…Trên góc độ đạo lý sống của người Việt, những đối kháng địa chính trị của hai nước và nhất là do thái độ tráo trở của giới lãnh đao Bắc Kinh, người dân Việt Nam có câu trả lời dứt khoát là Chính phủ không được nhận cái gọi là Viện trợ y tế của Trung Quôc .
Đất nước khó khăn, dịch bệnh, sự tiếp nhận viện trợ của tổ chức quốc tế như WHO, IMF… hay các quốc gia khác là điều hết sức cần thiết đâu có gì phải băn khoăn. Thông tin Việt Nam nằm trong 64 nước được nhận viện trợ chống dịch của Mỹ là một tin vui với người Việt vì đó là sự hổ trợ bổ ích toàn diện từ việc nghiên cứu đến hổ trợ điều trị… Đó cũng là sự hổ trợ từ một một quốc gia minh bạch và không có mâu thuẫn về địa chính trị và chủ quyền.
Trung Quốc: chương trình viện trợ đầy tai tiếng
Nhưng với Trung Quốc thì người Việt có phản ứng khác. Theo Bộ Ngoại giao, ngày 2.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trao đổi về việc hợp tác phòng chống dịch Covid-19. Trong cuộc điện đàm ông Lý Khắc Cường thông báo Trung Quốc sẽ viện trợ và cung cấp vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh trong khả năng. (1)
Lập tức dư luận đặt vấn đề, Việt Nam có nên nhận viện trợ của Trung Quốc hay không?
Không riêng với Việt Nam, Trung Quốc đang đóng vai người hùng viện trợ, bán hàng cho nhiều nước trên thế giới. Kết quả của động thái này là sự phản ứng gay gắt của nhiều nước Séc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý về chất lượng của các sản phẩm này, chính báo chí lề phải Việt Nam đã ghi nhận “Trung Quốc gần đây đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ y tế cho nhiều nước, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc bị đặt dấu hỏi khi xuất hiện lo ngại về chất lượng trang thiết bị bảo hộ và bộ xét nghiệm mà nước này cung cấp”. (2)
Sống trong cái vòng thòng lọng của luật An ninh mạng và chế độ đàn áp các ý kiến phản biện, người dân Việt khó thể nào thu thập ý kiến trước những quan hệ ứng xử với Trung Quốc. Nếu có cuộc trưng cầu như thế trên mạng chắc chắn chỉ trong vòng 24 giờ sẽ có hàng vạn người bấm nút NO để trả lời câu hỏi có nên nhận viện trợ y tế phòng chống dịch virus Vũ Hán hay không.
Không chấp nhận không phải chỉ do tâm lý, định kiến bài Trung của đa số người Việt. Đương nhiên 1000 năm Bắc thuộc, hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược là Hoàng Sa và một phần Trường Sa vẫn còn nằm trong tay Trung Quốc là bài học cay đắng không thể nào quên. Nhưng trong bối cảnh cụ thể của cơn dịch lần này, của thời điểm đề nghị trao viện trợ này, cho thấy rằng với đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt, một chính phủ khôn ngoan, bản lĩnh, không nên và không được phép khinh suất hoặc yếu hèn nhận quà như vây.
Chống dịch hiệu quả, góp sức với cộng đồng
Trước hết phải ghi nhận kỳ tích của Chính phủ Việt Nam trong chủ trương và biện pháp chống dịch như chống giặc lần này. Trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và có hàng vạn người Trung Quốc ra vào trong nước Việt Nam vẫn giữ vững con số 16 ca bị nhiễm. Mãi đến 6-3 mới phát sinh thêm cas thứ 17 từ Anh về và từ đó đến nay đã kiểm soát, cách ly hầu hết các nguồn dịch hạn chế số người bị nhiểm trên 200 và không có ca tử vong.
Chính phủ cũng đã thể hiện trách nhiệm quốc gia trước dân tộc và cộng đồng quốc tế. Trong điều kiện ngân sách không mấy dồi dào và nền y tế còn nhiều hạn chế nhưng trước đại dịch, Việt Nam đã tiếp nhận điều trị cho kiều bào nước ngoài quay về và điều trị cho người nước ngoài đang lưu trú tại Việt Nam hoàn toàn miễn phí. Công tác này đã phát sinh thêm nhiều gánh nặng về cách ly, kiểm soát dịch bệnh cho hàng vạn người,…
Trách nhiệm quốc tế của Việt Nam cũng thể hiện trong việc chia sẻ khó khăn và tặng quà cho một số quốc gia. Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân Lào, Chính phủ và nhân dân Campuchia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, trị giá hơn 7 tỷ VNĐ cho mỗi nước. Các trang thiết bị y tế này bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm dịch COVID-19. (3)
Ngày 7-4, chính phủ Việt Nam cũng trao tặng 550.000 khẩu trang tới các nước Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, ý. Đây là loại khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất (4)
Trước đó vào tháng 2, Việt Nam đã tặng Trung Quốc số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. “Đây là các trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất mà Việt Nam đang có trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với các trang thiết bị, vật tư y tế để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi mong rằng số vật tư này sẽ góp phần động viên và hỗ trợ nhân dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Tô Anh Dũng Thứ trưởng Bộ Ngoai giao Việt Nam nhấn mạnh trong buổi lễ trao tặng. (5)
Những thông tin ấy cho thấy về điều kiện khách quan, Việt Nam không quá thiếu thốn về dụng cụ thiết bị y tế chống dịch để phải nhận viện trợ từ Trung Quốc.
Đạo lý “nếu ổn, xin nhường cho người khác”
Một thực tế khác là đạo lý của người Việt trong chống dịch đã đùm bọc nhau theo tinh thần “tri túc” hài hòa giữa bên cho và bên nhận.
Nhiều khách sạn đã tự nguyên hỗ trợ chính phủ làm nơi cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đóng góp hàng ngàn máy thở hổ trợ chống dịch. Mô Việt Kiều là nhà sáng chế và chủ doanh nghiệp đã miễn phí tác quyền, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam sản xuất máy thở chống dịch….
Báo Tuổi trẻ đã ghi nhận ở TP.HCM “Hàng trăm phần cơm dành cho người khó khăn, người bán vé số được người dân TP.HCM phát miễn phí, kèm theo khẩu trang, với thông điệp: nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. (6) Nhưng không chỉ TP.HCM mà khắp các tỉnh miền Tây đều có những điểm tương tự, cũng thông điệp tương tự “nếu khó khăn cứ lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.
Chắc hẳn, tinh thần tương thân tương ái này chưa đủ giúp đỡ, đùm bọc hết mọi số phận nghèo khổ và thực tế cũng xuất hiện những người đi xe máy đắt tiền đến nhận quà dành cho người nghèo. Tuy nhiên, không đâu xảy ra xô đẩy giành giật. Cái đạo lý biết đủ, biết chia sẻ của người Việt đang tỏa sáng ngay trong lúc khó khăn
Cái đạo lý “nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” ấy không cho phép người Việt nhận quà viện trợ y tế của Trung Quốc trong tình hình nhiều quốc gia khác đang cần, rất cần, đang rất thiếu.
Chính phủ tặng quà, Hải Cảnh đâm tàu, cướp của
Điều đáng nói là ngay trong ngày Lý Khắc Cường thăm hỏi, hứa hẹn tặng quà thì ngoài biển Đông, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã cưởng chiếm bằng bạo lực, nơi hơn 70 binh sĩ Việt Nam đã vị quốc vong thân, tàu Hải Cảnh Trung Quốc lại hung hăng đâm chìm một tàu cá Việt Nam, nhẫn tâm truy đuổi, cướp tài sản những tàu khác đến cứu hộ.
Khi Việt Nam lên tiếng đòi chấm dứt hành động phi pháp, vô nhân đạo nói trên thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại trả lời hết sức ngược ngạo rằng do tàu cá Việt Nam cố ý đâm vào mũi tàu Trung Quốc.
Nước Mỹ dù đang oặn mình trong đai dịch với số ca nhiểm cao nhất thế giới và nguy cơ còn bùng phát mạnh hơn vẫn quan tâm chia sẻ với Việt Nam và lên tiếng chỉ trích đích danh Mỹ ‘hết sức quan ngại’ vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam”
Sự gian trá và ngược ngạo của Trung Quốc không có điểm dừng. Ngay trong đại dịch này, Trung Quốc là nơi phát dịch, giấu thông tin về dịch và mở cửa cho hàng triệu người Vũ Hán tỏa đi gieo mầm dịch khắp thế giới trong đó có hơn 400.000 người đến Mỹ, nhưng cũng chính người phát ngôn Hoa Xuân Oánh điêu toa cho rằng “Mỹ đang nợ Trung Quốc lời cảm ơn”. Trong cao điểm dịch Vũ Hán, Trung Quốc tiếp nhận hàng chục tấn hàng viện trợ của Mỹ đến khi Mỹ và châu Âu phát dịch, Trung Quốc đã vét khẩu trang thiết bị y tế và găm hàng, nâng giá, siết khẩu trang… và hơn thế nửa là một kế hoạch liên hoàn “viết lại lịch sử dịch virus Vũ Hán”
Món quà viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam chắc chắn không thể thiếu lưỡi dao khuyến mãi bên trong. Nó có thể là bình phong, là lá chắn, là bằng chứng cho rằng Việt Nam chấp nhận yêu sách của Trung Quốc với biển Đông? Nó có thể là lưỡi câu kéo Việt Nam vào mắc xích câu chuyện giả tưởng dịch virus Vũ Hán xuất phát từ Mỹ, Ý hoặc là mưu đồ thâm sâu nào đó mà lương tri của người bình thường không đủ thâm độc để đoán ra.
Vì lòng tự trọng, vì đạo lý tri túc, người Việt không cần nhận viện trợ Trung Quốc. Vì món nợ xương máu chiến sĩ, tài sản và sinh mạng của ngư dân, người Việt không thể bị sỉ nhục phải mang ơn kẻ cướp. Vì sự khôn ngoan bản lĩnh của một chính phủ trước chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, sinh mạng người dân bị đe dọa, chính phủ Việt Nam không được phép nhận viện trợ chống dịch từ Trung Quốc dù có bất kỳ sức ép nào.
4-https://www.facebook.com/thongtinchinhphu
Bài bình luận gần đây