Hình: Minh họa nCoV (Nguồn: Internet)
Cho đến nay, ngoài các con đường lây truyền được thừa nhận của nCoV, một con đường còn gây tranh cãi là con đường lây truyền qua không khí.
Lây truyền qua không khí còn được gọi là lây truyền qua aerosol hay sol khí, và sol khí ở đây là các hạt lơ lửng trong không khí được hình thành từ các giọt hô hấp với kích thước đủ nhỏ đã bay hơi.
(Các giọt hô hấp đủ lớn, và do đó đủ nặng, sẽ rơi xuống đất chỉ vài giây sau khi thoát ra từ người ho, hắt hơi, sổ mũi, và do đó không hình thành sol khí.)
Về mặt lý thuyết, con đường này không phải là không thể, như Ian M. Mackay và Katherine Arden, hai nhà khoa học tại Đại học Queensland, Úc đã giải thích trong một bài viết trên The Conversation.[1]
Con đường này lại càng có khả năng hơn, khi một nghiên cứu vào tháng 3 vừa qua cho thấy nCoV có thể tồn tại trong không khí đến 3 giờ.[2]
Trước đây, không mấy nhà khoa học nói về khả năng lây truyền trong không khí của nCoV. Nhưng nay, ngày càng có nhiều nhà khoa học nói về điều đó.
Các nhà khoa học này bao gồm các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Họ cho rằng nguy cơ lây truyền trong không khí của nCoV đã bị đánh giá thấp.[3]
Trong số các nhà khoa học này có giáo sư Raina MacIntyre – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, và giáo sư Lidia Morawska – nhà khoa học về sol khí và là cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Giáo sư Morawska cho biết, giống như khói thuốc lá, virus sẽ phát tán trong không gian mở, và nó có thể tích tụ trong các khu vực kín.[4]
Morawska nói thêm rằng mặc dù chưa rõ lượng virus mà một người cần hít phải để nhiễm bệnh là bao nhiêu, song việc nhiễm bệnh do hít phải các sol khí có chứa virus là có thể.
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ cũng thể hiện quan điểm về điều này qua một bức thư gửi Kelvin Droegemeier, nhà khoa học làm việc tại Nhà Trắng, vào ngày 1/4 vừa qua, viện dẫn một số nghiên cứu cho thấy khả năng nCoV lây truyền trong không khí.[5]
Ở một chiều hướng khác, các chuyên gia như phó giáo sư Sanjaya Senanayake – bác sỹ bệnh truyền nhiễm và một số tổ chức chuyên môn, bao gồm WHO, nhận định nguy cơ nCoV lây truyền trong không khí ở mức thấp hơn.
Senanayake nói rằng nCoV khó có thể lây truyền thường xuyên trong không khí, bởi nếu như vậy, thì đại dịch có thể đã trông khác đi, lây truyền nhanh hơn và giữa nhiều người hơn mà không cần tiếp xúc với các ca đã biết.[6]
Trong khi đó WHO, thông qua trang facebook chính thức, từng viết rằng nCoV không lây truyền trong không khí,[7] mặc dù điều này là không chính xác, bởi chính xác phải là: nCoV chưa được khoa học chứng minh là lây truyền trong không khí.
Nhận định khác nhau của hai chiều hướng nêu trên về con đường lây truyền trong không khí của nCoV dẫn đến các khuyến nghị cũng theo hai chiều hướng khác nhau.
Trong khi các chuyên gia như Morawska cho rằng cần thúc đẩy việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì Senanayake cho rằng việc này không quá cấp bách. Hai chuyên gia này cũng có lời khuyên khác nhau rõ rệt liên quan đến lưu thông không khí.[8]
Tương tự, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ giờ đây khuyến khích mọi người đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng khi không thể giữ khoảng cách với người khác (khác với khuyến nghị trước đó)[9] thì WHO vẫn cho rằng khẩu trang chỉ cần thiết cho những người ho, hắt hơi, sổ mũi và những người chăm sóc cho bệnh nhân.[10]
Cuối cùng thì hai chiều hướng này dẫn đến hai chiều hướng khác nhau trong dân chúng ở khắp nơi trên thế giới. Và có lẽ lựa chọn thích hợp hơn là lựa chọn thận trọng hơn.
Khi chúng ta chưa hiểu biết đủ về nCoV, và khi khả năng nCoV lây truyền trong không khí chưa bị loại trừ, cách bảo vệ tốt hơn là ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh qua con đường này bằng các biện pháp thích hợp, mà đeo khẩu trang thường xuyên ở nơi công cộng là một biện pháp như thế.
Chú thích:
[1] There’s no evidence the new coronavirus spreads through the air – but it’s still possible
http://theconversation.com/theres-no-evidence-the-new-coronavirus-spread...
[2] Coronavirus lives for hours in air particles and days on surfaces, new US study shows
https://www.cnbc.com/2020/03/18/coronavirus-lives-for-hours-in-air-parti...
[3][4] Scientists divided over key coronavirus question
https://www.smh.com.au/national/scientists-divided-over-key-coronavirus-...
[5] Rapid expert consultation on the possibility of bioaerosol spread of SARS-CoV-2 for the COVID-19 pandemic
https://www.nap.edu/read/25769/chapter/1
[6] Như [3]
[7] FACT: COVID-19 is NOT airborne
https://www.facebook.com/WHO/posts/fact-covid-19-is-not-airborne-the-cor...
[8] Như [3]
[9] Use of cloth face coverings to help slow the spread of COVID-19
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/diy-cloth...
[10] Coronavirus disease (COVID-19) advice for the public: When and how to use masks
https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-f...
Bài bình luận gần đây