Hình: Hai người phụ nữ giữ khoảng cách khi trò chuyện tại một công viên ở Anh, ngày 19/3/2020 (Nguồn: OLI SCARFF/AFP. Getty Images)
Tự do vẫn thường được giới đấu tranh dân chủ Việt Nam hiểu và truyền đạt ở khía cạnh được làm gì, mà ít khi được họ hiểu và truyền đạt ở khía cạnh khác, không kém phần quan trọng, là với giới hạn gì.
Tự do đi lại và tự do hội họp có một giới hạn về sức khỏe của người khác và cộng đồng (chưa kể một số giới hạn khác) mà Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị đã ghi tại Điều 12 và Điều 21. Đây là một văn bản luật quốc tế và có tính dẫn hướng chung cho các quốc gia thành viên của công ước.
Trong hệ thống văn bản pháp luật của các quốc gia cũng có những giới hạn như vậy. Trừ những giới hạn mang tính đặc thù nào đó mà có thể chỉ một số ít các quốc gia mới có, còn lại, các giới hạn như sức khỏe của người khác và cộng đồng là một giới hạn mang tính phổ quát.
Lấy ví dụ về Việt Nam, khoản 2 điều 14 Hiến pháp Việt Nam ghi: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng."
Nói một cách khái quát, giới hạn của tự do được xác định là trong chừng mực không gây tổn hại cho người khác, như triết gia người Anh thế kỷ 19 John Stuart Mill đã viết tác phẩm triết học kinh điển 'Bàn về tự do'.
Giới hạn của tự do là cần thiết để bảo vệ chính sự tự do, và làm cho tự do trở nên chính đáng. Bởi nếu tự do không có giới hạn thì tự do của người này sẽ giẫm đạp lên tự do của người kia và do vậy sự tự do nói chung sẽ bị xâm phạm, và không còn chính đáng nữa.
Bảo vệ cho sự tự do, do đó, không phải chỉ là bảo vệ cho việc chúng ta được làm gì, mà còn là bảo vệ cho cả việc chúng ta chịu các giới hạn gì.
Những người đấu tranh cho tự do, vì vậy, thay vì hầu như chỉ truyền đạt tự do ở khía cạnh thứ nhất (được làm gì) cần truyền đạt khía cạnh còn lại (với giới hạn gì).
Trở lại với tự do đi lại và tự do hội họp, trong đại dịch, giãn cách xã hội là giới hạn cần thiết. Bởi nếu không làm vậy, thiệt hại sẽ là sức khỏe cộng đồng. (Tất nhiên, bên cạnh giãn cách xã hội, các quốc gia nào áp dụng biện pháp này cần có các chính sách thích hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực do giãn cách xã hội gây ra. Song, đây là một chủ đề khác mà bài viết này không bàn tới.)
Ai đó có thể nói, ở các quốc gia này với văn hóa đặc thù này, tự do quan trọng hơn cả mạng sống. Nhưng nếu thế, tốt hơn là người ta cần thống nhất với nhau trước, thông qua các văn bản pháp luật, hay các quy ước chung về đâu là giới hạn, trong đó, bỏ qua giới hạn về sức khỏe cộng đồng.
Còn lại, nếu sức khỏe cộng đồng vẫn là một giới hạn có cơ sở luật định ở các quốc gia này, thì điều mà người dân cần làm là tôn trọng các giới hạn, như một biểu hiện của sự thượng tôn pháp luật (yếu tố cần thiết cho một xã hội dân chủ lành mạnh), cho đến chừng nào họ có thể phá vỡ nó, và sự phá vỡ này phải được biện minh một cách hợp lý.
Bài bình luận gần đây