều vụ kiện mà Trung Quốc phải đương đầu đang dần hiện hữu từng ngày từng giờ. Đó là việc Trung Quốc bưng bít thông tin về bệnh dịch, không quản lý được những người nhiễm bệnh dẫn tới việc tán phát virus chết người ra khắp thế giới. Thiệt hại về nhân mạng và kinh tế chưa từng có và không ai thống kê nổi ở tất cả các nước trên thế giới cần phải có đối tượng chịu trách nhiệm. Và Trung Quốc đã vi phạm các quy định về công bố và kiểm soát dịch bệnh khiến cho dịch bệnh lây lan khắp toàn cầu chính là đối tượng phải chịu trách nhiệm cho đại dịch này. Đã có hai bang của Mỹ kiện Trung Quốc đòi bồi thường nhiều nghìn tỷ đô la, nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Cụ thể, bang Florida, hàng nghìn người tham gia hai vụ kiện được Công ty Luật Berman công bố lần lượt vào ngày 12/3 và 8/4. Hôm 21/4, Missouri đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ nộp đơn kiện Trung Quốc vì những thiệt hại nhân mạng và kinh tế do dịch Covid-19 gây ra tại bang này…
Như vậy, chắc chắn sẽ có làn sóng kiện Trung Quốc vì hậu quả của đại dịch Covid-19. Sẽ có hai khả năng xảy ra. Nếu Trung Quốc tuân thủ và tham gia các vụ kiện, thực thi các phán quyết của tòa án quốc tế, thì số tiền bồi thường sẽ lên tới con số hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đô la. Điều này trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc là bất khả thi. Nhưng quan trọng hơn, chế độ cộng sản Trung Quốc không bao giờ chấp nhận một vụ kiện như vậy. Họ sẽ từ chối. Điều này đương nhiên sẽ dẫn tới việc tẩy chay Trung Quốc trên quy mô toàn cầu, và việc cấm vận toàn diện rất nhiều khả năng sẽ xảy ra. Với nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, một lệnh cấm vận toàn diện, toàn cầu là một bản án tử hình cho chế độ cộng sản hiện nay. Đứng trước viễn cảnh đường cùng như vậy, Trung Quốc sẽ khởi phát một cuộc chiến tranh. Đương nhiên, đó sẽ là cuộc quyết chiến với cường quốc số một thế giới, để tranh ngôi bá chủ toàn cầu. Được ăn cả ngã về không là sự lựa chọn bắt buộc của Trung Quốc trong bối cảnh thế giới sắp tới.
Nhưng tại sao lại là biển Đông? Bởi vì đơn giản không có lý do gì tuyên bố để tấn công nước Mỹ trước cả. Biển Đông vừa là lợi ích của Trung Quốc từ trước tới nay, vừa là vấn đề Mỹ tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải, và đó là lý cớ hợp lý để hai bên giao chiến. Việc kích động chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là để Trung Quốc thăm dò thái độ của Việt Nam, cũng như là thái độ của Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc quyết đấu hay chưa? Và chúng ta biết, Mỹ đã lên tiếng trong một động thái chưa từng có tiền lệ.
Yếu tố thứ hai, Mỹ phải sẵn sàng cho cuộc chiến. Có thể lúc ban đầu, Mỹ mà đại diện là tổng thống D.Trump chỉ dự tính sử dụng con bài thương chiến để ép Trung Quốc quy hàng hoặc dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra, những cư xử của Trung Quốc, trước và trong đại dịch đã khiến Mỹ không còn hứng thú và kiên nhẫn với chiến tranh thương mại nữa. Sự dối trá và tàn ác của Trung Quốc đã gây ra đau khổ và phẫn nộ cho toàn thế giới. Làn sóng căm phẫn Trung Quốc đã âm ỉ và chỉ chờ đợi bùng phát trong một cuộc chiến một mất một còn để xóa sổ chế độ cộng sản Trung Quốc. Như vậy, Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc quyết chiến. Tại sao Mỹ lại lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vụ va chạm vừa qua? vì Mỹ muốn kéo Việt Nam làm đồng minh, và là nơi cung cấp hậu cần cho cuộc chiến.
Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc nhắm vào Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền trên biển Đông, là điều không thể nhượng bộ, nếu đảng cộng sản Việt Nam còn muốn giữ tính chính danh của minh. Mặt khác, Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, cũng không còn đủ sức o bế Việt Nam chống lại sự suy sụp về kinh tế do nội lực và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được nữa. Xu thế về kết quả cuộc chiến cũng khiến Việt Nam không dám mạo hiểm chết chung với Trung Quốc.
Vậy vai trò của Việt Nam là gì? Trung Quốc có tấn công Việt Nam trước hay không? Tầm quan trọng của cuộc chiến với đối thủ là Mỹ sẽ khiến cho Trung Quốc chưa tấn công Việt Nam ngay từ đầu. Bởi vì dù yếu hơn, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho Trung Quốc (vì Mỹ và các nước khác sẽ hỗ trợ Việt Nam về vũ khí, nguồn lực), như vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến với đối thủ chính. Nếu như Trung Quốc thắng trong cuộc quyết chiến với Mỹ, khi đó lấy Việt Nam như thò tay vào túi lấy kẹo. Tuy nhiên, các đảo của Việt Nam ở Trường Sa chắc chắn sẽ là miếng mồi ngon của Trung Quốc ngay từ ban đầu. Và đó cũng là lý do để Việt Nam ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến. Những ưu ái khá lạ của Mỹ đối với Việt Nam, và những hợp tác về sửa chữa và nâng cấp các sân bay gần đây cho thấy chỉ dấu hai bên đang xích lại một cách thận trọng.
Cuộc chiến ở biển Đông có diễn ra hay không, diễn ra theo kịch bản nào có thể còn nhiều nghi vấn. Nhưng bản đồ thế giới chắc chắn sẽ có biến động sau khi các nước ổn định trong việc chống đại dịch Covid-19, vì chính tương lai của các nước trước hiểm họa Trung Cộng sau khi thế giới nhìn rõ bộ mặt của Trung Quốc cộng sản. Chúng ta hãy cùng chờ xem./.
Hà Nội, ngày 25/4/2020
N.V.B
Bài bình luận gần đây