Aesop là một nhà văn Hy Lạp cổ đại. Ông được cho là tác giả của hàng ngàn câu chuyện ngụ ngôn, được chép tay và truyền khẩu bằng nhiều ngôn ngữ qua hàng thế kỷ cho đến tận ngày nay. Trong bộ sưu tập về chuyện ngụ ngôn của Aesop, có một câu chuyện rất nổi tiếng về bác nông dân và con rắn như thế này:
Vào một buổi sớm mùa đông một bác nông phu ra đồng. Bác chợt thấy có một con rắn đang nằm dài trên mặt đất, lặng im và cứng đờ vì lạnh. Mặc dù biết rắn là loài nguy hiểm chết người, bác vẫn nhặt nó lên và ôm nó vào ngực bác để sưởi cho nó sống lại.
Chẳng mấy chốc con rắn đã cựa quậy được, và khi nó đã tỉnh hẳn, nó liền cắn người đã có lòng tốt cứu lấy sinh mạng của nó. Cú táp hết sức nguy hiểm và bác nông phu biết rằng mình sẽ chết. Khi bác trút hơi cuối cùng, bác nói với mọi người xung quanh: "Hãy lấy cái chết của tôi làm bài học, đừng bao giờ thương hại những kẻ vô ơn"
Bài học của người xưa là vậy, nhưng rất tiếc đến giờ này nhiều người vẫn không hiểu, và họ vẫn vấp phải lỗi lầm khi thương hại những kẻ vô ơn và nham hiểm. Tôi phải nhắc đến chuyện này bởi hôm trước vào Đồng Tâm thắp hương viếng cụ Kình tôi được nghe bà con kể rất nhiều việc.
Chuyện kể rằng hồi năm 2017 khi cụ Kình bắt đầu phải cùng bà con giữ đất, có một tốp an ninh thường xuyên mò vào thôn Hoành xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. Vốn là trưởng công an xã, rồi lên làm bí thư, cụ Kình chả ngại gì tiếp đón đám an ninh này. Cụ coi chúng nó như đám con cháu trong làng, vì nhiệm vụ như cụ ngày xưa nên phải về đây nắm bắt cơ sở mà thôi.
Chúng về làng nhiều lắm, ăn nghỉ ở đó hàng năm trời, thăm thú rồi giao lưu hỏi han cả xã. Nhiều lần cụ Kình còn cho con cháu tiếp đãi cơm nước chúng nó đàng hoàng, chứ không phải chỉ là chuyện đãi bôi hay xã giao qua ngày. Dân làng còn mua hộ chúng nó bao lần toàn gà tơ với trứng gà ta ngon nhất ổ, nhưng ai dám lấy tiền cán bộ về giúp dân "ổn định tình hình" địa phương đâu.
Thế rồi cái đêm kinh hoàng đó cụ Kình bị giết. Hàng ngàn lính kéo về bao vây làng Hoành trong đêm. Ba người lính nữa thấy bảo cũng chết cháy, nhưng cái đêm đó không ai thấy gì vì lính ốp đầy làng như Pháp đi càn năm xưa. Ầm ầm cả đêm ngoài đường nhưng hễ ai thò cổ ra hóng là bị ném lựu đạn cay mù mịt. Sáng ra báo đài cả nước gọi cụ Kình là tên phản động nguy hiểm cầm đầu xã Đồng Tâm chống lại nhà nước.
Chuyện làng Hoành nếu bạn tin vào báo đài nhà nước thì thôi, không nên đọc bài viết này của tôi nữa. Nhưng nếu bạn có mảy may nghi ngờ chi tiết gì thì hãy tìm đọc bài viết mới đây nhan đề "Tội ác Đồng Tâm" của giáo sư Hoàng Xuân Phú. Tôi chỉ muốn làm rõ thêm mấy vấn đề xảy ra từ trước cái đêm đẫm máu ở thôn Hoành.
Ba ngàn tên công an kéo vào Đồng Tâm đêm đó có ai thù oán gì với cụ Kình không? KHÔNG. Cụ Kình cả đời chỉ lo việc làng việc nước. Cả mấy xã xung quanh ai cũng biết cụ. Cụ như ông tiên ở trong làng, con trẻ quanh đó đứa nào cũng quý, làm gì có quan hệ hay thù oán với ai ở bên ngoài cái đất này?
Ông Phúc hay ông Trọng có ai thù oán với cụ không? CŨNG KHÔNG! Cụ Kình cả đời làm cán bộ. Từ chủ nhiệm hợp tác xã, rồi sang làm trưởng công an xã, rồi lên chủ tịch và bí thư xã Đồng Tâm cho đến tận lúc về hưu. Chả có lúc nào cụ không hoàn thành nhiệm vụ của mình cả. Đến tận khi phải cùng làng Đồng Tâm chống những kẻ bất chấp pháp luật để cướp đất Đồng Sênh, cụ Kình vẫn luôn nhắc nhở con cháu chấp hành đúng pháp luật. Hình ảnh băng rôn khẩu hiệu ủng hộ đảng và nhà nước hồi năm 2018 còn đầy ra trên mạng đấy, mắc mớ gì thù oán với ông Phúc ông Trọng ở trên cao đâu?
Vậy mà từ đâu cả một hệ thống chính quyền, công an, báo đài nhà nước từ trên xuống dưới nhảy xổ vào tấn công cụ Kình? Vì đâu cụ Kình phải chết tức tưởi với tấm thân nát bấy đạn ngay trong nhà mình? Vì đâu thêm ba mạng người ngành công an nữa phải chết một cách rất mờ ám trong cái đêm kinh hoàng đó?
Tôi cho rằng mọi chuyện bắt đầu chính là từ những bản báo cáo của tốp an ninh mà dân làng vừa kể cho tôi nghe hôm trước. Câu chuyện Đồng Tâm đã bị méo mó sai lạc ngay từ đầu. Những bản báo cáo nắm tình hình từ cơ sở này như nọc độc của con rắn. Nó tiêm nhiễm vào đầu hệ thống công quyền từ trên xuống dưới. Nó làm cả một hệ thống chính trị đờ đẫn, mụ mị và rồi đi đến quyết định tiêu diệt tàn khốc một cán bộ lão thành của nó, bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận như vậy. Nó cũng làm cụ Kình và con cháu mụ mị tin vào hệ thống tàn bạo này đến tận lúc chết.
Có thể bây giờ đảng và nhà nước đang coi vụ Đồng Tâm là một chiến công. Nhưng vụ Đồng Tâm sẽ còn phức tạp vì hệ luỵ của nó đã lan rộng trong tâm tư của nhiều cán bộ đảng viên. Thế nên tôi nhắc các vị rằng, ngoài việc vinh danh và truy tặng phẩm hàm cho những người lính đã chết, hãy nhớ đến tốp an ninh nằm vùng ở Đồng Tâm bao năm qua. Vinh danh hay đổ tội thì tuỳ các vị, nhưng họ là những người quá giỏi khi dẫn dắt tất cả hệ thống hành động như vậy. Họ còn quan trọng hơn nhiều kẻ nào đã trực tiếp cầm súng bắn xuyên qua tim, qua ngực cụ Kình.
Công hay tội thì cũng nên rõ ràng để nhân dân còn biết. Tôi để đây ảnh chụp nghiêng vị chỉ huy nhóm an ninh nằm vùng này trong sự kiện tiếp đón ông Obama từ năm 2016. Ai nhận ra xin đừng mất công sỉ vả. Nhân và quả ở đời là điều không ai tránh khỏi, chỉ có điều nhiều khi nó đến muộn mà thôi.
Yêu thương tất cả
Bài bình luận gần đây