Cuối tháng 3/2015, Đại hội Cựu Tù nhân Lương tâm Lần thứ Nhất được tổ chức tại Sài Gòn. Tôi và một số anh chị em cựu tù nhân lương tâm được mời tham dự. Dự đại hội xong, mấy anh em ở ngoài bắc chúng tôi đã rủ nhau tới thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Thanh Minh Thiền Viện.
Khi tới Thanh Minh Thiền Viện, chúng tôi đã thông tin với người quản gia về việc chúng tôi là cựu tù thời cộng sản, muốn gặp vấn an Đại lão Hòa thượng, nên chúng tôi đã được Ngài tiếp đón.
Đại lão Hòa thượng đã tiếp đón chúng tôi ân cần, vui vẻ. Ngài hỏi thăm về từng người và hỏi tình hình chung. Chúng tôi đã trình bày với Ngài về tình hình anh chị em phản biện, tranh đấu và về việc thành lập Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Ngài rất hài lòng, và có hỏi tôi một câu: “bây giờ đã đến lúc lập đảng chưa?”. Tôi giật mình và trả lời: “Thưa Hòa thượng, đúng là hiện nay đã đến lúc lập đảng rồi, và con đã cố gắng vận động nhưng tiếc là không có người cùng tham gia”. Chỉ một câu hỏi của Đại lão Hòa thượng, tôi biết Ngài đã rất quan tâm, theo sát tình hình đất nước và phong trào dân chủ, đồng thời có cái nhìn rất nhạy bén về thời cơ.
Trước đó, trong quá trình đại hội Cựu Tù nhân Lương tâm, tôi có gặp và trò chuyện với nhiều người, trong đó có linh mục Anton Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nơi diễn ra đại hội. Linh mục Thanh cũng hỏi tôi một câu có nội dung tương tự, và tôi cũng đã trả lời giống như với Đại lão Hòa thượng. Thật lạ, những người tu hành nhưng rất nhạy bén với thời cuộc.
Đầu năm 2014, tôi được bạn bè mời vào Sài Gòn để vận động thành lập một tổ chức xã hội dân sự. Trong quá trình đó, tôi có đặt vấn đề thành lập đảng với người bạn. Nhưng bạn tôi đã từ chối, và nói chỉ thích và muốn làm từ thiện. Trở ra Bắc, tôi cũng đã đi gặp vài ba người bạn nữa, trao đổi việc lập đảng. Nhưng tôi cũng không được ai ủng hộ và đồng ý tham gia. Tôi hiểu và hoàn toàn không buồn hay thắc mắc gì. Tôi hiểu vì đối với những người bạn tôi, họ không có cùng cách nhìn với tôi về mục đích, ý nghĩa cũng như thời cơ của vấn đề tổ chức, vấn đề lập đảng… nên họ không thể tham gia hoặc hy sinh cho điều chưa thành niềm tin mãnh liệt nơi họ. Cũng sau việc này, tôi hiểu rằng mục đích lập tổ chức để tập hợp lực lượng của tôi là vô vọng.
Quãng thời gian 2011 - 2014 là quãng thời gian vô cùng sôi động của những người tham gia phản biện xã hội và biểu tình chống Trung Quốc. Tinh thần và khí thế của các anh chị em khi đó lên tới mức cao chưa từng có. Đó cũng là thời gian bắt đầu xuất hiện những tổ chức xã hội dân sự như Câu lạc bộ Bóng đá FC-NoU, Hội Bầu Bí Tương thân… Với tinh thần và khí thế đó, việc ra đời một đảng chính trị chính là đánh dấu tinh thần và quyết tâm của những người phản biện xã hội và đấu tranh dân chủ. Trên một khía cạnh nào đó, chúng ta đã không tận dụng được thời cơ thứ hai, sau thời điểm Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2006.
Trong suốt quá trình hoạt động của mình, tôi luôn luôn suy tư về vấn đề tổ chức. Bản thân cũng đã từng tham gia vào việc chuẩn bị thành lập tổ chức (Hội Chống tham nhũng - 2001), và tham gia tổ chức có sẵn (Hội Anh Em Dân Chủ - 2015). Tôi không rõ những người khác quan tâm tới tổ chức ở khía cạnh nào nhưng cá nhân tôi chỉ quan tâm một khía cạnh duy nhất của tổ chức. Đó là việc tập hợp lực lượng để đấu tranh với nhà cầm quyền nhằm có được sự công nhận, và hình mẫu của tôi chính là Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan, tất nhiên chỉ với ý nghĩa một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản. Về vấn đề này tôi đã trình bày trong bài viết “Vấn đề tổ chức”. Mong muốn của tôi đã không thực hiện được, nhưng tôi chưa bao giờ hết lạc quan về một sự thay đổi ở Việt Nam, diễn ra theo một cách khác với suy nghĩ và mong muốn của mình./.
Hà Nội, ngày 04/3/2020
N.V.B
Bài bình luận gần đây