You are here

Sự tàn ác của Tô Lâm và Bộ công an đối với những người bị bắt ở Đồng Tâm

Ảnh của nguyenvandai

Trong vụ việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tấn công khủng bố giết hại dân thường, bắt người và cướp đoạt đất đai, tài sản tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 thì do Tô Lâm và Bộ Công an đóng vai trò chính.


Tội ác của Tô Lâm và Bộ Công an vẫn chưa dừng lại mà vẫn đang tiếp tục với những người bị bắt và gia đình họ.

Tô Lâm và Bộ Công an đã:

Thứ nhất, tước đoạt quyền có luật sư của những người bị bắt.

Cho tới nay đã gần 2 tháng, mặc dù gia đình của những người bị bắt đã thuê luật sư, và các luật sư đã gửi công văn tới Cơ quan điều tra đề nghị được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Nhưng các luật sư đã chờ đợi quá thời hạn luật định nhiều tuần mà chưa được cấp giấy.

Khoản 4 điều 31 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định:

“Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”

Qui định này được cụ thể hóa trong Bộ luật TTHS từ điểm e điều 57; điểm g điều 58; điểm d điều 59; điểm h điều 60; điểm g điều 61;

Qua việc này, chúng ta thấy Tô Lâm và Bộ công an đã chà đạp lên Hiến pháp và pháp luật. Xâm phạm nghiêm trọng các quyền con người.

Việc không cho luật sư bảo vệ cho những người Đồng Tâm bị bắt sẽ dẫn đến việc ép cung, mướm cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án, gây oan sai.

Thứ hai là tước đoạt quyền thăm gặp người nhà của những người Đồng Tâm bị tạm giam.

Những người dân Đồng Tâm bị bắt đã gần 2 tháng, nhưng họ chưa được gặp gia đình. Trong khi đó, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam qui định:

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:

d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;

Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1.Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.”

Như vậy, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam qui định rất rõ ràng quyền được gặp thân nhân, gặp luật sư,... của người bị tạm giam. Mỗi tháng được gặp thân nhân ít nhất một lần và mỗi lần là một giờ.

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng qui định nguyên tắc, trách nhiệm của Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam:

“Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.”

Chúng ta đã nhìn thấy rõ bản chất của chế độ độc đảng cộng sản là coi thường Hiến pháp và pháp luật do chính họ xây dựng lên.

Thứ ba là vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự khi đối xử tàn ác với phụ nữ và trẻ em.

Theo qui định tại khoản 4 điều 119 của Bộ Luật tố tụng hình sự qui định về tạm giam như sau:
“4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

  1. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
  2. Tiếp tục phạm tội;
  3. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
  4. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.”

Chị Trần Thị Phượng, đang nuôi con nhỏ là cháu Bùi Trung Kiên, sinh ngày 28 tháng 8 năm 2018. Tính đến ngày chị Phượng bị bắt là ngày 11 tháng 1 năm 2020 thì cháu Kiên mới hơn 16 tháng tuổi.

Trong khi đó, chị Phượng có bỏ trốn, nhưng đã ra trình diện chứ không phải bỏ trốn rồi bị bắt theo diện truy nã ở điểm a, điều 119. Và chị Phượng cũng không thuộc diện ở các điểm b, c, d của khoản 4 điều 119.

Như vậy, nhà cầm quyền cộng sản VN đã quá bất nhân, tàn bạo và độc ác đối với trẻ em là cháu Bùi Trung Kiên khi mà bố cháu đã bị bắt ngày 9/01/2020, mẹ bị bắt ngày 11/01/2020 trong khi cháu còn nhỏ, rất cần sự chăm sóc và tình cảm của người mẹ.