You are here

Đại dịch Virus Corona: khắc tinh của thể chế toàn trị cộng sản (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi 7: Việc xử lý dịch bệnh, chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, và những việc nhà cầm quyền VN thực hiện từ khi xảy ra dịch bệnh ở TQ ra sao? Theo nhà báo, những việc làm đó có thực sự đối phó được với một dịch bệnh nếu như ở VN xảy ra giống như TQ hay không? Theo nhà báo cần thực hiện những công việc quan trọng nào?

     Trả lời:

     Việc xử lý dịch bệnh của Việt Nam rất giống với cách thức xử lý dịch bệnh của Trung Quốc. Đầu tiên là việc bưng bít, phong tỏa thông tin. Chúng ta cần tìm hiểu tại sao nhà cầm quyền TQ và VN lại bưng bít, phong tỏa thông tin về dịch bệnh? Một phân tích của facebooker Từ Thức đã làm sáng tỏ điều này. Với khả năng lây nhiễm nhanh chóng và làm chết rất nhiều người, nếu như nhà cầm quyền Trung Quốc không phong tỏa, bưng bít thông tin thì khi thông tin được đưa ra, dân chúng thấy người nhiễm và chết bệnh nhiều quá sẽ hoảng loạn. Người ta thấy rằng mình đang đối mặt với một cái chết rất nhanh và hầu như không thể cứu chữa được. Khi đó, với thông tin về sự bưng bít, cách hành xử của nhà cầm quyền từ khi xuất hiện dịch sẽ gây phẫn nộ cho toàn dân. Điều này sẽ làm dấy lên làn sóng căm phẫn và lan tỏa rất nhanh chóng. Bình thường, người dân rất sợ những sự trừng phạt và sự hà khắc của chế độ. Nhưng đó là những nỗi sợ hãi thường trực, thường xuyên và chưa đến ngay, cũng như có thể chưa dẫn đến cái chết tức thì. Còn việc đối đầu với dịch bệnh không có thuốc chữa, không có thuốc giải chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết ngay lập tức. Chính vì vậy nhiều khả năng sẽ dẫn tới một sự bùng nổ, bùng phát của người dân khi không còn gì để mất, không còn gì lớn hơn nỗi sợ trước cái chết cận kề. Đó là chưa kể tới những sự dồn nén qua tháng ngày bởi sự độc ác và dã man của đảng cộng sản và nhà cầm quyền đối với dân chúng bao năm qua. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới sự phong tỏa, bưng bít thông tin của nhà cầm quyền Trung Quốc cũng như Việt Nam.

     Việt Nam đã không đóng cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, nơi xuất phát đại dịch và hiện đại dịch vẫn đang lan tràn khắp Trung Quốc. Qua vụ việc này người dân mới biết được Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định về an ninh và dịch bệnh mà muốn đóng cửa biên giới phải được thống nhất của cả hai bên, có nghĩa là phải được sự cho phép của Trung Quốc mới đóng cửa biên giới được. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì người dân Trung Quốc vẫn sang Việt Nam trong lúc có dịch bệnh. Mặc dù những người Trung Quốc sang Việt Nam sau này được cách ly nhưng việc cách ly trong điều kiện và khả năng của Việt Nam hoàn toàn không bảo đảm ngăn chặn được sự lây lan, phát tán của virus. Ngoài ra, qua đại dịch này, người dân Việt Nam mới biết hầu như tỉnh nào của Việt Nam cũng có người Trung Quốc đang làm việc, vì thông tin về người Trung Quốc đang làm việc ở các tỉnh về nước ăn Tết quay trở lại là việc.

     Việt Nam cũng đã triển khai các biện pháp đối phó với đại dịch Viruscorona nhưng đó là những biện pháp thông thường, không đặt trên nhưng giải pháp đúng đắn, cần thiết. Để đối phó với đại dịch Viruscorona này, theo quan điểm của tôi cần thực hiện những biện pháp cơ bản sau đây.

     - Trước hết, cần có một Ủy ban ứng phó với đại dịch thống nhất trong toàn quốc, và việc quan trọng nhất của Ủy ban đó, là thông tin trung thực, khách quan toàn bộ thông tin liên quan đến dịch bệnh, không được dấu diếm, bưng bít và phong tỏa thông tin. Cần phải để người dân cập nhật được tình hình, những thông tin quan trọng nhất như các địa chỉ khám chữa bệnh, số người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, số người Trung Quốc ở các địa phương…

     - Thống nhất cách thức, phương pháp phòng chữa bệnh trong toàn quốc để hướng dẫn người dân biết được cách thức tự phòng chống dịch. Thống nhất việc đóng cửa các trường học, dừng các lễ hội, nghiêm cấm tập trung đông người…vv

     - Mua sắm các trang thiết bị y tế, các phương tiện chống dịch… kêu gọi sự giúp đỡ của các nước trong việc trang bị cũng như nguồn lực để chống và dập dịch. Toàn bộ các nguồn lực này phải thực sự dùng để chống dịch chứ không để xảy ra việc sử dụng sai mục đích và tham nhũng trong vụ việc nghiêm trọng này.

     - Nêu cao ý thức của người dân và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam trong hoàn cảnh chống lại đại dịch. Người dân có ý thức chống dịch, và có tinh thần tương thân tương ái sẽ giúp nhiều trong việc khống chế và ngăn chặn đại dịch.     

     Câu hỏi 8: Nhà báo đánh giá thế nào về ảnh hưởng của đại dịch viruscorona đối với nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thế giới và nhất là VN sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như thế nào?

      Trả lời:

     Đối với Trung Quốc, đại dịch này đúng là một thảm họa. Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bới những lý do sau: sự phong tỏa các tỉnh, thành trong cả nước Trung Quốc làm giảm, gián đoạn toàn bộ quá trình, quy trình sản xuất, cung ứng của nền kinh tế; số lượng lao động thiếu hụt do lo ngại nhiễm bệnh, do người bị nhiễm bệnh, thậm chí người chết làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế; tâm trạng của những người còn lại đi làm cũng hoàn toàn bất an, chỉ lo nghĩ đến chuyện sống chết nên không còn tâm trí làm việc… và một điều chắc chắn, khi dịch bệnh chưa được khống chế, thì sản lượng cũng như sự cung cấp hàng hóa của Trung Quốc bị sụt giảm thê thảm.

      Đối với nền kinh tế toàn cầu, bời trong thời gian gần đây, nền kinh tế thế giới có sự phụ thuộc lớn lẫn nhau giữa các nền kinh tế, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã vận hành từ khá lâu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nền kinh tế thế giới vì vậy cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch này. Trung Quốc là một công xưởng của thế giới, cả về những mặt hàng thay thế giá rẻ, cả về chuỗi cung ứng nay lâm vào tình trạng bi đát thì thế giới cũng sẽ bị lao đao.

     Đối với Việt Nam, một nền kinh tế lệ thuộc phần lớn vào nền kinh tế Trung Quốc, từ nguyên, nhiên vật liệu, từ hàng hóa giá rẻ, từ máy móc thiết bị phụ tùng, và Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam về nông sản… vì vậy, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng cực lớn bởi đại dịch lần này. Thông tin về các hàng nông thổ sản của Việt Nam đang bị ách tắc ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đã phản ánh sự ảnh hưởng phần nào. Nhưng điều quan trọng nhất, nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu từ 40-60 tỷ $ hàng hóa trang thiết bị máy móc và hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc. Nay số hàng hóa đó không còn, hoặc không bảo đảm đủ số lượng sẽ ảnh hưởng tới nền sản xuất, và ảnh hưởng tới việc phát hành lượng tiền lớn vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế Việt Nam bấy lâu nay sẽ bị ngưng trệ. Đối với Việt Nam, nếu tính sức sản xuất của nền kinh tế, thì lượng tiền phát hành luôn vượt quá khả năng sản xuất mà chưa bị siêu lạm phát, lý do là Việt Nam ở giáp Trung Quốc mà một lượng hàng hóa lớn giá rẻ của Trung Quốc tràn sang trung hòa được lượng tiền nhà nước luôn phát hành vượt quá sức sản xuất của nền kinh tế. Nay hàng hóa của Trung Quốc không còn tràn sang như trước nữa khiến cho nhà nước Việt Nam không dám in lượng tiền quá lớn như trước, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lực của chế độ. Đây là ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về kinh tế do đại dịch gây ra đối với Việt Nam./.

Hà Nội, ngày 17/02/2020

N.V.B