You are here

Đại dịch Virus Corona: khắc tinh của thể chế toàn trị cộng sản (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     Hiệu lực của guồng máy đối phó với dịch và đại dịch. Khi một nước dân chủ xảy ra dịch và đại dịch, toàn bộ hệ thống nhà nước, chính quyền và người dân cùng tham gia chống dịch, dập dịch. Khi có sự quan tâm và tham gia của toàn hệ thống, người ta sẽ tận dụng được thời gian vàng trong việc chống dịch, dập dịch. Đối với các nước toàn trị cộng sản, nhất là trong thời gian gần đây, quan tâm số một của họ là việc duy trì thể chế toàn trị độc tài, duy trì chế độ dẫn tới việc họ nghi ngờ tất cả những thông tin, sự việc có thể gây ra rối loạn, hoặc thế lực thù địch lợi dụng để tấn công thể chế, thay đổi chế độ. Cùng với việc đó là những vấn đề quan trọng đều phải được cấp cao nhất, tức là trung ương biết và địa phương hoàn toàn không được quyết định. Hệ thống toàn trị cộng sản thì không thể có quyết định cá nhân, mà phải là quyết định tập thể. Đối với vụ dịch ở Vũ Hán, các quan chức Vũ Hán đã nhận lỗi và đưa ra lý do họ không có quyền quyết định việc thông báo dịch mà phải chờ đợi ở cấp trên, trung ương. Đối với trung ương, cũng không phải cá nhân nào có thể quyết định được ngay lập tức, mà phải có sự bàn bạc và ra quyết định tập thể. Chính những vấn đề này đã kéo dài thời gian ứng phó, thông báo, thông tin tới người dân và mất đi cơ hội đển ngăn chặn và hạn chế sự lây lan, phát tán của con virus nguy hiểm này. Thể chế toàn trị hầu như không thể bảo đảm hiệu lực của bộ máy trong việc đối phó với dịch và đại dịch.

     Trên đây là những vấn đề quan trọng nhất chứng tỏ đại dịch Viruscorona là khắc tinh của thể chế toàn trị cộng sản, nó làm bộc lộ toàn bộ sự bất lực, những điều kinh khủng của thể chế toàn trị trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tính mạng của người dân.     

     Câu hỏi 6: Việt Nam là nước giáp TQ, lại không được phép đóng cửa khẩu khi chưa được TQ đồng ý, và VN đã có rất nhiều người TQ tới du lịch, cũng như công nhân TQ nghỉ Tết quay lại làm việc. Tính về mặt thời gian, và số lượng rất lớn người TQ ở VN thì theo lý, đã có sự bùng phát giống như ở TQ. Nhưng mặc dù bị bưng bít thông tin, rõ ràng là VN không (chưa) bị bùng phát dịch như TQ, theo nhà báo thì tại sao VN lại chưa bị bùng nổ dịch bệnh?

     Trả lời:

     Đây là một câu hỏi hay, và tôi cũng rất trăn trở. Đã có nhiều người cách nay dăm bảy ngày đã nói, tuần tới hoặc 10 ngày nữa, Việt Nam sẽ bùng nổ đại dịch Viruscorona này. Mặc dù số liệu người bị xác định nhiễm bệnh, người nghi nhiễm và người bị cách ly không phải là con số nhà cầm quyền VN thông tin, tức là con số lớn hơn nhiều. Nhưng kể cả là con số lớn hơn như vậy, Việt Nam vẫn chưa bùng phát dịch bệnh như Trung Quốc, đó là một sự thật hiển nhiên. Vậy điều gì làm cho Việt Nam chưa bùng phát dịch bệnh? Đâu là câu hỏi rất khó trả lời, rất khó giải thích? Tôi đã đọc được một bài viết trên facebooks, bài viết này nghe nói của giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn ở Úc. Ông là một giáo sư rất uy tín trong ngành y, có nhiều công trình nghiên cứu quốc tế. Ông đã nhận định về đợt dịch bệnnh này như sau:

     Theo nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, thì dịch Corona có vẻ như là một dịch bệnh địa phương (Epidemic) hơn là một dịch bệnh toàn cầu (Pandemic). Giáo sư Tuấn đưa ra nhận định này cách đây khoảng bốn, năm ngày và cho đến hôm nay các số liệu mới nhất cho thấy có vẻ nhận định này là có cơ sở.

     Cho đến 6h sáng ngày 07/02 con số người nhiễm công bố là 28.261 trên toàn cầu nhưng riêng Trung quốc đã chiếm đến 28.018 ca, còn lại bên ngoài Trung quốc chỉ có hơn 200 ca. Nghĩa là đến 99,1% số người nhiễm nằm ở Vũ Hán và Trung quốc.

     Dĩ nhiên là con số nhiễm của các nước ngoài Trung quốc sẽ tăng lên theo thời gian khi dịch đến cao trào nhưng có thể cũng sẽ trong giới hạn 1 hoặc vài phần trăm trên tổng số, còn Trung quốc cũng sẽ tiếp tục chiếm đa số. Thí dụ như khi Trung quốc đạt đến con số 100 ngàn người nhiễm thì bên ngoài chỉ có thể xấp xỉ 1 vài ngàn ca còn Việt Nam cũng chỉ một hai trăm ca đổ lại mà thôi.

     Vì sao có tình trạng dịch chỉ quanh quẩn ở một khu vực mà không tiến xa hơn?

     Một số chuyên gia giải thích trường hợp này là do con virus chỉ tìm thấy môi trường ký sinh lý tưởng trong cơ thể người Vũ Hán - Giang Tô nên nó sinh sôi nảy nở, nhưng khi qua cơ thể người bên ngoài, nhất là ngoài Trung quốc thì nó không thích hợp nên không phát triển.

     Chúng ta biết rằng mỗi khu vực dân cư có một chế độ ăn uống khác nhau, môi trường sống khác nhau, và chính điều đó đã làm cho cơ địa con người ở khu vực này khác với khu vực khác.

     Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn lấy một thí dụ về sự khác biệt liên quan đến chế độ ăn uống cùng môi trường sống dẫn đến cơ địa khác nhau trong động vật. Đó là khi chúng ta đưa con cá chép vào một môi trường nước có nhiệt độ thường xuyên thấp và cho ăn hạt đậu tằm, thì chúng ta thu được loại “cá chép giòn” mà thịt của nó trở nên cứng và dai như thịt thú rừng.

     Con người cũng như vậy. Hệ thức ăn và môi trường sống sẽ góp phần hình thành nên cơ địa của quần thể cư dân đó. Và chủng virus khi tìm thấy môi trường ký sinh thích hợp trong quần thể cư dân đó thì chúng sẽ phát sinh với tốc độ chóng mặt, nhưng chúng sẽ giảm tốc độ hoặc thậm chí thoái hóa khi lây nhiễm sang quần thể cư dân khác có cơ địa quá khác biệt.

     Trong lịch sử dịch bệnh, hiện tượng Epidemic (địa phương) cũng thường xảy ra. Tuy vậy có thể sẽ có những chủng virus có khả năng thích nghi với nhiều loại cơ địa khác nhau thì sẽ lan rộng, tạo thành một Pandemic (toàn cầu). Tuy nhiên với chủng virus Corona, chúng ta hy vọng rằng chúng sẽ ít có khả năng thích nghi với những quần thể cư dân xa. Một dẫn chứng là một số trường hợp nhiễm thứ cấp ở Việt Nam, như trường hợp ở Nha Trang, thì người bị nhiễm nhanh chóng phục hồi, có lẽ là do virus không tìm thấy môi trường ký sinh lý tưởng để phát triển chứ không phải là bác sĩ Việt Nam giỏi.

     Giáo sư Tuấn cũng không khẳng định, mà chỉ hi vọng đại dịch Coronavirus Vũ Hán là một đại dịch địa phương. Đây cũng là hi vọng chung của tất cả chúng ta. Với giải thích như của giáo sư Tuấn, chúng ta đã phần nào giải đáp được thắc mắc về việc tại sao Việt Nam chưa bùng phát dịch bệnh như Trung Quốc dù rằng đã có hầu như đủ các điều kiện để bùng phát dịch bệnh. Việc dự đoán của chúng ta, tôi cũng không dám chắc chắn trong tương lai Việt Nam có bùng phát dịch bệnh hay không, vì tôi không có kiến thức và những thông tin chuyên môn đầy đủ về dịch bệnh. Chúng ta hi vọng đại dịch này dừng ở cấp độ địa phương…

     (còn nữa)

Hà Nội,ngày 16/02/2020

N.V.B