Hồi năm 2018, có một lần tôi đi phượt một mình. Chuyến đi đó quả thật là sẽ rất buồn tẻ nếu như không có những trải nghiệm kinh hoàng. Đó là một ngày đầu tháng 9 ở Tây Bắc xa xôi.
Sau khi không thể vượt qua con đường 197C, nối từ Thanh Thuỷ sang Hoàng Su Phì, tôi quay trở lại theo đường cũ. Những cơn mưa rừng làm xói lở con đường đất thành rãnh sâu hoắm, có khi đến cả hơn 1m. Đường đất dốc trung bình 10%, nhưng có những đoạn dốc cục bộ lên đến 30-40%, đi lên đã khổ, đi xuống còn tởm hơn. Lúc đi lên, tôi nhờ được hai bạn H'Mong xách đồ và vần xe giúp khi gặp chỗ khó. Lúc đi xuống, họ đi đường tắt băng núi về nhà, chỉ còn lại một mình tôi loay hoay trong rừng già.
4h30, tôi bắt đầu quyết định quay lại. Lúc đó trời còn sáng, việc tụt xuống khá dễ vì còn nhìn thấy rõ điểm đặt cho bánh xe trước. Nhưng chỉ một lúc sau trời sẩm tối, tôi bắt đầu bị ngã. Bật đèn xe lên cũng không ăn thua. Trung bình cứ khoảng 200m lại bị tụt hố hoặc ngã một phát.
Ngã nhiều quá, tôi rút kinh nghiệm bằng cách dừng xe lại, chạy bộ xuống dưới khoảng 100m ngó tính đường trước, rồi leo ngược dốc lên vần xe xuống. Đến khoảng 7h tối thì hoàn toàn không còn ánh sáng trên trời, và cũng không có cả sóng điện thoại. Xe của tôi nặng 130kg, hai thùng đồ và ba lô buộc trước thêm khoảng hơn 10kg nữa, nên mỗi lần ngã phải dựng nó lên là việc không đơn giản, đặc biệt là khi thể lực đã suy giảm, nước uống hết.
Trong ảnh là cú ngã khủng nhất, xe bị đổ vắt ngang một cái sống trâu, một bên là rãnh do nước mưa xói sâu 1,5m, còn bên kia là vực đen ngòm chả nhìn thấy gì, không có thế đứng nào để dựng xe dậy.
Cú ngã này làm tôi mất gần một tiếng mới thoát, hoang mang kinh khủng. Lúc đó tự dưng tôi nhớ đến các trường hợp tai nạn ở Tà Năng hay ở trên Phanxipang, nạn nhân chết chủ yếu là do hoảng loạn, bất cẩn, tự gây thương tích rồi kẹt lại vĩnh viễn không bao giờ quay về được với đời.
Sau khi thử vần xe không xong, tôi ngồi xuống nghỉ, uống một hớp nước nhỏ trong phần nước còn lại chút xíu dưới đáy chai lavie. Không thể bỏ xác ở đây! Nhục lắm! Tôi tự nhủ với mình như vậy và bắt đầu nghĩ cách thoát.
Sau khi bình tĩnh trở lại, tôi bỏ xe đó và đi tìm xung quanh được những đoạn cây gỗ do dân đi rừng chặt bỏ lại. Những đoạn gỗ này vô cùng quan trọng vì có thể làm đòn bẩy bẩy xe lên. Cứ thế kê kích, vần xe một mình trong đêm, sau khoảng 20 phút thì chiếc xe đã quay ra một cái thế có thể dựng lên được. Cái xe nặng như cối đá lỗ. Phát cuối cùng vận hết sức để nâng nó lên thật là kinh hoàng. Cho đến giờ này tôi vẫn không hiểu sức lực ở đâu ra mà mình có thể nâng được cú nâng thần thánh đến thế. Thế rồi thoát.
Sau đó tôi còn sa lầy hay ngã nhiều phát nữa, nhưng nhẹ hơn. Nếu không thoát được chỗ này thì chắc tôi đã chết. Giữa đồi núi âm u không bóng người, sóng điện thoại tịt ngóm, không thể nhờ ai trợ giúp, tôi đã thoát chết bởi sự bình tĩnh, bởi ý chí và niềm khát khao sống, khát khao phải quay về với cuộc đời này.
Tôi muốn kể lại với các bạn trải nghiệm nhỏ này vì mấy tuần nay quả thật là cảm xúc của tôi không được tốt cho lắm. Lúc thì lo lắng, lúc thì buồn bã và cáu giận. Dù đã có sự chuẩn bị trước về mặt tinh thần, vật chất... nhưng đối mặt với tình hình thực tế của đại dịch cúm Tàu, tôi cũng như mọi người, vô cùng mệt mỏi và lo lắng trước những thông tin xấu sầm sập lan đến từng nhà.
Trong cơn hoảng loạn của cả thế giới, nói ra điều gì tích cực cũng là điều rất khó khăn, khi mà bản chất con người dần bộc lộ ra, loã lồ đến tận tầng sâu nhất của tháp nhu cầu Maslow. Đối diện với cái chết, người ta sẵn sàng tranh cướp đến từng thùng mì tôm, cái khẩu trang, cuộn giấy vệ sinh. Người ta hằn học lên mạng chửi ai đó ầm ĩ chỉ vì dăm ba điều trái ý họ. Chuyện này không chỉ diễn ra ở Việt Nam đâu, mà nó đang xảy ra trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, tự dưng tôi chợt nghĩ đến câu Keep Calm and Carry On (Hãy bình tĩnh và tiếp tục). Đây là một khẩu hiệu rất hay, được chính phủ Anh đưa ra công chúng vào năm 1939, khi mà tình hình xã hội ở đó bắt đầu có những xáo trộn trước chiến tranh thế giới thứ hai.
Chiến tranh, bệnh dịch, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... là những thảm hoạ thường đi liền với nhau, và nó vô cùng khốc liệt. Nó tước đi sinh mạng, gia đình, tài sản và hạnh phúc của rất nhiều người. Nhưng không phải ai cũng gục ngã. Và thực tế đã chứng minh rằng những người bước qua được cơn khủng hoảng là những ai đã giữ được sự bình tĩnh để đối mặt với những khó khăn.
Người bình tĩnh có những đặc điểm như thế nào? Đó là khi gặp tình huống, thay vì hoảng loạn và đổ lỗi, họ nhìn về tương lai và cố gắng nhận diện những điều có thể xảy ra. Sau đó họ tập trung 100% sức lực và trí tuệ để chuẩn bị những thứ cần thiết nhằm sẵn sàng đón đầu các thảm hoạ ở mức tốt nhất. Đơn giản như vậy thôi.
Hãy bình tĩnh và tiếp tục. Đấy là câu nói tôi không chỉ muốn nói với các bạn, mà còn để tự nhắc nhở chính mình. Hãy tự bắt thóp mình, đưa mình thoát ra khỏi trạng thái cảm xúc xấu, nghĩ đến lợi ích khi mình vượt qua được thử thách khó khăn này. Đừng đổ lỗi. Đừng phán xét. Hãy tập trung chú ý vào bên trong chính mình, vì bạn có thể tự để mình vỡ vụn từ bên trong, trước khi mọi điều bên ngoài có thể phá hủy bạn. Hãy coi mọi khó khăn là cơ hội để chứng minh phẩm chất tuyệt vời của chính mình. Hãy tự hào bước qua thử thách này!
Xin chúc tất cả mọi người bình an.
Yêu thương tất cả./.
Bài bình luận gần đây