You are here

Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và tâm tư của một số người trong giới đấu tranh

Ảnh của nguyenvubinh

     Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, phản đối các yêu sách của Trung Quốc trong hai Công hàm Trung Quốc, phản hồi đệ trình của Malaisia (Công hàm CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 nhằm phản hồi đệ trình ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa) và Công hàm gửi Tổng thư ký LHQ (CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc). Nội dung Công hàm của Việt Nam phản đối các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với những chủ quyền về thềm lục địa và các đảo nổi liên quan.

     Theo một số luật sư quan tâm tới chủ đề tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xuất phát từ Công hàm của Malaisia, hồ sơ thềm lục địa mở rộng về phía bắc, tức là Malaisia đề nghị mở rộng thềm lục địa của các đảo của Malaisia về phía bắc, Trung Quốc đã phản hồi Công hàm của Malaisia, đồng thời khẳng định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu các nước có liên quan đến chủ quyền không lên tiếng, thì trong luật pháp quốc tế, im lặng có nghĩa là đồng ý. Vì vậy, khi Malaisia có Công hàm, Trung Quốc cũng ngay lập tức có Công hàm phản hồi. Và khi Trung Quốc có Công hàm có nội dung khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì Việt Nam đã phải lên tiếng phản đối. Như vậy, sự phản biện của Việt Nam trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là một "trình tự logic" ngoại giao. Tức chuyện "hết sức bình thường".

     Tuy nhiên, một số người hoạt động và tranh đấu, đã nhìn nhận việc Việt Nam gửi Công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc là một dấu hiệu quật khởi, hàm ý việc Việt Nam có ý định thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc… và quan điểm này được nhiều người ủng hộ. Cá nhân người viết bài này khi chưa tìm hiểu ý nghĩa của Công hàm và những vấn đề liên quan cũng đã có ý nghĩ giống nhiều người như vậy. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề logic hình thức và những lý do bên trong dẫn tới tâm tư của những người tranh đấu có sự lạc quan như vậy.

     Trước hết, từ trước tới nay, chúng ta đều nghe nhiều sự phản đối của Việt Nam đối với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng chúng ta chưa bao giờ được nghe có một “Công hàm phản đối Trung Quốc về chủ quyền trên hai quần đảo gửi tới Liên Hợp Quốc”. Đây chính là lý do quan trọng nhất để nhiều người (trong đó có cả người viết bài) chưa tìm hiểu kỹ về Công hàm và ý nghĩa của Công hàm cho rằng đó là bước ngoặt về pháp lý trong việc đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, và từ bước ngoặt pháp lý này dẫn tới việc nhận định xu thế thoát Trung của đảng cộng sản Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn luôn khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên các phương tiện thông tin đại chúng và với quốc tế. Chính vì vậy, trong tình huống cần bảo vệ lập trường về chủ quyền khi có các công hàm của các nước liên quan tới chủ quyền, nhất là của Trung Quốc, thì Việt Nam lên tiếng phản đối là đúng và cũng hoàn toàn thông thường, quốc gia nào cũng làm như vậy. Xuất phát điểm là công hàm của Malaisia, nhưng nguyên nhân lại do Công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có nghĩa là nếu không có Công hàm của Malaisia, và không có Công hàm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo thì cũng không có Công hàm của Việt Nam.

    Nhưng tại sao chỉ là một công hàm phản đối gửi Liên Hợp Quốc lại dẫn tới nhận định lạc quan, và hi vọng của nhiều người phản biện và tranh đấu như vậy? Có thể có mấy lý do sau đây. Mong mỏi, khát khao thoát Trung của người dân, đại diện là những người phản biện hiện nay rất cháy bỏng. Từ việc phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, việc Trung Quốc o ép Việt Nam, thái độ hèn yếu của nhà cầm quyền trước việc Trung Quốc giết hại ngư dân, khủng bố và cấm đánh bắt cá… cho tới những mối nguy về việc lập đặc khu..vv. Tóm lại, đó là những thực tế lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc và ám ảnh về một kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, cộng thêm lo lắng về một mật nghị Thành Đô đang dần trở thành hiện thực khiến cho không một người dân có lương tâm nào có thể không nghĩ tới và mong mỏi một tương lai thoát Trung.

     Một lý do quan trọng nữa, nếu thực sự có một xu thế thoát Trung, thì đương nhiên đó cũng là xu thế từ bỏ con đường cộng sản, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Logic vấn đề này khá đơn giản. Việc thoát Trung cũng là việc từ bỏ sự lệ thuộc, những sự hậu thuẫn về mọi mặt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam cần tìm kiếm các mối quan hệ thay thế, và đó là các quốc gia dân chủ. Mặt khác, việc thoát Trung trong bối cảnh hiện nay (thế giới sắp hỏi tội Trung Quốc về đại dịch cúm Corona virus) cũng chính là việc tìm đồng minh mới để được bảo vệ khỏi sự trả thù khi trở mặt với Trung Quốc. Cả hai lý do này chắc chắn sẽ dẫn tới việc Việt Nam phải từ bỏ thể chế toàn trị cộng sản của mình, đó là mong ước của cả trăm triệu người Việt Nam hiện nay.

     Còn một nguyên nhân nữa, tuy không rõ ràng và cháy bỏng như hai lý do nêu trên, nhưng vẫn bàng bạc xung quanh những người phản biện và tranh đấu. Một sự thay đổi từ chính đảng cộng sản, sẽ giảm bớt những đổ vỡ cho một xã hội đã dồn nén đến cùng cực như hiện nay. Chúng ta đôi khi không dám hình dung tới những viễn cảnh sụp đổ của chế độ, do những biến chuyển của thời thế hoặc sự vùng lên của người dân giành lấy tự do của mình và dân chủ cho đất nước./.

Hà Nội, ngày 12/4/2020

N.V.B