Học thuyết Mác sẽ để lại gì trên đất nước Việt Nam? Có chút tương lai nào cho học thuyết đó? Nói rộng ra, tương lai nào sau khi độc tài toàn trị chấm dứt?
G.S Đỗ Mạnh Tri
Tôi cứ nhìn hai bức ảnh trên trang FB của nhà báo Huynh Ngoc Chenh, cùng với lời bình của ông (“Cái này không phải do khác nhau vùng miền mà khác nhau do sống với cs lâu hay mau. Giống như người Hoa lục với Hoa Hồng Công. Tất cả đều do giáo dục mà ra.”) mà không khỏi có đôi chút băn khoăn.
Ngoài việc cầm bút, Huỳnh Ngọc Chênh còn có thời gian dài cầm phấn nên nhận định thượng dẫn hẳn rất khó sai nhưng tôi e rằng vẫn chưa đủ. Cùng với giáo dục, theo thiển ý, kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân – chắc chắn – cũng ảnh hưởng (ít nhiều) đến cách ứng xử của từng người.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu tâm sự:
“Xem những bức ảnh, tôi không suy luận không kết luận người Nam ý thức người Bắc tham lam, tôi chỉ thấy họ đói, họ đang đói. Cái đói làm họ sợ hơn sợ virus, nên chen lấn, giằng co nhau trước máy nhả gạo. Bạn không bao giờ hiểu được cảm giác đó, vì bạn nằm trong biên chế nhà nước, thế nào lương cũng không bị cắt. Bạn không thể nào hiểu nỗi lo ngày lo đêm trong cơn bĩ cực của người nghèo, nó đau đến mức nào, cả thể xác lẫn tinh thần, khi tài khoản tiết kiệm của bạn đủ tiền để mua cá mua thịt trữ đầy tủ lạnh và trả tiền internet cho việc tải về các bộ phim ưa thích. … Tôi hiểu cái đói cái nghèo, không làm gì ra tiền nó kinh khủng tới mức nào. Không gì diễn tả nổi. Nó tàn phá mọi giá trị. Nền kinh tế đóng băng, nhiều trung lưu vỡ nợ, nhiều người nghèo đang đói, rất đói, khắp mọi miền Việt Nam… Tôi thương họ, như đã từng bất lực thương bố mẹ anh chị, thương mình những năm tám mươi.”
Chuyện gì xẩy ra vào những năm 80, hay trước đó?
Xin nghe thêm một câu chuyện nhỏ, từ một nhà văn khác:
“Sắp đến ngày kỷ niệm Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cả Hà Nội bừng sáng trong rừng khẩu hiệu và cờ hoa... Nơi các cửa hàng thịt cá mậu dịch người ta niêm yết trên bảng thông cáo: Các ô sổ phụ của phiếu thực phẩm tháng Chín bán cá bể, mỗi hộ được mua hai ký cá ngoài tiêu chuẩn để ăn mừng quốc khánh...
Cá bể chưa về. Thế mà có mấy người chầu chực sắp hàng từ năm giờ sáng. Trời vào thu rồi mà vẫn nóng, đám người chờ mua đông đặc không ra hàng lối gì. Mồ hôi, mồ kê nhễ nhại... vừa lúc đó, thốt nhiên bên kia đường bật lên tiếng reo lớn:”Cá về! Cá về!
Lúc đó thì không còn hàng lối gì nữa, mọi người chen chúc xô đẩy nhau, ý ới gọi nhau. Từng lớp sóng người dồn lên rồi lại dạt xuống, khiến không còn chỗ cho những bà mậu dịch viên đổ hàng. Thế là lại phải giải thích cho mọi người lùi lại, nhường cho một khoảng trống. Có đến hai mươi phút sau cá mới được đổ xuống vỉa hè, chả cần thau chậu gì ráo. Và lũ ruồi đánh hơi mới tài làm sao! Chỉ loáng một cái chúng đã kéo đến hàng đàn, bám đen lên đống cá. Tôi không đủ can đảm để giữ tư cách nữa, cứ thế mà chen đẩy theo sức lực của mình. Đứng trước tôi là một thằng bé, không hiểu bằng cách nào mà len lỏi tới trước được, nhưng cũng khổ cho nó, mỗi khi đợt xô đẩy dồn tới là nó lại bị đè ngã vào đống cá ...” (Thế Giang. “Lộc Thánh”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa: Người Việt, 1987. 119-123).
Trận đói khốc liệt 1945 và nạn “đói góp” kéo dài đến vài thập niên, mãi cho đến Thời Kỳ Đổi Mới, khiến người dân miền Bắc phải chịu đựng mọi thiếu hụt lâu hơn dân chúng miền Nam và (chắc) vì thế nên tâm thức cũng bất an hơn – theo như suy luận của nhà văn Võ Đắc Danh:
“Người dân xứ tôi có lẽ chỉ chịu những cú đánh vào bao tử mới mười lăm năm nên chưa bị xoáy mòn nhân cách, chưa thành di chứng, sự hào phóng chưa biến mất bởi nó được tích lũy gần 300 năm ưu đãi của thiên nhiên. Đọc mấy câu ‘phán’ của anh Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tự hỏi, nếu cái chủ nghĩa xã hội quái thai còn kéo dài ở miền Nam cho tới bây giờ, liệu chúng ta có được bức ảnh người Sài Gòn xếp hàng trật tự với khoảng cách hai mét trước cái máy ATM gạo để chúng ta so sánh với người Hà Nội hay không?”
Câu hỏi này lại khiến tôi lại trộm nghĩ thêm rằng nếu thay được những lời lẽ kỳ thị, hay miệt thị (giữa cơn đại dịch, và giữa lúc biển đảo đang mất dần dần) bằng ánh mắt bao dung, bằng ngôn từ hoà thuận, cùng với tấm lòng nhân ái thì quan hệ vùng miền Nam/Bắc – chắc chắn – sẽ tốt đẹp hơn, và cũng vững mạnh hơn (nhiều) khi đất trước đang đối diện với nạn ngoại xâm. Chả những thế, tự thâm tâm tôi còn thành thật tin rằng dân Việt hiện nay (thuộc bất cứ thế hệ nào, đang sinh sống bất cứ nơi nao) cũng đều vướng phải ít nhiều thương tật và cũng đều đáng thương hơn đáng trách.
Tôi sống tha hương gần hết đời mình nên kinh nghiệm về XHCN (xếp hàng cả ngày) không được phong phú lắm; dù thế, chuyện xô đẩy hay chen lấn thì cũng chả lạ lùng gì. Chừng hơn mười năm trược – có hôm – tôi dừng xe trước một tiệm giò chả Việt Nam (nổi tiếng) ở miền Bắc California, rồi bảo đứa con gát út:
- Từ nay, con tự mua thức ăn lấy nhá.
Cháu đã đã học qua 5 năm tiếng Việt vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, đã được nuôi dậy cả chục năm trong một gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều ngọng nghịu tiếng Anh nên cả nhà chỉ nói thuần tiếng Việt. Tôi tin là nó đã đủ khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ để có thể mua sắm lặt vặt cho chính bản thân. Vài phút sau, con bé bước ra khỏi tiệm tay không và mặt đỏ bừng bừng:
- Con ghét người Việt Nam, con không thích họ tí nào! I hate Vietnamese, I don’t like them at all!
Vẻ giận dữ của cháu khiến tôi ái ngại:
- Chuyện gì vậy con?
- Con đứng xếp hàng nhưng mấy người đến sau cứ chen lên trước nên đợi mãi cũng chả đến lượt mình.
Con tôi chào đời ở Hoa Kỳ nên không biết rằng khách hàng trong tiệm này, ông bà, cô dì, chú bác … phần lớn (cũng y như bố nó) đều là thuyền nhân. Họ đã bán tống bán tháo, hoặc “dâng hiến” hết cả tài sản để bỏ của chạy lấy người. Tất cả đâm xầm ra biển, xô đẩy chen lấn và sẵn sàng đạp lên nhau (nếu cần) với ước mong duy nhất là có thể dành được một chỗ trên một con thuyền ọp ẹp hay mong manh nào đó. Kẻ nhanh chân chưa chắc đã sống sót đến bờ nhưng người kẻ chậm lại thì chắc chết, chết chắc, vì tù tội và tán gia bại sản.
Kinh nghiệm hãi hùng này vẫn còn in đậm trong tâm trí và cách hành xử của rất nhiều người tị nạn cộng sản nên cứ thấy đám đông là là họ chen ngay (cứ như một phản xạ tự nhiên) dù chỉ để mua vài ổ bánh mì hay mấy cây chả lụa. Chính tôi cũng thế, cũng đã năm lần bẩy lượt – chứ chả ít ỏi gì – vượt đèn vàng hay len lách trên xa lộ một cách hoàn toàn vô thức (và vô cùng ngu xuẩn) dù chả có chuyện gì đến nỗi phải vội vàng đến thế.
Nhìn gương mặt đỏ au, và nghe giọng nói uất ức của con mà không dưng tôi chợt nhớ đến một câu nói (khó quên) của G.S Đỗ Mạnh Tri: “Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác.”
Mà di sản của Marx để lại, ở đất nước này, nào có phải chỉ giới hạn trong chuyện tranh dành hay chen lấn. Di lụy của CNXH còn là vô số những thứ “bệnh tật kinh niên” khác nữa: chèn ép, hiếp đáp, trù dập, phe cánh, chạy chọt, luồn lọt, lươn lẹo, lừa lọc, tham lam, gian xảo, trộm cắp, rình rập, soi mói, ti tiện, hèn hạ, huyênh hoang, hợm hĩnh, hung bạo, khoác lác, tục tằn, trơ trẽn, tráo trở, ích kỷ, dối trá, vô trách nhiệm, vô văn hoá, vô giáo dục, vô liêm sỷ …
Chúng ta chỉ cần vài thập niên để có thể tạo dựng lại một nền kinh tế lành mạnh và hiệu quả nhưng e sẽ mất đến đôi ba thế hệ mới loại bỏ dần được những thói hư (và tật xấu) vừa nêu. Vấn đề không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn cần đến sự nhẫn nại, bao dung, và thông cảm (lẫn thương cảm) nữa. Nếu không thì dân tộc này vẫn sẽ tiếp tục bước hết từ bi kịch sang bi kịch khác – cho dù chế độ toàn trị và nguy cơ bị trị không còn.
Bài bình luận gần đây