Sau 1975, nữ danh ca Thái Thanh từ chối trình diễn các bản nhạc đỏ theo yêu cầu của người CSVN. Sự việc đó khiến bà sống ẩn dật, cho đến mười năm sau - 1985 - giới mộ điệu âm nhạc mới được thấy bà xuất hiện trở lại trên xứ người.
Đó là quãng thời gian rất xưa - 35 năm về trước - tính đến năm nay, 2020 - nữ danh ca Thái Thanh - một Ngôi Sao âm nhạc Việt Nam đã rơi xuống trong khoảng không vô tận của vũ trụ mênh mông!
Giọng hát Thái Thanh - một giọng hát soprano nghiêng hẳn về kỹ thuật hát Opera - vốn không mang tính đại chúng. Tuy nhiên, sự khéo léo và tinh tế trong cách hát của bà, khi thêm "chất" Chầu Văn, "chất" Quan Họ, bỗng nhiên tạo cho người nghe một cảm giác lạ và mới.
Thái Thanh - Một giọng hát tinh khôi, trong như pha lê.
Giọng Thái Thanh thánh thót như giọt mưa thu rơi trên mái hiên những ngôi nhà xưa cũ mang dáng vẻ trầm tư mặc tưởng. Những quãng âm được cất lên - từ thanh đới Thái Thanh - khác xa tiếng lảnh lót của những chị "văn công giải phóng" trong "Cô Gái Vót Chông" nghe the thé như tiếng quạ; hoặc giả "Bình Trị Thiên Khói Lửa" gợi lên nỗi đau đầy máu, nước mắt với cảnh vật hoang tàn đổ nát đến rợn người...
Đó là may mắn của bà Phạm Thị Băng Thanh, khi buộc phải "xa Hà Nội năm lên mười bảy, (chắc là) khi vừa biết yêu"...
Mỗi nốt nhạc, mỗi ca từ của nhạc sĩ là "mỗi giọt" nỗi niềm mà họ cậy nhờ ca sĩ chuyển tải tới khán thính giả.
Thái Thanh - một trong những ngôi sao âm nhạc Việt Nam - đã thành công vang dội như tiếng kèn trumpet trong vai trò đó. Có lúc giọng bà rền vang như tiếng Saxophone của nghệ sĩ Tấn Quốc, những dịp khác người nghe lại thấy tiếng réo rắt đến nỉ non đứt ruột từ nhạc công điêu luyện với chiếc Vĩ Cầm - vốn là nhạc cụ dây ra đời sớm nhất trong thế giới âm nhạc.
Nếu Thái Thanh không rời khỏi Hà Nội sau 1954, chắc chắn Việt Nam sẽ nghe thấy tiếng "tù và hàng tổng" hay tiếng còi xe lửa gầm gừ, hoặc giả tiếng tu hú hay giọng kền kền réo vang quanh những xác chết!
May mắn thay! Hạnh phúc thay! Cho người Việt Nam!
Nữ danh ca Thái Thanh đã tạ thế! Một Ngôi Sao Âm Nhạc đã rơi!
Chắc ở đâu đó, Thái Thanh vẫn đang thầm thì và khắc khoải "Hẹn Hò" một kiếp sau để tiếp tục nghiệp cầm ca với đủ cung bậc vui-buồn-sướng-khổ và một kiếp người đa đoan - kiếp người Việt Nam!
Kính tiễn bà Phạm Thị Băng Thanh!
______________
Bài bình luận gần đây