Hình: Rửa tay nên kèm với xà phòng (Nguồn: Internet)
Rửa tay là một biện pháp vệ sinh cơ bản mà mọi người đều biết và thường áp dụng cho các sinh hoạt hàng ngày.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh nói chung, rửa tay được khuyên dùng như một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đối với dịch Covid-19 cũng vậy. WHO, Tổ chức Y tế Thế giới, đã khuyến nghị mọi người rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.
Các tổ chức y tế ở các quốc gia, như Trung tâm Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ hay Bộ Y tế Việt Nam, cũng có khuyến nghị tương tự.
Mọi người có thể nghe theo khuyến nghị và do đó thực hành rửa tay thường xuyên hơn. Dù vậy, nhiều người không chắc liệu rửa tay có thực sự phòng tránh và ngăn chặn dịch bệnh một cách hữu hiệu.
Nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ[1] có thể đẩy lùi hoài nghi đó khi cho thấy rửa tay có thể làm chậm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Nghiên cứu sử dụng các mô phỏng dựa trên dữ liệu và mô hình dịch tễ học để xác định liệu vệ sinh cá nhân có ảnh hưởng đến tốc độ truyền bệnh hay không.
Các nhà nghiên cứu viện dẫn khảo sát của Hiệp hội Vi sinh học Hoa Kỳ vào năm 2003 về vệ sinh tay tại các sân bay Mỹ cho thấy 30% hành khách di chuyển với các chuyến bay không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.[2]
Một trong các tác giả của nghiên cứu, giáo sư Christos Nicolaides nói rằng "70% người đi toilet là rửa tay sau đó. 30% thì không. Và trong số những người rửa tay, chỉ 50% là đúng cách." Ông lưu ý thêm rằng chỉ 20% hành khách là rửa tay mọi lần, và nhiều người dành thời gian rửa tay không đến 15 giây.[3]
Rửa tay như thế nào thì đúng cách? Theo CDC Hoa Kỳ, đó là kèm với xà phòng và cần chà lòng bàn tay, lưng bàn tay, kẽ ngón tay, và cả móng tay. Ngoài ra, thời gian chà nên tối thiểu là 20 giây trước khi xả nước và lau hoặc sấy khô.[4]
Trong nghiên cứu, dữ liệu về không vận toàn cầu của 2.500 sân bay bận rộn nhất được các tác giả sử dụng để xem xét thời gian bay, quãng đường bay, các kết nối hành trình, và ước lượng thời gian mà hành khách sử dụng tại các sân bay.
Dựa trên các phương pháp và dữ liệu từ các nghiên cứu về cách mọi người tương tác với nhau và với môi trường xung quanh – điều này có thể có ý nghĩa trong việc tìm hiểu khả năng tiếp xúc với mầm bệnh – các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô phỏng của các mô hình lây lan.[5]
Họ xác định 120 sân bay trên thế giới mà họ cho rằng có vai trò chính trong sự lây lan của các tác nhân truyền nhiễm. Các sân bay này không nhất thiết là các sân bay có lưu lượng lớn nhất.
Ví dụ, các sân bay Narita ở Nhật Bản và Honolulu ở Mỹ tuy được xếp thứ 47 và 117 về lưu lượng, song góp phần đáng kể vào việc tăng tốc và mở rộng các bệnh truyền nhiễm, với khả năng truyền bệnh được xếp thứ 3 và 30, một cách tương ứng.[6]
Đó là do chúng kết nối trực tiếp với các sân bay lớn nhất thế giới, vận hành các chuyến bay quốc tế dài đi và về, đồng thời là điểm trung chuyển giữa các quốc gia ở phương Đông và phương Tây.[7]
Theo các nhà nghiên cứu, nếu mọi người rửa tay thường xuyên và đúng cách, tốc độ lây lan của dịch bệnh sẽ giảm đáng kể.
Cụ thể, nếu 60% thay vì 20% giữ tay sạch thường xuyên, tỷ lệ cá nhân bị ảnh hưởng trên tổng số hành khách sẽ giảm từ 1,5% xuống dưới 0,5%, tương ứng với mức giảm của tốc độ lây lan là 69%. Thậm chí, nếu chỉ 30% giữ tay sạch thường xuyên thôi thì mức giảm này sẽ là 24%.[8]
Giáo sư Nicolaides cho biết tăng cường vệ sinh tay là một thách thức, nhưng các phương pháp tiếp cận mới trong giáo dục, nhận thức, và truyền thông xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả.[9]
Mặc dù các nhà nghiên cứu giải thích rằng các chiến dịch giáo dục về vệ sinh cá nhân có thể giúp cải thiện tình hình, song họ thừa nhận rằng điều này khó đạt được ở lượng lớn các sân bay.[10]
Tuy nhiên, họ cho rằng có thể đạt được kết quả đáng kể bằng cách xác định 10 sân bay quan trọng nhất, gần với các nguồn dịch bệnh để triển khai chiến dịch vệ sinh tay. Cách tiếp cận này có thể làm giảm nguy cơ xảy ra đại dịch đến 37%.[11]
Giáo sư Nicolaides và các đồng nghiệp cũng lưu ý rằng có thể hữu ích khi thêm nhiều chậu rửa tay vào sân bay, thậm chí bên ngoài nhà vệ sinh, để khuyến khích mọi người rửa tay thường xuyên hơn. Ngoài ra, một biện pháp hữu ích khác là làm sạch và khử trùng bề mặt tại các sân bay thường xuyên hơn, đặc biệt là ở những nơi có nhiều người tiếp xúc.[12]
Nghiên cứu, theo các tác giả, "có khả năng định hình cách thức mà các nhà hoạch định chính sách thiết kế và thực hiện các can thiệp chiến lược dựa trên việc thúc đẩy rửa tay tại các sân bay, có thể giúp kiềm chế sự lây lan trong khu vực địa lý giới hạn trong những ngày đầu bùng phát, ngăn chặn sự mở rộng thành đại dịch."[13]
Các tác giả kết luận rằng sự tham gia của mọi người trong việc vệ sinh tay đúng cách có thể là một giải pháp đơn giản và hiệu quả để ngăn ngừa lây lan và giảm nguy cơ đại dịch toàn cầu.[14]
Như vậy, theo nghiên cứu này, rửa tay là thực sự hữu hiệu để ngăn chặn dịch bệnh. Và, việc mà chúng ta nên làm trước dịch Covid-19 là thực hiện các khuyến nghị từ nghiên cứu. Ở góc độ cá nhân, điều này đòi hỏi mỗi người thay đổi thói quen vệ sinh tay nhằm bảo vệ tốt hơn cho bản thân và xã hội.
Chú thích:
[1] Hand‐hygiene mitigation strategies against global disease spreading through the air transportation network
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/risa.13438
[2] Another US airport travel hazard - dirty hands
https://www.eurekalert.org/pub_releases/2003-09/asfm-aua091103.php
[3] Why hand washing really could slow down an epidemic
https://www.medicalnewstoday.com/articles/why-hand-washing-really-could-...
[4] When and how to wash your hands
https://www.cdc.gov/handwashing/when-how-handwashing.html
[5] Như [3]
[6][7][8] Như [1]
[9][10] Như [3]
[11][12][13][14] Như [1]
(Bài viết này dựa trên bài viết gốc 'Why hand washing really could slow down an epidemic' ('Vì sao rửa tay thực sự có thể làm chậm dịch bệnh') trên Medical News Today mà chú thích [3] đã dẫn.)
Bài bình luận gần đây